Đã từng có thời gia tộc Vanderbilt là những người giàu có nhất nước Mỹ nhờ kinh doanh trong ngành đường sắt phát đạt, để rồi từ từ lụn bại chỉ trong vài thế hệ. Tiền của họ đã ra đi như thế nào?

Cornelius Vanderbilt image
Cornelius Vanderbilt (Ảnh: Wiki)

Ngày 4/1/1877, người đàn ông giàu nhất thế giới thời đó, Cornelius Vanderbilt qua đời và để lại khối tài sản hơn 100 triệu đô la Mỹ. Vào thời điểm đó, số tiền này còn nhiều hơn cả những gì có trong ngân khố Mỹ. Cornelius bắt đầu sự nghiệp của mình vào năm 1810 với 100 đô la vay của mẹ. Cornelius bắt đầu kinh doanh thuyền và sau đó nhanh chóng mở rộng sang lĩnh vực đường sắt. Hệ thống đường sắt của dòng họ Vanderbilt trải khắp nước Mỹ và độc chiếm hệ thống đường sắt ra vào thành phố New York.

“Một tên ngốc cũng có thể làm ra nhiều tiền, nhưng chỉ có một người đàn ông thực sự có bộ não mới giữ được nó,” Cornelius đã từng nói với con trai mình – William Henry Vanderbilt.

William Henry đã làm tốt hơn cả những gì cha mình dặn. Sau khi thừa hưởng 95% tài sản của cha để lại, ông đã nhân đôi số tài sản này lên thành 200 triệu đô la chỉ sau 9 năm. Tính theo giá trị tương đương sau lạm phát thì số tài sản này tương đương với 5 tỷ đô la vào năm 2017.

William Henry cũng là người giàu có nhất nước Mỹ cho tới khi qua đời vào năm 1885, một cái chết đột ngột. Sau đó, dòng họ Vanderbilt cũng “rơi tự do.”

Chỉ trong 20 năm sau đó, không một ai trong gia đình Vanderbilt còn trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ. Những người còn sống trong dòng họ Vanderbilt đã tiêu hết một phần rất lớn tài sản của gia đình chỉ trong 1 thế hệ. Trong 4 thế hệ tiếp theo, gần như toàn bộ tài sản của gia đình đã bốc hơi.

Khi 120 người của dòng họ gặp nhau ở Đại học Vanderbilt vào năm 1973, không ai trong số họ là triệu phú.

Vậy họ đã tiêu hết số tiền khổng lồ đó bằng cách nào?

Tiêu tiền theo cách không giống ai

  • Ăn uống trên lưng ngựa
  • Sở hữu 10 căn nhà trên đại lộ số 5 ở Manhattan, New York
  • Mở một bữa tiệc tốn 5 triệu đô la
  • Làm chìm một chiếc du thuyền và ngay lập tức đặt mua một chiếc to hơn để không làm vợ mình phiền lòng

Đây chỉ là một vài ví dụ về cách mà dòng họ Vanderbilt đã tiêu tiền. Trước nội chiến vào những năm 1860, cả nước Mỹ chỉ có chưa đầy 10 triệu phú thì đến năm 1892, đã có hơn 4000. Và dòng họ Vanderbilt là trung tâm của tất cả những thứ xa hoa trong giai đoạn này.

Nếu chỉ tiêu tiền bình thường thì khó mà hết được một lượng tài sản khổng lồ đến vậy, bạn cần phải tiêu tiền theo cách “không giống ai.”

Bán tài sản sai thời điểm

Con cháu của dòng họ Vanderbilt đáng lẽ cũng không nghèo đến thế nếu họ không liên tục mắc sai lầm khi bán các tài sản cố định.

marble house image
Marble House, Newport, Rhode Island (ảnh: Wiki)

Ví dụ rõ ràng nhất là ngôi nhà cẩm thạch ở Newport, Rhode Island. Ngôi nhà được xây với chi phí 11 triệu đô la vào năm 1892 (tương đương 300 triệu đô la năm 2017). Trong cơn bão của cuộc đại khủng hoảng, ngôi nhà cẩm thạch được bán với giá 100.000 đô la, chưa đầy 1% giá trị.

Bộ sưu tập 183 bức tranh mà William mua với giá hơn 2 triệu đô la, “bộ sưu tập tranh nước ngoài đáng giá nhất có thể mua được bằng tiền”, được bán đi vào buổi đấu giá tối ngày 18/4/1945 với giá chỉ hơn 323 nghìn đô-la.

Khi bạn không có các dự trữ để thanh khoản và bạn không thể dừng tiêu, bạn sẽ bị buộc phải bán tài sản ở giá đáy khi bị thúc ép chi trả.

Không mua các tài sản sinh lợi tức

gia toc Vanderbilt image
Bức tranh gia đình William Vanderbilt, vẽ năm 1873

Đây có lẽ là điều khác biệt lớn nhất giữa dòng họ Vanderbilt với các dòng họ đã trụ được qua thời kỳ Đại Khủng Hoảng như Rockefeller, Ford và Dupont…

Trong suốt quá trình sụp đổ từ đỉnh cao, người ta không tìm thấy bất cứ ghi nhận nào về việc người trong gia đình Vanderbilt mua tài sản sinh lợi tức.

Mặc dù các thành viên trong gia đình Vanderbilt sở hữu một phần lớn đế chế đường sắt, họ chưa bao giờ đa dạng hóa tài sản của mình. Sau những năm 1920, đường sắt bắt đầu mất chỗ cho xe tải, xe bus và máy bay. Các thành viên gia đình Vanderbilt đã bị buộc phải bán hầu hết cổ phần của mình, vốn cũng không còn nhiều giá trị, vào những năm 1950.

Gia đình Vanderbilt đã có rất nhiều cơ hội để mua các tài sản sinh lợi tức khác nhau nhưng họ đã không làm mà chỉ nhìn tài sản của mình vơi dần.

Mất ý chí

nha cua vanderbilt image
Nhà của Cornelius Vanderbilt II (ảnh: Cornell University Library)

Sau khi William Henry qua đời vào năm 1885, ông để lại tài sản ở công ty đường sắt cho hai người con (ông có tổng cộng 9 người con). Tuy nhiên, kể từ đời con của William Henry (tức đời thứ 3), các thành viên của gia đình Vanderbilt quan tâm đến việc duy trì hình ảnh giàu có hơn là việc kinh doanh.

Con trai thứ hai, William Kissam Vanderbilt đã nghỉ hưu sớm để tập trung vào thú vui du thuyền và nuôi ngựa. Chính William Kissam đã nói “Sự giàu có được thừa hưởng là một chướng ngại cho hạnh phúc. Nó làm cho tôi không còn cảm thấy hi vọng hay muốn cố gắng hơn vì bất cứ điều gì.”

>> 3 nguyên nhân khiến một người dù giàu có nhưng không vui vẻ, hạnh phúc

William Kissam là đại diện cho những người trong dòng họ Vanderbilt, không còn muốn tạo ra tài sản mà chỉ muốn tiêu đi hoặc làm từ thiện. William Kissam chính là người đã chi 1 triệu đô la để xây các chung cư rẻ tiền cho người lao động ở New York, hàng trăm ngàn đô la cho đại học Columbia, quỹ YMCA, bệnh viện Vanderbilt và Đại học Vanderbilt.

Bài học về tài chính cá nhân

Mặc dù dòng họ Vanderbilt không còn giữ được vị trí trong danh sách những gia đình giàu có nhất nước Mỹ, cái tên của họ vẫn còn được người ta nhớ đến thông qua đại học Vanderbilt ở Nashville và đại lộ Vanderbilt ở Manhattan, New York. Câu chuyện về sự suy vong của họ cũng sẽ mãi là một bài học lớn về tài chính cá nhân cho rất nhiều người.

  • Bất kể bạn có nhiều tài sản đến đâu, nếu bạn tiêu nhiều tiền hơn mức thu vào, tài sản của bạn nhất định sẽ bị giảm đi theo thời gian
  • Cho dù bạn có tài sản có giá, nếu bạn không có thanh khoản, bạn sẽ phải bán tài sản giá rẻ bèo vào những thời điểm tồi tệ
  • Không có một nguồn đầu tư nào là mãi mãi sinh lời, thay vì tiêu tiền lời, hãy đa dạng hóa các khoản đầu tư
  • Duy trì cách suy nghĩ tích cực về cuộc sống khi sở hữu tài sản sẽ giúp cả ý chí và tài sản của bạn không bị bào mòn

Tự Minh tổng hợp