Ngày 12/7, tại tang lễ của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Taro Aso – Phó Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do, kiêm cựu Thủ tướng, đã có bài điếu văn đại diện cho những người bạn của ông Abe. Nội dung của bài điếu văn khiến người dân Nhật Bản xúc động, rơi nước mắt.

8675688788 b2a596ec2b b
Cựu Thủ tướng Taro Aso đại diện cho những người bạn của cựu Thủ tướng Abe đọc điếu văn. (Nguồn: CSIS/ Flickr)

Ông Taro Aso năm nay 81 tuổi, hơn cựu Thủ tướng Shinzo Abe 14 tuổi. Cả hai đều xuất thân trong những gia đình chính trị nổi tiếng, và đều là cựu thủ tướng. Hai ông được biết đến như những đại diện của gia đình hào môn, nhưng ngay từ đầu lại không hợp nhau về mặt chính trị.

Ông ngoại của Aso là cựu Thủ tướng Shigeru Yoshida, người đã lãnh đạo Nhật Bản trong 6 năm sau chiến tranh. Nixon từng nhận xét về Yoshida rằng: “Ông ấy đã giúp Nhật Bản thoát khỏi tình cảnh khốn khó về quân sự và đạt được thắng lợi về kinh tế. Ông ấy là Churchill của Nhật Bản”.

Ông Taro Aso kế thừa chủ trương “trọng thương khinh binh” của ông Yoshida, đồng thời cống hiến hết mình để phát triển kinh tế. Bản thân ông xuất thân giàu có, làm chủ ngành khai thác mỏ và các ngành công nghiệp khác, đồng thời đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực kinh tế và chính trị.

Ông Abe, dưới ảnh hưởng của ông ngoại Nobusuke Kishi, lại cam kết thúc đẩy việc sửa đổi hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình, chủ trương rằng sức mạnh của Nhật Bản không chỉ là kinh tế, mà còn cần thiết lập khả năng tự cường trong quốc phòng, và chủ trương tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP.

Hai người có quan điểm chính trị khác nhau, nhưng đều là những nhân vật quan trọng trong Đảng Dân chủ Tự do. Trước những ngã rẽ thăng trầm của Đảng Dân chủ Tự do sau khi bị đoạt quyền, cả hai ông dần đồng quan điểm hơn. Ông Taro Aso lớn tuổi khá coi trọng tài năng của ông Abe và dần dần đồng ý với chính sách của ông.

Dưới chính quyền của ông Abe, với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao, ông Taro Aso đã hỗ trợ hết mình. Cả hai được biết đến như một liên minh kinh tế và chính trị của Nhật Bản.

Khi chính sách tăng thuế tiêu thụ được thúc đẩy, cả hai cũng có những khác biệt về quan điểm, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến tình hình chung. Phóng viên chính trị Shiro Tasaki gọi họ là những người bạn kết nối với nhau vượt qua phạm trù chính trị”. Trong khi đó, công chúng thường ca ngợi ông Aso là người “chính nghĩa và giàu tình người”, tức tinh thần hiệp sĩ.

p3181771a946231160
Hai ông Shinzo Abe và Taro Aso (Ảnh: MXH)

Dưới đây là bài điếu văn của ông Taro Aso viết cho cựu Thủ tướng Shinzo Abe:

“Ông Abe, vào thời khắc này hôm nay, tôi không thể tìm được từ ngữ thích hợp nào. Ông đã bị bắn gục khi đang phát biểu trên đường phố trong cuộc bầu cử Thượng viện. Bất kể thế nào, điều này đáng lẽ không nên xảy ra.

Đối với tôi, chuyện này căn bản là không thể chấp nhận được. Hơn nữa, người dân cũng chìm đắm trong sự tức giận và nỗi buồn không thể trút bỏ. Không ai có thể biểu đạt nỗi đau xé ruột xé gan này, thậm chí tôi cũng nghĩ rằng không một từ ngữ nào có thể diễn đạt được, chỉ biết tiếp tục cầu nguyện cho ông.

Nhìn lại, tôi và ông đã kết giao một thời gian dài. Giữa chúng ta, khi thì là Phó Chánh Văn phòng Nội các và Chủ nhiệm Bộ Chính trị, khi là Thủ tướng và Tổng Thư ký, khi lại là Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ.

Chúng ta cùng thúc đẩy các chính sách và giải quyết những vấn đề khác nhau về chính trị, dựa trên mối quan hệ đầy tin tưởng lẫn nhau giữa ông và tôi. Trên mọi phương diện, chúng ta đều tin vào đất nước Nhật Bản và tin rằng lợi ích quốc gia là trên hết, đó là sợi dây gắn kết lớn nhất giữa ông và tôi, có lẽ tôi nói cũng hơi quá lời.

Thường ngày, chúng ta uống rượu và trò chuyện với nhau, vừa đi dạo trên sân gôn vừa cười đùa. Khung cảnh những ngày tháng đó, giọng nói và nụ cười của ông Abe vẫn hiện lên mỗi khi tôi nhắm mắt lại.

Thành tích của ông khi làm Thủ tướng tôi không cần phải nhắc đến nữa, hầu hết mọi người ai nấy đều biết. Không chỉ trong đối nội, mà cả đối ngoại, ông chắc chắn là vị chính khách giỏi nhất mà Nhật Bản thời hậu chiến đã sản sinh.

Trong nhiệm kỳ cầm quyền dài nhất sau chiến tranh, chính sách ngoại giao tích cực của ông Abe, với trí tuệ, nhân phẩm và lòng dũng cảm kiên định với tiêu chuẩn đạo đức cơ bản, không thỏa hiệp của riêng ông, các nguyên thủ quốc gia đều nhận rõ và khiến địa vị của Nhật Bản tăng lên nhanh chóng.

Ngay cả sau khi ông từ chức thủ tướng, trong nhiều tình huống khác nhau, các nguyên thủ quốc gia đều hỏi: ‘Ông Abe nói thế nào?’. Là một người Nhật, tôi cảm thấy rất tự hào.

Thế giới ngày nay đang trải qua những biến động to lớn. Tất cả các quốc gia đã mất đi con đường đế vương mà họ nên đi, tất cả đều lạc lối và cần một chiếc la bàn để tiến về phía trước. Mất ông vào lúc này là một tổn thất to lớn đối với đất nước Nhật Bản, khiến lòng người vô cùng xót xa.

Ông sẽ đến gặp ông Shintaro (cha ông Abe), chắc chắn ông sẽ ngẩng cao đầu báo cáo thành tích với cha mình. Cả ông Nobusuke Kishi (ông ngoại ông Abe) cũng sẽ tham gia nhỉ, và cuộc thảo luận chính trị ở đó có thể sôi động như một bông hoa nở rộ đầy nhựa sống.

Là một trong những người bạn của gia đình ông, tôi chân thành thỉnh cầu ông, hy vọng anh linh của ông trên Trời sẽ bảo vệ phu nhân Akie Abe – người luôn đồng cam cộng khổ, ủng hộ và ở bên ông đến những giây phút cuối cùng, cùng họ hàng thân thích của ông; hy vọng ông mãi luôn bảo vệ mọi người bằng trái tim ấm áp của mình.

Tôi vẫn còn rất nhiều điều muốn nói với ông Abe, nhưng sớm hay muộn thì tôi cũng sẽ đến chỗ ông. Khi đó, mong được trò chuyện và cười đùa vui vẻ với ông nhiều hơn cả khi chúng ta ở cùng nhau trước kia. Thành thật mà nói, ông bạn, vốn dĩ tôi muốn xin ông Abe viết cho tôi một bản điếu văn. Quả thực … tôi rất đau lòng.

Reiwa (Thời kỳ Lệnh Hòa), ngày 12/7/2017

Cựu Thủ tướng, đại diện cho bạn bè của ông – Taro Aso.”

Điếu văn này khác với những bài chính văn thông thường trong các trường hợp chính thức, thực sự lay động lòng người và được người dân Nhật Bản đón nhận nhiệt thành. Một số người Nhật đã để lại lời nhắn mà nước mắt lưng tròng: “Đời người có một người bạn chân thành đến vậy, còn mong gì hơn!”

Mối quan hệ tin tưởng giữa ông Taro Aso và ông Abe được đề cập trong bài điếu văn của ông Aso được kết nối dựa trên lợi ích quốc gia, cũng là điều đáng trân trọng, có thể sánh với giai thoại về mối giao tình lấy xã tắc làm trọng được ghi lại trong “Sử ký – Liêm Pha Lận Tương Như liệt truyện”.

Vào thời Chiến quốc, Liêm Pha – vị tướng quân dung mãnh của nước Triệu, với chiến công hiển hách, đã được phong tước Thượng Khanh. Còn Lận Tương Như, vốn xuất thân khiêm tốn, nhưng lại bảo vệ sự tôn nghiêm của vua Triệu khi Tần Vương và Triệu Vương hội ngộ tại Miễn Trì, được coi là có công “đem ngọc trả lại vua Triệu” nên được phong là Thượng đại phu, chức vị cao hơn cả Liêm Pha.

Liêm Pha không phục liền tuyên bố rằng chỉ cần gặp mặt Tương Như sẽ làm nhục ông. Sau khi Lận Tương Như biết truyện, ông luôn cố ý tránh mặt Liêm Pha hoặc cáo ốm.

Mọi người cho rằng Lận Tương Như sợ Liêm Pha, nhưng ông lại nói: “Hiện giờ nước Tần e sợ nước Triệu chúng ta, chẳng phải vì có Liêm tướng quân và ta hay sao? Nếu giữa chúng ta xảy ra hiềm khích, lưỡng hổ giao tranh, người tổn hại cuối cùng tất nhiên là xã tắc. Ta tránh mặt Liêm tướng quân là vì lấy chuyện quốc sự làm trọng. Hai người chúng ta như cánh tay trái và cánh tay phải của Triệu Vương, sao có thể vì ân oán tư thù nhỏ nhoi giữa cá nhân mà gây họa cho giang sơn xã tắc được đây?”

Liêm Pha nghe xong những lời này vô cùng xúc động, liền cởi trần, mang theo chiếc roi làm từ cành mận gai đến gặp Lận Tương Như chịu tội.

Cuối cùng hai người kết thành bạn bè vào sinh ra tử, hoạn nạn có nhau, một lòng vì quốc gia xã tắc.