Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán hoành hành trên khắp thế giới đã hơn 1 năm qua, đến nay ngay cả đỉnh núi Everest cao nhất thế giới cũng “thất thủ”. Một người leo núi Na Uy đã được chẩn đoán bị nhiễm bệnh tại điểm cắm trại và được đưa thẳng về thủ đô Kathmandu của Nepal bằng trực thăng để chữa trị.

Dinh Everest 1
(Ảnh: Pixabay)

Khoảng thời gian gần đây, các quốc gia Nam Á đang phải đối mặt với đợt bùng dịch mới, trong đó bao gồm Ấn Độ và Nepal. Ở đất nước có 3 triệu người như Nepal mà số ca dương tính đã lên đến con số hơn 2.000 người mỗi ngày.

Những người leo núi cũng đã bị nhiễm bệnh khi trên đường leo lên đỉnh Everest ở biên giới Trung Quốc và Nepal, điều này khiến mọi người liên tưởng rằng tình hình dịch bệnh ở Nepal đã lên đến “đỉnh điểm”.

Mới đây, Nepal đã mở cửa trở lại cho những người leo núi nước ngoài leo lên đỉnh Everest vào mùa xuân nhằm khôi phục nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Đợt leo núi mùa xuân kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5. Vào tháng 5 thường sẽ xuất hiện những ngày thời tiết đẹp phù hợp để leo lên đỉnh núi.

Tuy nhiên, người leo núi Na Uy có tên Erlend Ness đã bị nhiễm bệnh và hiện hàng trăm người leo núi, huấn luyện viên và các nhân viên ở đây cũng đang gặp phải nguy cơ bị nhiễm bệnh.

Anh Erlend nói với tờ AP rằng anh đã nhận được kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 vào ngày 15/4. Hiện nay anh đang trú tại một gia đình bản xứ ở Nepal.

Hướng dẫn viên leo núi người Áo, anh Lukas Furtenbach, đang dẫn 18 người leo núi thử thách đỉnh Everest và Lhotse, nói rằng có thể là không chỉ có một mình anh Erlend bị nhiễm bệnh vì anh này đã sống cùng với những người leo núi khác trong vài tuần.

Anh Lukas cảnh tỉnh rằng nếu cơ quan chức năng không lập tức thực hiện các biện pháp an toàn và xét nghiệm tất cả những người leo núi thì rất có khả năng dịch bệnh sẽ lan truyền giữa những người này và mùa leo núi có thể sẽ phải kết thúc trước thời hạn vì dịch bệnh bùng phát.

Anh Lukas cho biết: “Hiện nay chúng ta cần phải nhanh chóng xét nghiệm toàn bộ khu vực cắm trại, mọi người đều phải được xét nghiệm, mỗi nhóm đều phải cách ly, mỗi người không được tiếp xúc gần với nhau. Đây là việc cần phải làm ngay lập tức, nếu không thì sẽ quá muộn.”

Tuy nhiên, phát ngôn viên của bộ phận du lịch ở Nepal, bà Mira Acharya đã phủ nhận việc khu vực này có ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán. Bà cho biết theo thông tin chính thức thì hiện chỉ có trường hợp bị viêm phổi và phản ứng với độ cao đang được cách ly.

Thanh Trúc (Theo Epoch Times)

Xem thêm: