Trong xã hội hiện đại phát triển nhanh chóng như ngày nay thì các loại sản phẩm điện tử đều luôn có sẵn trong tầm tay của mọi người. Những người làm cha mẹ mỗi ngày đều phải đối mặt với các hoạt động thường ngày của trẻ, đồng thời cũng mất rất nhiều thời gian để đưa ra quyết định về việc dành bao nhiêu thời gian cho trẻ sử dụng smartphone và trò chơi điện tử.

Một bà mẹ 5 con cho rằng mình đã kiểm soát tốt thời gian để con tiếp xúc với smartphone. Tuy nhiên trải nghiệm ‘cai nghiện màn hình’ khiến cô hoàn toàn phải suy nghĩ lại về vấn đề này.

gia dinh
(Ảnh: Molly DeFrank)

Cô Molly DeFrank là một bà mẹ blogger sống ở California. Trước đây cô luôn hạn chế thời gian  con mình tiếp xúc với điện thoại xuống chỉ còn 1h/1 ngày. Nhưng cô nhận ra rằng cho dù là như vậy thì cũng ảnh hưởng đến sức sáng tạo của bọn trẻ và còn khiến tính cách của chúng thêm nóng nảy, dễ cáu bẳn.

“Một hôm, sau khi tôi trở về nhà từ công sở, con tôi đứng sẵn ở cửa và hỏi: ‘Con có thể chơi điện thoại của mẹ một chút không?’ ‘Không được’. Tôi không thể chịu được và hét lên”, cô Molly chia sẻ trong blog.

Sau đó, cô Molly cùng chồng đã đưa ra một quyết định đó là không cho 5 đứa con chưa đầy 10 tuổi của họ trong 1 tháng hoàn toàn không được tiếp xúc với điện thoại.

Vào bữa ăn tối, cô Molly thông báo cho các con biết về quy định mới này và đương nhiên chúng đều không chịu và phản đối lại quyết định này. Tuy nhiên, sau khi rơi vài giọt nước mắt chúng cũng chỉ có thể gượng ép làm theo mà thôi. 

Cô Molly chia sẻ với Cafe Mom rằng những đứa con của cô trước đây rất thích xem Netflix, YouTube và Fortnight thì hiện nay gần như không còn yêu cầu quyền truy cập vào màn hình điện tử nữa, “bởi vì chúng biết rằng không thể nào làm được”

“Câu chuyện xảy ra vào mấy tuần sau khiến chúng tôi đều cảm thấy sốc”. Cô Molly nói thêm: “Giống như chúng tôi đã chạm vào một công tắc nào đó và lấy lại được những đứa con của mình. Bọn trẻ trở nên nghe lời hơn, chúng cũng rất ít khi tức giận, cùng nhau chơi đùa vui vẻ hơn đồng thời sức sáng tạo cũng nhiều hơn”.

Molly cũng thẳng thắn chia sẻ, ban đầu cô cũng rất lo lắng vì cho rằng không có “bảo mẫu điện tử” có thể sẽ khiến cuộc sống của cô trở nên bận rộn hơn. Tuy nhiên “cai nghiện internet” lại dễ dàng hơn nhiều so với tưởng tượng của cô. Trải nghiệm 30 ngày giải độc’ trở thành một cuộc đại tu chỉnh lối sinh hoạt của cả gia đình cô, khiến cuộc sống gia đình cô trở nên tốt đẹp hơn. 

Vài tháng sau, cô Molly chia sẻ trên Facebook về thành quả của mình: “Khi kế hoạch rời xa đồ điện tử của chúng tôi diễn ra được vài tuần, những đứa con của tôi lần lượt ‘tỉnh’ ra. Khi chúng nhìn thấy tôi và chồng đọc sách trên giường, chúng cũng lấy sách của mình ra đọc cùng. Khi đi ăn ngoài nhà hàng, chúng cũng ôm theo một đống sách chứ không còn ỷ lại vào iPad như trước đây. Một trong những cô con gái của tôi đã cải thiện trình độ đọc của mình lên 5 cấp độ trong 7 tháng”.

cai nghiện điện thoại
Các con của cô Molly đang cùng nhau đọc sách sau khi cai nghiện điện thoại. (Ảnh: Molly DeFrank)

Cô Molly còn nói, đứa trẻ này giờ đây học hành một cách không mệt mỏi và tỏ ra rất vui mừng với quyết định “giải độc màn hình” của gia đình. 

Hơn nữa, sự thay đổi này không chỉ diễn ra duy nhất với cô con gái này. Cô Molly còn phát hiện cậu con trai nhỏ của mình cũng bắt đầu tham gia lớp học ‘mỹ thuật’ của gia đình. Cả quá trình thực nghiệm đã giúp cô khám phá ra sở thích thực sự của con mình và cô thừa nhận rằng cô chưa từng biết điều đó trước đây.

Cô Molly cảm thấy rất kinh ngạc với kết quả này và khuyến khích các bậc phụ huynh có thể thử trải nghiệm “giải độc màn hình” này và xem kết quả sẽ thế nào. 

“Bước thứ nhất là xác định 1 đoạn thời gian để các con của bạn tránh xa hoàn toàn với màn hình điện thoại, sau đó quan sát kết quả rồi tiếp tục lập ra kế hoạch phù hợp nhất đối với gia đình bạn”.

Nhiều năm gần đây, các chuyên gia cũng luôn thảo luận về vấn đề nên tránh xa với màn hình điện tử và tin rằng kết quả chắc chắn sẽ hữu ích hơn rất nhiều.

Bác sĩ Liz Donner làm việc tại một bệnh viện nhi đồng cao cấp của San Antonio chia sẻ trên trang Bored Panda rằng: “Tương tác không có điện thoại với trẻ em không cần phải quá cầu kỳ. Đọc một cuốn sách cho chúng ngay từ khi 6 tháng tuổi đã được chứng minh là có thể cải thiện kỹ năng đọc và ngôn ngữ của chúng trong tương lai.”

Bà nói thêm: “Chúng tôi phát hiện, thời gian tiếp xúc với đồ điện tử của trẻ càng ít thì tỷ lệ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ lên 7 càng thấp.”

Sau đó, cô Molly có chia sẻ một vài dòng trên Facebook và nhắc nhở tất cả mọi người: “Công nghệ có thể trở thành người bạn hợp tác quan trọng trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhưng nó cũng có thể cản trở mối quan hệ thân mật nhất của chúng ta với những người chúng ta yêu thương nhất.”

Theo Epoch Times
Ngọc Trân

Xem thêm: