Giấc ngủ có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất, nhất là ở độ tuổi thanh thiếu niên đang phát triển. Điều mà các công ty công nghệ đang cố gắng làm hàng ngày là thu hút thanh thiếu niên và giữ họ trên trực tuyến càng lâu càng tốt. Những đợt tấn công dường như không bao giờ dừng lại.

thiết bị điện tử
Ăn tối cùng nhau cũng là một truyền thống gia đình quý báu giúp trẻ tránh xa thiết bị điện tử. (Ảnh: Dragon Images/Shutterstock)

Điều này có nghĩa là chúng ta cần hiểu công nghệ ảnh hưởng đến giấc ngủ như thế nào, sau đó luyện tập những thói quen tốt để xây dựng một ranh giới lành mạnh với các thiết bị công nghệ. Từ đó phòng ngừa công nghệ chiếm quyền kiểm soát tâm trí, ảnh hưởng đến giấc ngủ và toàn bộ cơ thể. Làm chủ việc sử dụng thiết bị điện tử, điều này là hoàn toàn có thể làm được.

Trước sức hút mạnh mẽ của công nghệ, giải pháp có thể bắt đầu từ hai khía cạnh. Một là xây dựng thói quen sử dụng thiết bị công nghệ một cách lành mạnh. Hai là yếu tố gia đình có thể thúc đẩy mạnh mẽ sức khỏe thể chất và tinh thần, sự gắn kết gia đình và nâng cao chất lượng giấc ngủ. 

di bo duong dai
Các hoạt động gia đình truyền đạt cảm giác thân thuộc và an toàn. Các hoạt động đơn giản như đi bộ đường dài vào sáng Chủ nhật cũng rất bổ ích. (Ảnh: Monkey Business Images/ Shutterstock)

Những yếu tố này được xem như vitamin F, O, N và D, tượng trưng cho “sự yêu thương” mà mọi người trong gia đình dành cho nhau: 

F: Lễ nghi gia đình (Family rituals)

Family rituals có thể được hiểu là các hoạt động đặc biệt được thực hiện thường xuyên trong gia đình.

Những thanh thiếu niên càng lớn sẽ càng độc lập, nhưng độc lập không có nghĩa là không cần sự ràng buộc từ gia đình. Các hoạt động như cùng nhau dùng bữa tối, đi bộ sáng chủ nhật, ném bóng chày, kể chuyện hoặc tâm sự trước khi đi ngủ… đều là những truyền thống gia đình mà chúng ta nên cố gắng gìn giữ trong quá trình con cái trưởng thành. 

Các nghi thức gia đình này khác với các hoạt động gia đình bất chợt hứng khởi (mặc dù những hoạt động hứng khởi nhất thời này cũng rất quan trọng). Lý do là các nghi thức gia đình mang lại cảm giác thân thuộc và an toàn. 

Chúng ta đã thấy quá nhiều gia đình tan vỡ dưới cùng một mái nhà, bằng mặt không bằng lòng, và sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông điện tử đã làm cho tình hình trở nên trầm trọng hơn.

Nghiên cứu về thời gian sử dụng thiết bị và sức khỏe tâm lý của học sinh trung học Mỹ cho thấy, trẻ em càng dành nhiều thời gian cho các hoạt động không sử dụng thiết bị điện tử, như giao lưu xã hội thực, thể thao, đọc sách, nghi lễ tôn giáo, v.v., thì càng ít có khả năng mắc các bệnh về tâm lý. 

Những thói quen và nghi lễ trong thế giới thực này có những lợi ích rõ ràng, giúp con cái chúng ta phát triển ý thức lành mạnh về nhận thức bản thân, cảm giác sứ mệnh, giá trị quan gia đình và ý thức cộng đồng. 

shutterstock 128287874
Vui chơi là một trong những thành phần của hạnh phúc và nó có thể đưa trẻ em, thanh thiếu niên và chính chúng ta vào trạng thái lành mạnh giúp tự tin hơn và kết nối tốt hơn với những người khác. (Ảnh: Dragon Images/ Shutterstock)

O: Trò chơi có tính khai mở (Open play) 

Mọi người được sinh ra với sự thôi thúc muốn vui chơi, và ai cũng không thể phát triển nếu không để não bộ được vui chơi đầy đủ. 

Thông qua vui chơi, trẻ em có thể học cách giải quyết vấn đề, phát triển khả năng sáng tạo, duy trì sự tập trung và cảm nhận niềm vui, sự hài lòng và cảm giác thành tựu. Vấn đề là trò chơi ngoài đời thực (các trò chơi không phải kỹ thuật số) có thể dễ dàng bị “lãng quên” khi đứa trẻ lớn lên. 

Hầu hết chúng ta đều biết rằng vui chơi là một nhu cầu của trẻ em, nhưng khi chúng lớn lên, chúng ta sẽ ngày càng ít tôn trọng hơn nhu cầu này. Nhà tâm lý học Stuart Brown đã nghiên cứu về “vui chơi” trong nhiều thập kỷ, ông phát hiện ra rằng có một mối quan hệ không phân biệt tuổi tác giữa vui chơi và hạnh phúc cá nhân, sự hài lòng, sự dẻo dai, khả năng phục hồi và kết nối giữa các cá nhân trong xã hội. Ông Stuart Brown nói rằng: “Không điều có gì thể thắp sáng bộ não hiệu quả hơn là việc vui chơi.”

Mục đích ban đầu của vui chơi là để vui vẻ, khám phá (nhưng không nhất thiết phải là giải trí có tổ chức), chẳng hạn như chế tạo mô hình rô-bốt, xây dựng căn cứ bí mật bằng vật liệu tự nhiên, leo đồi và lăn xuống, hoặc chỉ cưỡi một chiếc xe đạp chạy quanh khu phố. Ông Brown nói: “Trái ngược của vui chơi là không hoạt động, đó là trầm cảm.” 

Vui chơi là một trong những thành phần của hạnh phúc và nó có thể đưa trẻ em, thanh thiếu niên và chính chúng ta vào trạng thái lành mạnh, giúp chúng tự tin hơn và kết nối tốt hơn với những người khác. 

Vui chơi về cơ bản là một loại thuốc chống trầm cảm, vì vậy ngay cả khi trẻ đã lớn rồi, cũng không nên bỏ qua việc này. 

Vui chơi—đặc biệt là đi chơi ngoài trời—giúp chúng ta ngủ ngon. Một trong những điều tuyệt vời khi chơi là nó có một sự thôi thúc bản năng, vì vậy bạn sẽ không gặp phải nhiều khó khăn khi bảo con mình đi chơi. 

Bạn chỉ cần cung cấp các điều kiện và cơ hội để trẻ vui chơi: Thời gian và không gian cách xa những thiết bị điện tử. Trẻ con tụ tập với nhau, không có các thiết bị điện tử bên cạnh. Khi đó, chúng sẽ chơi với nhau theo bản năng (ngay cả những đứa trẻ lớn hơn, nhiều nhất cũng chỉ là cần thêm một chút thời gian để khởi động). 

Đừng nản lòng khi nghe chúng phàn nàn về việc chán hoặc không chịu ra ngoài, vì thời gian đang đứng về phía bạn. Đến một lúc nào đó, bọn trẻ cũng sẽ vui chơi mà không cần những thiết bị điện tử nữa.

shutterstock 1818866141
Môi trường tự nhiên làm giảm hormone gây căng thẳng, tăng cường khả năng nhận thức và cải thiện tâm trạng; tất cả đều góp phần mang lại giấc ngủ ngon.  (Ảnh: BearFotos/ Shutterstock)

N: Tự nhiên (Nature)

Môi trường tự nhiên đã được chứng minh là làm giảm hormone gây căng thẳng (đồng thời giúp ngủ ngon), tăng cường khả năng nhận thức và cải thiện tâm trạng. Một nghiên cứu cho thấy, 30 phút làm vườn làm giảm đáng kể căng thẳng, thậm chí còn hơn 30 phút đọc sách. 

Một nghiên cứu khác cho thấy rằng đi bộ trong tự nhiên có thể làm chậm hoạt động của não, giúp não bộ không còn bận tâm vào chuyện vụn vặt. Ánh nắng sáng sớm kích thích não bộ tỉnh táo, tăng nồng độ các chất thần kinh giúp cải thiện tâm trạng và giúp cho giấc ngủ của chúng ta đêm đó được sâu hơn. 

Như trường hợp của Mike, anh đã dành nhiều thời gian chạy nhảy trong thời gian cắm trại. Chính vì vậy chứng khó ngủ “mãn tính” của anh đã được chữa khỏi. Ánh sáng mặt trời (ngay cả trong một ngày nhiều mây), không khí trong lành, các yếu tố thị giác và màu sắc rực rỡ của thiên nhiên đều có thể kích thích não bộ, giảm căng thẳng và cho phép chúng ta trở lại trạng thái đồng bộ với nhịp điệu tự nhiên của cơ thể. 

shutterstock 714537970
Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi trò chuyện mỗi tuần thực sự có thể cho phép cha mẹ và con cái tương tác nhiều hơn, tăng cường mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. (Ảnh: Monkey Business Images/ Shutterstock)

D: Thời gian nghỉ ngơi (Downtime)

Nếu thời gian mỗi phút mỗi giây sau khi thức dậy của bạn đã kín, bạn sẽ không có cơ hội để buồn chán, hoặc không có thời gian để sinh ra linh cảm hay phát huy khả năng ứng biến của mình. Thật dễ dàng để thu hẹp thời gian nghỉ ngơi trong một cuộc sống gia đình bận rộn, nhưng việc xây dựng những khoảng trống mỗi tuần có thể mang lại cảm giác tốt cho bạn. Bạn sẽ cảm giác hơi khó chịu khi tự mình chuyển từ trạng thái bận rộn sang nghỉ ngơi, nhưng đó là điều mà rất nhiều gia đình đã làm và nó mang lại hiệu quả tốt. 

Thời gian sử dụng thiết bị lành mạnh kết hợp với sự yêu thương bốn ký tự F–O–N–D có thể giúp chúng ta cải thiện giấc ngủ của mình trên cơ sở củng cố mối quan hệ cha mẹ và con cái, tận hưởng hạnh phúc gia đình và thêm niềm vui cho cuộc sống, đồng thời có thể ngăn ngừa trạng thái bị các thiết bị công nghệ kiểm soát. Hãy để chúng ta ở vị trí kiểm soát và tận dụng tốt công nghệ. 

Ngữ Yên/ Theo Epoch Times

  • Mời xem video: Tại sao chúng ta luôn không thể đạt được kỷ luật tự giác cao độ?