Tháng 4/1945, binh lính Mỹ đã giải phóng trại tập trung Auschwitz khét tiếng, giải cứu hàng chục ngàn người sống sót, trong số đó có một người đã giành được giải Nobel Hòa bình năm 1986: Elie Wiesel.

Elie Wiesel
Elie Wiesel

Cái tên của ông không mấy quen thuộc với rất nhiều người Việt Nam, nhưng trên thế giới, cái tên này tỏa sáng như một ngọn hải đăng chỉ đường, chiếu rọi đường đi của nhân loại trong đêm tối. Năm 1986, ông đã giành được giải thưởng Nobel Hòa bình. Thành viên một ủy ban của Thụy Điển (nơi trao giải Nobel) đã phát biểu trong lễ nhận giải rằng “ông chính là sứ giả của nhân loại”, “là một lãnh tụ tinh thần và người dẫn hướng quan trọng nhất trong thời đại mà thế giới đầy rẫy những bạo lực, áp bức và kỳ thị chủng tộc”.

Câu chuyện của ông, bắt đầu từ thời điểm được giải cứu ra khỏi trại tập trung. Trong suốt 10 năm im lặng, ông không giống như những người khác, muốn quên đi và không muốn phải đối mặt với đoạn lịch sử bi thảm ấy nữa. Trái lại, ông sử dụng khoảng thời gian 10 năm này để lật tẩy thủ phạm tàn ác đã gây ra thảm kịch, lật tẩy những phương thức tra tấn khủng khiếp trong cuốn tự truyện hồi ký “Thế giới vẫn cứ im lặng”, kể lại những gì bản thân ông đã trải qua trong trại tập trung. Cuốn sách này sau đó đổi tên thành “Đêm”.

Cuốn sách này sau đó được đổi tên thành "Đêm" (Ảnh: Internet)
Cuốn sách này sau đó được đổi tên thành “Đêm” (Ảnh: Internet)

Vốn dĩ những quyển sách như thế này sẽ thường gây chấn động lớn, nhưng trong vòng một năm rưỡi cuốn sách chỉ bán được hơn 1.000 bản. Mười năm trôi qua, người ta đã không còn cảm hứng với đề tài “khổ nạn và hận thù” này nữa. Một số người thậm chí còn chỉ trích ông, nói rằng ông đang “kích động người dân ôm giữ mãi sự hận thù”, hay khiến “trẻ con từ nhỏ đã phải gánh chịu bi kịch của người Do Thái”, thật quá tàn nhẫn.

Lý do mà họ không muốn tiếp thụ và lãnh đạm với cuốn sách này, chính là bởi cuốn sách không chỉ mô tả chi tiết sự tàn bạo của Đức Quốc xã, mà còn nêu lên được áp lực tâm lý mà những người Do Thái phải chịu đựng khi bị bắt giữ.

Chẳng hạn, ông viết rằng bản thân đã từng rất ghét cha mình, bởi vì cha ông lúc bị bệnh thường hay rên rỉ, gây khó chịu khiến đội cận vệ SS của Đức Quốc xã hành hung mọi người thậm tệ hơn. Trong hoàn cảnh như vậy, rất nhiều người trở nên không còn đạo đức và tình thân cơ bản, vì để có thể tồn tại, mọi người đều phải trải qua tình trạng khốn khổ như vậy.

Không có ai muốn phải đối mặt với những chuyện này, bị bức hại đã là chuyện quá khứ, hiện tại mọi người sống tốt là được rồi, tại sao lại cứ phải đào bới lại vết thương cũ của mọi người nữa, điều đó chẳng phải khiến người ta cảm thấy khó chịu hơn sao?

Tuy nhiên, ông lại không nghĩ như vậy.

Chính vì nguyên nhân tất cả mọi người đều chọn cách im lặng và lãng quên, nên khi người Do Thái gặp bi kịch, hàng triệu người Do Thái bị tống vào địa ngục đau khổ, thì cả châu Âu đều im lặng. Nhưng những người im lặng ấy khó tránh khỏi đồng lõa với cái ác.

Ông nhấn mạnh rằng, những người sống sót viết lại đoạn hồi ức này “không phải là một nghề nghiệp, mà là một loại nghĩa vụ”.

Lúc đó, khi tội phạm chiến tranh quan trọng của Đức Quốc xã đưa ra xét xử ở Jerusalem, ông đã mang cuốn sách “Đêm” đến diễn giảng, một lần nữa khởi lên dũng khí của con người khi đối mặt với lịch sử. Chính nhờ cơ hội đó, cuốn sách của ông mới bắt đầu bùng nổ, được dịch sang hàng chục thứ tiếng, bán được hàng triệu bản, vô cùng ăn khách.

Mỗi lần diễn giảng, ông đều nói với thính giả: “Tôi không im lặng, do đó tôi mới vẫn còn sống.” 

Trong cuốn sách của ông, có một câu chuyện thực sự rất chấn động.

Một nhân viên trẻ tuổi làm việc trong Trại tập trung Auschwitz, khi mới đến trại khoảng ba lần đầu thì thấy tất cả đều sụp đổ. Đến đâu cũng là bạo lực và giết chóc, một binh sĩ còn nhấc 1 đứa trẻ ốm yếu lên, đập đầu nó vào thân xe tải. Anh này chịu không được, bèn chạy đến tìm thượng cấp nói: “Tôi không thể nào làm việc ở đây được, tôi muốn chuyển đi nơi khác, tôi nguyện hy sinh tại tiền tuyến.” Cấp trên mỉm cười, không trừng phạt anh này, mà lại đề nghị anh ta một lần nữa: “Cứ đến xem những điều đó đi.”

Người Do Thái ở Ba Lan đã bị người Đức bắt giữ (Nguồn: Wikipedia)
Người Do Thái ở Ba Lan đã bị người Đức bắt giữ (Nguồn: Wikipedia)

Người nhân viên này không những nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, mà còn có thể sống vui vẻ cho dù đến bất kỳ địa phương nào đang xảy ra bi kịch nhân gian, sau này hồi ức lại còn nói rằng đoạn thời gian đó đã khiến người ta có những ngày tháng thật hạnh phúc. Nói tóm lại là anh ta đã quen với điều đó.

Điểm này quả thực đã vượt xa khỏi sự hiểu biết lý giải của chúng ta. Đó là địa ngục! Một người bình thường sao có thể “quen” được với địa ngục! Những thói quen này chẳng phải đã kích phát tội ác hay sao?

Nhưng sự thật là, con người luôn có thói quen, ít nhất là một phần lớn con người sẽ vì thói quen mà thản nhiên chấp nhận một thế giới hoang đường. Khi mà những người xung quanh đều cảm thấy việc này chẳng đáng gì cả, thì qua thời gian dài bạn cũng có thể có cùng cảm giác như vậy. Ban đầu bạn có thể thấy kinh hãi, có thể phẫn nộ, nhưng khi những người xung quanh đều làm như vậy, bạn có thể sẽ thấy hình như mình làm sai, còn đa số họ mới là đúng. Nếu cứ luôn nhấn mạnh rằng người Do Thái rất xấu, người Do Thái đã gây ra biết bao nhiêu điều xấu cho nước Đức, năng lực phá hoại thế giới của người Do Thái lớn mạnh cỡ nào, từ đó lấy danh nghĩa tận trừ cái ác, thì ai sẽ cho rằng điều này là không đúng?

Điều này còn đáng sợ hơn so với phường tiểu nhân hay những người xấu, bởi vì họ mỗi ngày đều mặc nhiên bị tẩy não, biến thành ma quỷ lúc nào không tự biết.

Đây chính là lý do Elie Wiesel muốn viết một cuốn sách và đi khắp nơi diễn giảng để phơi bày tội ác của Đức Quốc xã, suốt một đời đều muốn vạch trần những hung thủ tà ác… Nếu như mọi người đều theo thói quen lãng quên và im lặng, thì vô hình chung mỗi người đều trở thành ma quỷ. Nhân loại có thể sẽ không tránh được thảm kịch lặp lại tương tự như chủ nghĩa phát xít.

Cựu Tổng thống Mỹ Bush (trái), Đạt Lai Lạt Ma (giữa) và Elie Wiesel (phải) trước Điện Capitol.
Cựu Tổng thống Mỹ Bush (trái), Đạt Lai Lạt Ma (giữa) và Elie Wiesel (phải) trước Điện Capitol. (Ảnh: common wiki)

Nhiều người đạt giải Nobel Hòa bình cũng giống như ông, đã từng bị cầm tù nhiều năm, họ chính là nhóm người dũng cảm nhất. Vào ngày mà họ ra khỏi tù ngục, ngay cả những viên cai ngục cũng phải cảm động trước nhân cách cao quý của họ.

Ông Mandela và bà Aung San Suu Kyi cũng từng phải chịu những thảm họa tù đày
Ông Mandela và bà Aung San Suu Kyi cũng từng phải chịu những thảm họa tù đày

Ngày 2/7/2016, ông Elie Wiesel – “cuốn sách giáo khoa sống về Holocaust”, người dành cả cuộc đời để nói về thảm họa nhân loại này, đã qua đời ở tuổi 87.

Cuối cùng, hãy cùng nhìn lại những phát ngôn kinh điển của ông:

Trên thế giới này, cho dù là ở đâu và khi nào nhân loại phải chịu khổ chịu nhục, nhất định phải lựa chọn đứng về một phía. Giữ quan điểm trung lập chính là đang hỗ trợ cho kẻ áp bức, chứ không phải người bị hại.

Quên đi các nạn nhân cũng tương đương với giết hại họ. Tôi không có cách nào ngăn chặn cái chết lần đầu tiên, nhưng nhất định sẽ tận lực tránh để họ bị giết chết thêm lần thứ hai.

Không có nhân chủng nào là ưu việt hơn, không có tôn giáo nào thấp kém hơn. Mọi phán xét tập thể đều là sai, chỉ có những kẻ kỳ thị chủng tộc mới có thể đưa ra những phán xét tập thể.

Đối lập với cái đẹp không phải là cái xấu, mà là sự bàng quan; đối lập với tín ngưỡng không phải là dị đoan, mà là bàng quan; đối lập với sự sống không phải là cái chết, mà là bàng quan.

Tháng 7 này là kỷ niệm một năm Elie Wiesel qua đời, mong rằng trên thế giới này vẫn còn có những người dũng cảm dám nói lời chân thực, đồng thời những kẻ quen làm ác mà không tự ý thức được sẽ ngày một ít đi.

Hồng Ngọc

Xem thêm: