Lời nói có thể giúp một người thành công cũng có thể phá hủy một con người. Từ lời nói và việc làm của một người, chúng ta có thể thấy được sự tu dưỡng bản thân người đó, đồng thời có thể thấy được tính cách, kiến ​​thức và sự hiểu biết của họ. Người trí tuệ có thể tránh nói những lời sắc bén, không chê trách người, không sợ lời chế giễu cũng không quá tin những lời tán dương từ người khác.

can bang
(Ảnh: Alina Rosanova/ Shutterstock)

Không nói lời chê trách

Tôi đã từng xem qua một câu chuyện như sau:

Một buổi sáng sớm, một chiếc thuyền chở khách đậu sẵn bên sông, sẵn sàng chở người qua sông. Tất cả các hành khách đều ngồi yên lặng cho đến khi một người đàn ông cùng mấy đứa trẻ bước đến. Tiếng ồn ào từ lũ trẻ đã phá vỡ sự yên lặng trên thuyền. Người đàn ông ngồi bên cạnh mặc cho lũ trẻ gây ồn ào, và vẫn tỏ ra dửng dưng. 

Có người nói với ông ấy: “Này ông, con cái của ông ồn ào quá, ông có thể quản giáo chúng không?” 

Người đàn ông ngẩng đầu lên và nhẹ nhàng nói: “Vâng, tôi nên chăm sóc chúng. Mẹ của chúng mới mất cách đây một giờ, và chúng tôi vừa mới trở về. Tôi vô cùng lúng túng, và những đứa trẻ cũng vậy”.

Trong giây lát, tất cả đều im lặng, nỗi tức giận bỗng nhiên tan biến, sự đồng cảm và thương cảm cũng tự nhiên trào dâng.

Trong thực tế cuộc sống, hiện tượng không biết thật ra là chuyện gì nhưng đã vội vàng kết luận, được nước lấn tới và hay mắng mỏ người khác, thường xuyên xảy ra.

Khi đối nhân xử thế, cố gắng đừng nói quá nhiều về việc đúng sai của người khác, hãy cố gắng nghĩ cho đối phương và cân nhắc cảm xúc của họ.

Đối với người khác, đó là một loại tôn trọng, đối với bản thân, đó là một loại tu dưỡng và lương thiện.

Không sợ lời chế giễu

Trang Tử trong Chương mở đầu của “Tiêu Diêu Du” kể một câu chuyện: Có một con cá ở biển Bắc, tên nó là Côn (loài cá lớn trong truyền thuyết thời xưa). Kích thước của Côn lớn đến hàng nghìn dặm. Nó có thể biến thành chim Bành, có lưng dài ngàn dặm. Khi bay mạnh, đôi cánh rộng mở như mây trên trời. Loài chim này khi biển động và có gió thổi, đôi cánh đập vào mặt nước khuấy động sóng ba vạn dặm, cưỡi cuồng phong vòng qua biển đến độ cao chín vạn dặm và di cư đến Nam Hải. 

Chim sẻ xám chế nhạo chim Bành, nói: “Tôi bay hết sức mình, gặp cây du hay cây đàn hương thì dừng lại, có lúc chẳng cần bay lên cao mà cứ thả tự do xuống. Cần gì phải bay xa đến chín vạn dặm ra Nam Hải chứ?”

Chim Bành không quan tâm đến sự chế giễu của chim sẻ, nó sải cánh bay vút lên giữa núi và sông, tận hưởng phong cảnh vô tận của thiên nhiên.

Lấy tầm nhìn hạn hẹp để đo lường cái rộng lớn sẽ chỉ bộc lộ sự hời hợt và thiếu hiểu biết. 

Chúng ta nên nhìn xa hơn, theo đuổi cảnh giới cao hơn và rộng lớn hơn trong cuộc đời.

Khi người khác không hiểu chúng ta, cũng có thể là do họ có kiến ​​thức hạn chế hoặc thiếu hiểu biết, do vậy không cần thiết phải quá quan tâm đến việc họ chế nhạo hay cần giải thích gì cho họ. 

Mỗi người trên thế giới này đều không giống nhau, chúng ta không phải sống để làm hài lòng người khác, cũng không phải sống cho người khác. Hãy tự mình lựa chọn và bước đi trên con đường nhân sinh của mình, đừng sợ hãi bất cứ điều gì.

Cẩn trọng với lời khen từ người khác

Trâu Kỵ là tể tướng nước Tề, thân cao hơn tám thước, tướng mạo sáng sủa, anh tuấn. Khách đến thăm còn nói ông là bậc nam tử khôi ngô tuấn tú vô song thiên hạ. Tuy nhiên, cho đến khi Trâu Kỵ nhìn thấy Từ Công và quan sát ông ta một cách cẩn thận, Trâu Kỵ nhận thấy rằng mình còn thua kém Từ Công.

Vì vậy, Trâu Kỵ vào triều bái kiến Tề Uy vương, đã dùng câu chuyện của mình để khuyên nhủ vua: “Nhân dân cả nước muốn làm đẹp lòng đại vương và được đại vương chiếu cố. Vì thế, trong hoàn cảnh như vậy, những điều đại vương nghe thấy rất có thể không phải là điều chân thực.”

Trâu Kỵ đề nghị Tề Uy vương nên tiếp nhận lời can gián của quần thần và bách tính. Ngay khi lệnh được ban ra, tất cả các quan đại thần đều đến trình tấu sớ “đông như trẩy hội”. Nước Tề bắt đầu có kỷ cương chính trị và dần dần trở nên hùng mạnh. Các nước Yến, Triệu đều đến bái kiến nước Tề để học hỏi.

Trước những lời khen ngợi, Trâu Kỵ đã cẩn thận suy nghĩ và phân tích kỹ lưỡng, bảo trì tư duy và nhận thức sáng suốt của mình, không hồ đồ tin theo một cách mù quáng. 

Tề Uy vương đã mở rộng ngôn luận và khiêm tốn tiếp nhận lời can gián của Trâu Kỵ với tinh thần cởi mở, từ đó trau dồi kỷ cương chính trị của đất nước. Vì vậy, nước Tề mới có thể thu phục các nước khác mà không cần sử dụng quân đội. 

Việc thích nghe những lời khen là điều dễ hiểu, nhưng điều cần phân biệt là: Đằng sau những lời tốt đẹp là lời nói từ đáy lòng hay chỉ là khẩu thị tâm phi. Chúng ta không nên bị mê hoặc bởi những lời tốt đẹp, khi đó, bạn sẽ không đánh mất chính mình.

Lời kết

Chúng ta không nên bình luận về cuộc sống của người khác, cũng không thể sống theo lời của người khác. Chúng ta nên là chính mình và sống đúng bản chất của mình.

Chúng ta cần cẩn trọng ngôn hành của bản thân, không nên phán xét người khác, cũng đừng sợ lời đàm tiếu, hãy tự mình lựa chọn và bước đi con đường nhân sinh của mình. 

Cuối cùng, trước những lời tán dương, hãy giữ vững sự sáng suốt và thận trọng của mình.

Vision Times

Ngữ Yên biên tập