Trung Quốc có lịch sử lâu đời và ẩn chứa vô số bí mật. Những câu chuyện đằng sau 9 ngôi làng kỳ lạ này có thể khiến bạn bất ngờ.

1. Làng La Mã ở Cam Túc

lam TQ2
Làng Chiết Lai Trại, huyện Vĩnh Xương, Cam Túc, được gọi là làng La Mã của Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình video)

Ở làng Chiết Lai Trại, huyện Vĩnh Xương, Cam Túc, có một nhóm người trông rất khác với những cư dân gần đó: mắt xanh và sâu, mũi cao và thậm chí tóc vàng, da đỏ. Tổ tiên của họ chính là “Binh đoàn La Mã cổ đại” huyền thoại đã biến mất một cách bí ẩn.

Vào năm 53 trước Công nguyên, sự biến mất bí ẩn của một quân đoàn La Mã tham chiến ở Parthia, Trung Á đã trở thành một vụ án chưa có lời giải đáp trong lịch sử. Vào những năm 1950, các học giả Anh đã mạnh dạn suy đoán rằng quân đoàn La Mã này có thể đã đến Trung Quốc và tin rằng thành phố cổ Ly Kiền ở phía tây nước này được xây dựng bởi những người La Mã cổ đại sống ở Trung Quốc.

Theo sách “Hậu Hán thư” ghi chép lại, “huyện Ly Kiền được thành lập vào đầu thời nhà Hán, lấy tên quốc gia đặt cho huyện.” Và “Ly” này chính xác là những gì người Trung Quốc gọi là Rome vào thời điểm đó. Vì vậy, nhiều nhà sử học đã suy đoán rằng thành phố Ly Kiền là nơi giam giữ các tù nhân chiến tranh người La Mã thời Tây Hán.

Để khẳng định rõ hơn vấn đề này, các nhà khoa học đã thu thập mẫu máu của 93 dân làng và đo đạc thông qua DNA và nhân chủng học. Hai năm sau, quá trình xác định DNA hoàn thành. Kết quả cho thấy 91 mẫu máu mà dân làng ở Chiết Lai Trại gửi lên đều là của người gốc Trung Á và Tây Á.

2. Làng hóa thạch ở Nam Vân Nam 

lang hoa thach TQ
Làng hóa thạch Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình video)

Sơn trại Lão Húc Điện nằm cách huyện Thạch Bình, tỉnh Hồng Hà, miền nam Vân Nam khoảng 48 km về phía nam. Các chuyên gia đã khẳng định những phiến đá dùng trong nhà của dân làng là hóa thạch. Do đó, hiện nay người ta vẫn quen gọi đó là làng Hóa thạch, chỉ có người dân địa phương mới gọi tên làng là Lão Húc Điện.

3. Làng trên vách đá

Tại làng Hồng Đức, thị trấn Doanh Bàn, huyện Thủy Thành, Quý Châu, phương tiện di chuyển thuận tiện nhất đến đây là tàu hỏa. Ga Mao Thảo Bình là ga đường sắt gần nhất đến làng Hồng Đức, khoảng cách giữa hai nơi chưa đầy 2 km. Tuy nhiên, giữa hai nơi này còn có một hẻm núi dựng đứng tên là Ô Mông. Vì con đường trong làng bị cắt ngang ở đây, không thể đi qua được, nên dân làng gọi là “đường Đoạn Đầu”.

Ngoài đi cáp ròng rọc zipline, người dân ở đây còn có một lựa chọn khác là bắc cầu bằng cột tre ở phía dưới khe. Dân làng thường đi từ bên này của làng xuống phía dưới hẻm núi, đi qua chiếc cầu cột tre, rồi leo lên bờ đối diện. Vì hai bên đều có độ dốc lớn khoảng 90 độ nên đi lên từng đoạn một phải mất ít nhất 2 tiếng đồng hồ.

hong duc cap treo
Người dân làng trên vách đá Hồng Đức đi lại bằng ròng rọc. (Ảnh chụp màn hình video)

4. Ngôi làng kỳ lạ trên tảng đá khổng lồ ở Vân Nam

lang da nam
Người dân làng đá Bảo Sơn ở Vân Nam sinh sống trên một tảng đá hình nấm khổng lồ. (Ảnh chụp màn hình video)

Làng đá Bảo Sơn ở Vân Nam nằm ẩn sâu trong hẻm núi sông Kim Sa ở Lệ Giang với 108 hộ gia đình người Nạp Tây sinh sống trên một tảng đá hình nấm khổng lồ.

Làng đá được xây dựng vào cuối thời Tống, đầu thời Nguyên, là nơi ở sớm nhất của tổ tiên người Nạp Tây ở Lệ Giang. Dân làng lựa chọn nơi này để sinh sống nhằm chống lại sự xâm lược của binh lính và giặc cướp thời bấy giờ. Trong hàng ngàn năm, chưa từng có quân đội nào thực sự chinh phục được ngôi làng này bằng vũ lực.

Bạn chỉ có thể vào làng qua hai cổng đá. Những ngôi nhà nhấp nhô, men theo những tảng đá đã tạo thành tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá khổng lồ này.

5. Làng sống trong hang động Quý Châu

lang trung dong mieu 2
Làng Trung Đông Miêu. (Ảnh chụp màn hình video)

Làng Trung Động Miêu, huyện Từ Vân, tỉnh Quý Châu, là bộ lạc trong hang động cuối cùng ở Trung Quốc và thậm chí ở châu Á. Trong hang rộng hơn 100m và sâu hơn 200m này có 18 hộ gia đình với 73 người Miêu sinh sống, tổ tiên của họ di cư lên núi để trốn chiến tranh, sau đó định cư trong hang động.

6. Làng chài nổi rộng lớn ở Phúc Kiến

lang be noi 2
Làng chài nổi rộng lớn ở Phúc Kiến. (Ảnh chụp màn hình video)

Trên mặt biển Tam Đô Úc ở Ninh Đức, tỉnh Phúc Kiến, có một ngôi làng với số lượng lớn nhà nổi của khoảng 10.000 ngư dân, trải dài hàng chục dặm với diện tích hàng trăm km2.  Đây là làng chài nổi lớn nhất của Trung Quốc. Người dân trong làng chủ yếu dựa vào nuôi trồng thủy sản để mưu sinh. Ngư dân hầu như cả năm chỉ ăn uống sinh hoạt trên vùng biển này. Tuy nhiên, việc sinh sống ở biển lâu dài và việc chăn nuôi với mật độ cao cũng đã kéo theo sự ô nhiễm không thể tránh khỏi.

7. Làng ngầm dưới biển

lang tau ngam 2
Làng ngầm dưới biển Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình video)

Trong vùng biển sóng cả của các cảng Đông Doanh, Bắc Sang, Đông Trại, Phụ Tiền và huyện Văn Xương trên bờ biển phía đông bắc của quận Quỳnh Sơn, thành phố Hải Khẩu, Trung Quốc, là nơi 72 “ngôi làng dưới biển” được ẩn giấu. Đây là tàn tích động đất duy nhất bị chìm xuống biển trong lịch sử Trung Quốc do trận động đất hiếm gặp trong thời Vạn Lịch của nhà Minh hơn 300 năm trước. Qua làn nước biển sâu 10 mét, có thể thấy rõ những khoảng sân và những ngôi nhà gồ ghề của ngôi làng.

8. Làng Thiên lôi – Ngôi làng bị sét đánh nhiều nhất

thon thien loi
Cảnh sét đánh ở thôn Thiên Lôi Đàn, Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình video)

Ở vùng nội địa của dãy núi Mai Lĩnh xinh đẹp, có một ngôi làng trên núi hẻo lánh từng khiến người dân địa phương bàn tán xôn xao vì bị sét đánh quá nhiều, đó là làng tự nhiên Thiên Lôi Đàn.

Tại làng “Thiên lôi” này, các vụ sét đánh thường xảy ra quanh năm. Thống kê cho thấy, hơn 20 năm qua, hàng chục người trong làng đã bị thương và 4 người chết do bị sét đánh, đồng thời nhà cửa nhiều lần bị phá hủy.

9. Làng Bát quái Giang Tây – ngôi làng tròn nhất

lang tron 2
Làng tròn Cúc Kính ở Giang Tây, Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình video)

Ở huyện Vụ Nguyên, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc có một ngôi làng kiến ​​trúc Huy Châu điển hình tên là Cúc Kính.

Đây là quê hương của tể tướng Hà Như Sủng thời Minh, bắt đầu được xây dựng vào đầu thời nhà Tống. Công trình này do quốc sư Nam Đường Hà Phổ, bậc thầy phong thủy nổi tiếng của Trung Quốc đồng thời là thế tổ họ Hà ở Vụ Nguyên đích thân lên kế hoạch và thiết kế. Cúc Kính được mệnh danh là ngôi làng tròn nhất ở Trung Quốc hay còn gọi làng Bát quái. Trong làng có rất nhiều di tích văn hóa và di tích lịch sử, trong số đó phải kể đến tấm biển ngự bút “Hoàng Các Điều Nguyên” được đặt trong từ đường họ Hà thời Tống, vốn được Hoàng đế Sùng Trinh ban cho.

Mục Dao/ Vision Times

Xem thêm: