Nằm tại xã Vĩnh Hải, thuộc khu vực Vườn Quốc gia Núi Chúa, cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm chừng hơn 40km về phía Đông Bắc, Vĩnh Hy là một trong những vịnh đẹp nhất Việt Nam, không chỉ hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ của biển trời mà còn làm lưu luyến bất cứ ai ghé thăm bởi sự mộc mạc và dung dị của con người nơi làng biển ấy.

Vĩnh Hy

“Vịnh Hạ Long” của miền Trung: Viên ngọc quý ẩn mình

Nếu có thể dừng lại tại một góc nhỏ nằm trên tuyến đường chạy từ Bình Tiên tới Vĩnh Hy, từ trên cao, bạn có thể phóng tầm mắt thu trọn toàn cảnh làng vịnh và ngắm mặt trời xuống dần dần từng chút sau những quả đồi. Tia nắng cuối ngày tô điểm cho những ngôi nhà trong những rặng cây xanh mướt, sóng nước phản chiếu ánh mặt trời lóng lánh. Những con thuyền ra vào chậm rãi, len lỏi giữa những chiếc đang neo đậu trong vịnh tạo nên những vệt sóng nước đan bện vào nhau… Lẩn quất trong những tán dừa, khói chiều nhà ai tỏa ra như sương trắng.

Du khách ghé thăm thường ví Vĩnh Hy như Vịnh Hạ Long của miền Trung nắng gió. Ngôi làng không quá lớn, và nếu thăm vịnh vào ngày thường, bạn sẽ có cơ hội dạo bước và cảm nhận “hồn” Vĩnh Hy – một vẻ đẹp kín đáo, nhẹ nhàng, tựa như “viên ngọc quý” đang ẩn mình. Bờ biển Vĩnh Hy không có bãi cát trải dài tít tắp, không có rặng cây tỏa bóng, không có ghế nằm nghỉ cho khách du lịch, cũng không có nhiều hàng dịch vụ du lịch sầm uất. Nhà dân nằm sát bờ, kéo dài cong cong theo con đường bê tông nhỏ chạy quanh bờ biển rộng chừng 1,5 – 2 m cho xe cộ lưu thông. Nhưng chính những điều ấy lại khiến du khách cảm thấy tự nhiên bởi cảnh sắc thân thuộc của miền quê.

Vĩnh Hy

Công viên trung tâm của làng không lớn, không nhộn nhịp, chỉ là mảnh sân bê tông nho nhỏ, không có cây xanh, không có hoa… Khoảnh đất này trước đây vốn là sân bóng chuyền, nhưng từ nhu cầu của du khách và của đời sống của người dân trong thôn, nên các hàng quán được mở bán. Cũng chỉ vài ba hàng quán đơn sơ, những bánh xèo, thạch rong biển, bún, sò, nghêu, hàu, ốc,… nướng, hấp được bày bán tại sân. Thực khách là khách du lịch, là đám trẻ con xin mẹ ra ăn hàng, những bà, những chị ra tán gẫu với hàng xóm bán quán.

Nếu có cơ hội lưu lại lâu hơn ở làng Vĩnh Hy, bạn có thể lên tàu đi tham quan vịnh và ngắm san hô. Những người dân gốc Vĩnh Hy lái tàu, vừa làm hướng dẫn viên hành trình, vừa đồng hành lặn biển và giúp du khách chụp lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Tàu sẽ đi ra cửa vịnh, tới mũi Cá Heo, đảo Yến, bãi san hô, bãi Cóc trong, bãi Cóc ngoài, bãi Bà Điên, mũi La Hán… sau đó về khu nhà bè thưởng thức hải sản.  

Vĩnh Hy

“Báu vật” rất riêng để phát triển du lịch

Thuộc một trong những vùng đất khô hạn nhất của Việt Nam, thiếu nước ngọt là trở ngại lớn nhất khiến du lịch Vĩnh Hy khó hấp dẫn các nhà đầu tư. Bởi vậy, người Vĩnh Hy gìn giữ một “báu vật” để mang và giữ chân du khách tới ngôi làng nhỏ của mình.

Làng Vĩnh Hy mới đón khách du lịch nhiều và đều dần từ khoảng năm 2008, sau khi những con đường ven biển như Cà Ná hay Bình Tiên đi vào hoạt động. Ai đã từng đặt chân đến, chắc hẳn đều yêu mến nơi này bởi sự chất phác và chân thành của người dân làng vịnh. Không phải là cảnh đẹp thiên nhiên, tình người mới chính là “báu vật” của người dân Vĩnh Hy. Nét chân chất, giản dị mà sâu lắng của mỗi người dân ở khu làng nhỏ này là điều mà ai cũng có thể dễ dàng cảm nhận được.

Trên trục đường chính của thôn – con đường gập ghềnh dài chừng hơn một cây số chưa được trải bê tông – là những quán nhỏ bán đồ ăn. Những món ăn ở đây phần lớn đều do người dân trong vùng tự làm: bánh đa, bánh cuốn, chả cá, nem chua… Đồ ăn được bán rất rẻ, dao động trong khoảng 5.000 – 15.000 đồng. Những người bán hàng thật thà, không nói thách hay chèo kéo khách như một số nơi khác. Họ nói rằng họ bán thì tất nhiên phải có lời, nhưng chỉ một chút thôi là cũng đủ rồi.

Ngồi trò chuyện ở quán, công viên hay lững thững men theo những con đường nhỏ trong làng, người Vĩnh Hy cởi mở và thân thiện kể sẽ kể cho bạn nghe nhiều câu chuyện về cuộc sống, gia đình hay về chính miền quê biển nghèo của họ. Cứ đi và rồi sẽ thấy một chất quê mộc mạc của những người dân chài – điều mà những cư dân thành thị nay khó có thể tìm thấy khi cuộc sống đã khác xưa quá nhiều.

Vĩnh Hy

Ở Vĩnh Hy, các hướng dẫn viên phần lớn đều là người dân trong làng, có công việc nào thì họ làm việc đó, lúc thì ra khơi đánh cá, khi thì tranh thủ làm thêm dịch vụ phục vụ du khách. Người dân nơi đây sống yêu thương và đùm bọc lẫn nhau, đối đãi với hàng xóm láng giềng cũng tựa như thân bằng hảo hữu. Họ bảo nhau cùng quảng bá vẻ đẹp Vĩnh Hy với khách du lịch trong và ngoài nước, nhưng phải giữ được nét đẹp cảnh quan và ấm nghĩa tình. Họ muốn đưa hết những gì tinh túy nhất của thôn làng mình đến với du khách bằng cái tâm và sự chân tình.

Người dân nơi đây thẳng thắn, không ngại nói ra cái tốt, cái đẹp và những gì còn hạn chế của quê hương mình. Với mỗi du khách, những hướng dẫn viên đều nhiệt tình và giới thiệu đầy đủ các loại hình dịch vụ, giá cả, cái gì được miễn phí, cái gì không. Du khách cần biết thêm thông tin gì, như về nơi ăn, chốn ở… chỉ cần hỏi bất cứ người dân nào cũng sẽ được hướng dẫn chu đáo. Nếu du khách còn bối rối, dân làng sẽ sẵn sàng dành thời gian để nói thêm một cách tỉ mỉ và dẫn du khách tới nơi cần tìm mà không đòi hỏi thù lao.

Bao đời thăng trầm nghề biển

Được thiên nhiên ưu đãi với nguồn hải sản dồi dào, phần lớn ngư dân Vĩnh Hy đánh bắt gần bờ. Ngoài ốc, hàu, nhum, biển Vĩnh Hy còn nổi tiếng bởi những loài cá có trữ lượng lớn như cá cơm, cá thu. Qua nhiều năm kinh nghiệm, người dân Vĩnh Hy nghiên cứu ra một loại lưới gọi là lưới đăng, đăng trực tiếp tại nơi có cá. Mùa đánh bắt cá thu thường kéo dài từ nửa cuối tháng Giêng đến tháng 5 âm lịch, đặc biệt luồng cá chạy dày từ tháng 3 đến tháng 4. Thuyền đánh bắt gần bờ nên ngư dân chỉ cần sáng đi chiều về, hoặc mỗi khi có được mẻ cá là ngư dân liền chở vào bờ, bởi vậy, cá thu ở đây nổi tiếng tươi ngon, không có cá ướp muối hay đông lạnh.

Để cộng đồng dân cư cùng có cuộc sống sung túc hơn, người dân làng vịnh thường chung vốn, góp sức đánh bắt cá, ai cũng là chủ và có sự gắn bó, hỗ trợ nhau thân thiết, người này có ý tưởng, người kia có sức khỏe,… điều này khiến ai cũng tự có trách nhiệm khi tham gia đánh bắt.

Hải sản từ Vĩnh Hy cung cấp đi các nơi cũng như bán cho du khách đều mua trực tiếp của ngư dân, hoàn toàn là đánh bắt tươi sống ngoài biển, không có đồ nuôi. Bởi ngay sát gần bờ đã có rất nhiều hải sản, dân làng chỉ cần siêng năng một chút, dành một vài giờ đi dọc bờ biển, men theo các gành đá là có mồi nhậu và đồ ăn cho bữa cơm gia đình. Người dân nơi đây luôn cảm thấy biết ơn vì những gì mình đang có.

Vĩnh Hy

Tuy được ưu đãi như vậy, nhưng nghề “làm bạn” với biển không tránh được những lúc biển động, bão lớn. Những ngư dân đánh bắt xa bờ một đêm có thể trúng mẻ cá vài chục hay vài trăm triệu đồng, nhưng bấy nhiêu đó có khi cũng không bù lại được cho những ngày thời tiết không thuận. Những ngày biển bị ảnh hưởng từ giông bão, đêm sẽ rất ít thuyền ra khơi, đa phần neo đậu trong vịnh. Tầm 4 giờ sáng, vài chiếc thuyền đi đánh cá đêm trở về, từng thuyền từng thuyền cập bến. Thuyền về cũng không có nhiều cá, chỉ có một vài sọt nhỏ…

Các bạn trẻ của làng nhiều người theo nghiệp ông cha, thanh niên trai tráng đa phần đi biển, nữ giới những ai không có việc làm thì lên thành thị mưu sinh. Mọi người đều mong muốn con được học lên cao để cuộc sống bớt nhọc nhằn.

Vĩnh Hy

Không sầm uất như thành phố biển Nha Trang hay nhộn nhịp như Mũi Né, vịnh Vĩnh Hy ẩn mình hiền hòa giữa hai khu du lịch biển nổi tiếng ấy. Người Vĩnh Hy quý mến từng du khách đến thăm và mộc mạc kể câu chuyện về tình yêu với ngôi làng nghèo, nhỏ của mình bao đời vẫn trìu mến sống bên biển. Nắng, gió, biển, rừng, cùng nét dung dị của những người dân hiền lành, chất phác nơi mảnh đất nhỏ miền Trung ấy khiến ai từng dừng chân qua cũng lưu luyến thêm lần trở lại.

Bài, ảnh: Minh Đức

Xem thêm: