Gần nhà tôi có một cây bàng.

Hồi nhỏ vì thích leo trèo, mà cây bàng thì nhiều tán, nên tôi hay la cà gần đây.

Trong một lần bị ông tôi mắng oan, ấm ức lắm nhưng tôi lỳ mặt không khóc. Nhưng đến khi trèo lên tán cây xanh mướt, thì tôi loại òa ra được. Hồi đó tình cờ đọc một bài báo về chuyện đàn ông Mông Cổ, dù là trẻ con cũng không bao giờ để người khác thấy giọt nước mắt của mình. Tôi thấy hay nên học theo. 

cay 20bang 20 7 image
(Ảnh minh họa/Wikimedia Commons)

Cây bàng mọc kín đáo cạnh một con đường mòn ít người qua lại, hướng ra cánh đồng xa xăm. Buổi trưa, tôi hay trốn ngủ, ra ngồi gốc cây tựa, rồi lim dim, để những suy nghĩ vẩn vơ về trời đất, trăng sao của mình bay lung tung.

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người đến chốn lao xao”.

Tôi đọc được câu này chắc từ hồi còn bé lắm, và thấy tôi đúng dại thật. Bao nhiêu cuộc vui sớm nở tối tàn, chẳng đọng lại trong tôi cái gì đáng giá.

Tôi cũng thấy mình là người khá bi quan. Những lần leo lên ngọn cây, trải mắt ra cánh đồng rộng lớn, những con trâu vội vàng gặm cỏ chẳng bao giờ mang lại cho tôi cảm giác yên bình, tĩnh mịch như miêu tả trong thơ văn. Tôi chỉ nhìn thấy rõ tương lai chúng sẽ bị vắt kiệt sức cho con người, rồi trước khi chết lại bị mổ thịt, lấy da làm trống. Tôi cũng chưa bao giờ thấy một nét vui vẻ gì trong cặp mắt to của những con trâu, chỉ là những áng buồn đậm nước.

Hồi đó cò còn nhiều, thường bay trắng cánh đồng, tôi tới gần chúng cũng chẳng thèm để ý. Biết bao lần tôi cố gắng rình bắt một con cò bằng tay không, nhưng cứ như giây phút tôi sắp chạm được vào đôi cánh trắng muốt kia, thì chúng lại vụt bay đi mất. Lớn lên, tôi mới biết không chỉ có những cánh cò trắng kia, mà cuộc đời còn có những thứ khác, dù ta có mải miết chạy đến thế nào, cũng chẳng thể đuổi kịp.

Quả bàng chín ngon và mát lắm, nhưng quả xanh thì đắng chát. Vì ganh đua với lũ trẻ con trong xóm, tôi hiếm khi được ăn một quả bàng chín hẳn hoi. Dù sao nó cũng dạy cho tôi một bài học, mọi thứ có thời điểm của nó, vội vàng như ăn bàng xanh, chỉ đem lại vị chát mà thôi. Quái đản là tôi lại thích cái vị chua chua, chát chát ấy hơn.

cây bàng
(Ảnh: Internet)

Những lần giận hờn trẻ con, chán nản vì điểm kém tôi đều có một nơi chốn bí mật để khuây khỏa. Rồi những dòng thư đầu tiên, những vần thơ con cóc cũng từ đây mà ra. Trèo lên ngọn cây bàng, là một cái gì đó rộng mở, tầm mắt bao la, cảm giác tự do, thoải mái khó mà tả bằng lời. Tôi còn dự định khi về già sẽ làm một cái nhà trên cây, rồi ở luôn trên đấy.

Học lên cao hơn, tôi ít khi qua lại chỗ cây bàng. Tôi cũng không ngốc tới nỗi đến đó khóc nức nở hay kể những chuyện hâm dở nữa. Có lẽ chúng tôi nói chuyện bằng ý nghĩ. Tôi chỉ đơn giản là cần một khoảng không gian trống của riêng mình, và cây bàng, không vụ lợi, vô tư giúp tôi điều đó.

Lần gần đây nhất về quê, cây bàng đã bị người ta chặt, gốc cũng đang bị đào trơ rễ, ngoằn ngoèo như những nếp nhăn trên trán một ông già nhiều tuổi. Tôi dựng xe, ngồi bệt xuống cạnh gốc cây xám xịt, kệ mùi đất bốc lên ẩm mốc, dơ tay vân những vòng gỗ chênh vênh.

Lạ là tôi chẳng thấy khó khăn, hay đau khổ gì khi chứng kiến một phần của tuổi thơ sắp biến mất. Cây bàng cũng có sự sống của nó, cũng có cuộc đời của nó. Nó đã hoàn thành ý nghĩa của mình, thì đến lúc phải đi thôi.

Giống như sự run rủi của số phận, đưa đến những người ta cần chứ không phải những người ta muốn gặp. Những cái nắm tay, ánh mắt, rồi cũng hàm chứa một ý nghĩa chia xa.

Cây bàng đã chẳng còn ở đây, cũng chẳng biết đến khi nào thì tôi hoàn toàn quên mất hẳn về nó, nhưng chắc là vị chát của trái bàng xanh sẽ khó phai trên đầu lưỡi, cũng giống như tiếng hát của một cô gái, ngập ngừng, nhẹ nhàng, không buồn cũng chẳng vui, chỉ đơn giản là lướt qua cuộc đời, vậy thôi.

Đình Quân

Xem thêm: