Mỗi người sống với những cảnh giới khác nhau, nên cách nhìn đối với rất nhiều sự việc đều khác nhau. Ví như trong xã hội hiện đại, có không ít người nghèo thù địch người giàu, và cũng có không ít người giàu coi khinh người nghèo. Giàu nghèo dường như đã bị đẩy sang hai phía đối lập.

geisha
(Ảnh: Sentavio/ Shutterstock)

Kỳ thực rất nhiều người nghèo và người giàu nhìn nhau không thuận mắt. Thậm chí đôi khi một số người nghèo còn coi thường những người nghèo khác. Điều này cũng không có gì kỳ lạ, bởi lẽ ngay cả những người nghèo đó còn không coi trọng bản thân mình. Thông thường mọi người vẫn thích giàu sang hơn nghèo khó.

Câu tục ngữ “Chê nghèo không chê kỹ nữ” ý nói rằng so với những người làm nghề kỹ nữ mà nói, người ta vẫn coi thường những người bần cùng hơn. Hiện tượng này dường như cổ kim thời nào cũng vậy, trong mắt nhiều người, nghèo khó là chuyện đáng sợ nhất.

Nhưng điều đáng nói là, kỹ nữ ở đây, không chỉ mang nghĩa bề mặt, mà chỉ những người vì cầu phú quý mà bất chấp thủ đoạn, châm biếm những người chỉ coi trọng lợi ích bề mặt mà không coi trọng tâm hồn.

Kỳ thực đúng như vậy, có những người ngoài mặt thì áo mũ đường hoàng, nhưng trong tâm lại vô cùng xảo trá.

Nhìn họ phú quý lẫm liệt nhưng lại có thể ngấm ngầm làm những việc gian dối, phi pháp. Dẫu biết mọi người cũng không vì vậy mà coi thường họ, ngược lại còn thường mang tâm miệt thị với những người khốn khó. Loại người này trong xã hội hiện nay không phải là hiếm gặp.

Kỳ thực câu nói “Chê nghèo không chê kỹ nữ” vốn mang ý châm biếm về giá trị quan sùng bái kim tiền, ham mê vật chất. Khi ấy con người phân biệt sự cao quý và thấp hèn bằng lằn ranh vật chất, mà không coi trọng đạo đức, nhân luân cương thường.

Một người nghèo khó bởi nhiều nguyên nhân, nhưng nghèo chỉ có hai dạng: Một là nghèo vật chất, hai là nghèo tinh thần.

Vật chất nghèo nàn cũng có nhiều nguyên nhân, như thành viên trong gia đình không có năng lực kiếm sống hay mất đi khả năng lao động, trong nhà có quá nhiều miệng ăn, khiến thu chẳng thể bù chi, do nợ nần, hay bản thân không biết tính toán…

Nhưng kỳ thực cái nghèo tinh thần còn đáng sợ hơn nghèo vật chất. Ví như một số người rõ ràng là có khả năng lao động nhưng họ lại không chịu làm những công việc vất vả, không thể nhẫn chịu dẫu chỉ một chút ấm ức nơi sở làm, như một bông hoa trong lồng kính. Người như vậy thường ỷ lại người khác, mà không muốn dựa vào chính mình, tự đứng trên đôi chân của mình. Với những người như này, từ đầu chúng ta đã không nên cho họ mượn tiền. Bởi lẽ họ chỉ cảm kích bạn trong tích tắc bạn cho mượn tiền, sau đó họ sẽ quên ngay. Hơn nữa, họ thường chỉ biết mang tiền đi vung vãi mà không giỏi nắm bắt cơ hội đầu tư. Sau khi tiêu sạch họ lại ngửa tay vay mượn, tiếp tục tuần hoàn trong cái vòng luẩn quẩn ấy. Trong suy nghĩ của họ dường như không có ý tưởng kiếm tiền trả lại cho người khác.

Đôi khi chúng ta có thể giúp đỡ những người khó khăn về vật chất. Nhưng với những người nghèo tinh thần, thì trừ khi bản thân họ tự vận động, nếu không sẽ chỉ như bông hoa bé nhỏ trong lồng kính, không thể trở thành cây đại thụ dám đối mặt với nắng mưa của cuộc đời.

Cổ ngữ có câu rằng: “Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại Thiên”, giàu nghèo về vật chất đôi khi không nằm trong tầm kiểm soát của con người, nhưng nghèo về tinh thần mới là điều đáng sợ. Chỉ khi không ngừng tu dưỡng, rèn rũa bản thân mới có thể tôi luyện năng lực và thăng hoa trong những cảnh giới tinh thần cao hơn.

Lê Minh