Sau gần một ngày đêm bị vùi lấp trong đống đổ nát của trận động đất, các nhân viên cứu hộ phát hiện ra cậu bé sơ sinh Sonish Awal 4 tháng tuổi vẫn còn sống… Câu chuyện kỳ tích này đã giúp mọi người tìm thấy niềm hy vọng và sự an ủi trong thảm họa đau thương.

4 năm sau, “cậu bé kỳ diệu” Sonish Awal ngày nào giờ đã khôn lớn và trở thành một đứa trẻ hoạt bát đáng yêu.

“Cậu bé kỳ diệu” sống sót qua trận động đất

Một trận động đất mạnh 8,1 richter đã xảy ra ở Nepal vào năm 2015 khiến hơn 9.000 người chết, 21.000 người bị thương. Thảm cảnh khi đó được ví như địa ngục trần gian, nhưng cậu bé sơ sinh Sonish Awal lại may mắn được cứu sống trong đống đổ nát. Trong bức ảnh, khuôn mặt bình yên của cậu bé như thể chưa từng có trận động đất nào xảy ra.

Bị mắc kẹt dưới đống đất đá trong suốt 22 giờ đồng hồ, lúc đó cậu bé Sonish Awal yếu ớt rất may mắn khi có một chiếc tủ chắn ngang bên trên, khiến em không bị đất đá rơi xuống người và không bị thương bởi những cơn dư chấn nhỏ tiếp theo. Do đó, cậu bé đã sống sót một cách thần kỳ và trở thành niềm hy vọng trong mắt những người dân bị nạn lúc bấy giờ. Kể từ đó, người ta gọi cậu với cái tên “Cậu bé kỳ diệu”.

Bốn năm sau, cậu bé ngày ấy nay đã lớn khôn. Tuy nhiên, phổi của em cũng chịu ảnh hưởng do nhiễm bụi trong thời gian lâu. Còn gia đình em thì vẫn đang khắc phục thiệt hại do trận động đất gây ra.

Gia đình Sonish có 4 người gồm bố Shyam, mẹ Rasmila và chị gái Sonia. Bố của Sonish là tài xế, mỗi tháng thu nhập chỉ khoảng 6.000 rupee (7,5 USD). Tất cả đồ đạc trong ngôi nhà 2 phòng của Sonish đã bị động đất phá hủy và gia đình em không có khả năng chi trả phí sửa sang lại nhà cửa, do vậy họ chỉ tạm thời sống trong một căn phòng để tránh nạn.

22 giờ kịch tính

Mẹ của Sonish kể lại rằng khi trận động đất xảy ra, bà đang ở ngoài chợ, chị gái của Sonish thì ở nhà trông nom cậu bé. Khi cảm thấy mặt đất rung chuyển, bà vội chạy về nhưng đến nơi thì thấy ngôi đã bị đổ, trong khi cả hai đứa trẻ vẫn đang ở trong nhà.

“Tôi ném hết tất cả đồ đạc xuống đất để chạy về”, bà Rasmila nói. “Nhưng về đến nơi thấy nhà đã đổ, tôi nhìn thấy căn phòng nhỏ bị vùi lấp… Trong hoàn cảnh đó, tôi không nghĩ được gì ngoài hét to lên gọi người giúp đỡ cứu hai đứa trẻ.”

Hai giờ sau, dưới sự giúp đỡ của hàng xóm, chị gái Sonish đã được cứu sống. Tuy nhiên, Sonish vẫn bị vùi lấp trong đống đổ nát, bà Rasmila nói rằng đó là 22 giờ đồng hồ bà cảm thấy giày vò nhất trong cuộc đời mình.

“Khi cứu được con gái, tôi vừa ôm nó vừa gọi Sonish. Mọi người nói có thể cậu bé đã chết rồi, bởi vì họ không nghe thấy tiếng khóc, tuy nhiên tôi vẫn xin họ đi tìm kiếm lần nữa, tôi nói chết thì phải tìm thấy xác, sau đó bắt đầu có người đào đất để tìm Sonish. Chỉ có tôi mới biết mình đã sống như thế nào trong suốt 22 tiếng đồng hồ, tôi không ngủ, cũng không ăn, chỉ khóc và cầu nguyện cho Sonish”, bà kể.

“Khi thấy con trai còn sống, tôi không dám tin vào mắt mình, tôi ôm chặt lấy thằng bé và quỳ rạp xuống đất cảm tạ ân huệ của Thượng Đế trước khi hôn nó.”

Tiếp tục nỗ lực sống…

Gia đình Sonish vẫn đang nỗ lực xây dựng cuộc sống mới. Theo Nepal Times tháng 4/2018 đưa tin, gia đình cậu bé hiện tại vẫn chưa có cuộc sống ổn định, chỉ có thể ở nhà thuê.

Tuy nhiên, Sonish bé bỏng ngày nào nay đã trở một cậu bé nhiệt tình và hoạt bát, cậu rất vui khi có phóng viên đến thăm, mỗi lần nghe thấy tiếng chuông cửa liền chạy ra đứng chờ.

Một tin vui là Quân đội Quốc gia của Nepal đã đồng ý cấp học bổng cho hai chị em Sonish cho đến khi họ vào đại học. Ngoài ra, sau khi Sonish hoàn thành tiểu học, sẽ được nhận vào trường trung học quân sự ở Sallaghari.

“Tôi có thể kể với thế giới về câu chuyện của đứa trẻ này và gia đình cậu bé. Bức ảnh của tôi khiến thế giới biết về Sonish thì câu chuyện của cậu cũng vậy. Đó không chỉ là một bức ảnh mà còn là tượng trưng cho hy vọng và sự sống”, nhiếp ảnh gia Amul Thapa chia sẻ. Năm đó, anh là người đàn ông đã chụp lại bức ảnh “Cậu bé kỳ diệu”.

Câu chuyện “Cậu bé kỳ diệu” đã mang lại cho gia đình cậu và những người gặp nạn niềm an ủi lớn lao trong nỗi đau mà thiên tai gây ra.

Thu Hà

Xem thêm: