Vào tháng 2 năm 2018, hai kiến ​​trúc sư trẻ mua một chiếc xuồng cứu sinh Scotland đã ngừng hoạt động và cải tiến nó thành một chiếc thuyền thám hiểm đầy đủ tiện nghi. Sau một hành trình dài 5.000km (3.100 dặm) đến Vòng Bắc Cực cùng một chú chó tên là Shackleton, cuộc phiêu lưu của hai chàng trai vẫn tiếp tục.

1 14
Guylee, bên trái và David quyết định tự mình thực hiện công việc cải tạo chiếc thuyền. (Ảnh: Ảnh: Instagram/arcticlifeboat)

Trong 20 năm, chiếc thuyền được biết đến với cái tên Clansman Lifeboat No. 1. Nó dài 11m (36ft) bằng sợi thủy tinh màu cam và có khả năng chở 100 người nếu thảm họa tấn công phà MV Clansman do công ty CalMac vận hành trong hành trình ra khơi bờ biển phía tây Scotland.

Chiếc xuồng cứu sinh này được bảo dưỡng cẩn thận và thử nghiệm hàng tháng nhưng chưa được sử dụng đúng chức năng bao giờ. Và hai năm trước, nó đã ngừng hoạt động để nhường chỗ cho những chiếc xuồng có thể bơm hơi.

Lifeboat No. 1 được đưa ra đấu giá và hai kiến ​​trúc sư đến từ Anh đã thắng cuộc với mức giá là 7.000 bảng.

Một sự nghỉ ngơi yên tĩnh cho chiếc xuồng cứu sinh cũ này không phải là những gì họ muốn.

Sau bảy năm được đào tạo chuyên ngành kiến ​​trúc, hai người bạn Guylee Simmonds, 29 tuổi, đến từ Newhaven ở Đông Sussex và David Schnabel, 28 tuổi, đến từ Surrey, vẫn chưa sẵn sàng để sống một cuộc sống tẻ nhạt.

Họ biết nhau từ trường đại học nhưng lại đang làm việc ở các quốc gia khác nhau khi họ hoàn thành chứng chỉ chuyên ngành. Họ đã lên kế hoạch ăn mừng bằng một chuyến đi bộ đường dài ở Na Uy.

Sau đó Guylee phát hiện ra một chiếc xuồng cứu sinh cũ đã được thiết kế thành một nhà thuyền trên một dòng sông. Ngay lập tức anh đã lên mạng và nghiên cứu. Mầm mống của một ý tưởng bắt đầu hình thành: Tại sao không cải tạo lại một trong những chiếc thuyền thô kệch này và đi thuyền đến Na Uy thay vào đó?

“Tôi đến từ một gia đình thủy thủ,” Guylee cho biết. “Ý tưởng chuyển chuyến đi bộ thành một dự án đi tàu dường như đến với tôi khá tự nhiên. Na Uy có một bờ biển tuyệt đẹp và đi đến đó bằng một chiếc thuyền là một ý tưởng tuyệt vời.”

Thử thách tiếp theo là thuyết phục David. “Anh ấy đến từ gia đình sống ở đất liền.”

David đã đồng tình ngay lập tức và khi cặp đôi này trở thành chủ sở hữu mới của Lifeboat No.1, họ đã bỏ công việc và quăng mình vào thử thách thiết kế lớn nhất trong sự nghiệp.

“Là kiến ​​trúc sư, chúng tôi luôn thiết kế cho người khác, nhưng bây giờ chúng tôi làm điều đó cho chính mình”, Guylee nói.

2 4
Clansman Lifeboat No.1 rời phà của CalMac ở cảng Greenock (Ảnh: Instagram/arcticlifeboat)

Hành trình tiếp theo của Lifeboat No.1 là nằm trên lưng của một chiếc xe đầu kéo từ cảng Greenock bên cạnh sông Clyde để đến bãi thuyền ở cảng Newhaven, cách Đông Sussex gần 500 dặm (805km).

Hai chủ sở hữu mới đã quyết định tự thực hiện công việc cải tạo, bao gồm hệ thống ống nước, điện và làm lại động cơ – một phần là để tiết kiệm tiền nhưng họ cũng biết rằng việc này sẽ cung cấp cho họ những hiểu biết quý báu về chiếc thuyền trong trường hợp nó gặp trục trặc và cần được sửa chữa.

Chiếc xuồng cứu sinh này vẫn giữ động cơ diesel nguyên bản nhưng đòi hỏi phải sửa chữa lại toàn bộ. Nguồn quỹ đến từ các nhà tài trợ và việc bán “cổ phiếu” mà có thể được giao dịch bằng một chuyến nghỉ ngắn ở trên tàu.

Thiết kế sẵn có của thuyền  – các băng ghế và kho hàng (ở dưới đáy tàu) có chứa gần 1.000 khẩu phần nước cho trường hợp khẩn cấp, được đóng gói riêng lẻ thành nhiều phần cho mỗi lần dùng – bị loại bỏ

111917668 20180424 stern cutout 02
Hai chàng trai tự thiết kế lại toàn bộ tàu. (Ảnh: facebook.com/arcticlifeboat)

Thiết kế của họ có hai cabin đôi, giường tầng cho khách, khu vực tiếp khách, bảng biểu đồ, nhà bếp, nhà vệ sinh khô và vòi hoa sen. Một bếp lò đốt củi sẽ đem đến sự ấm áp theo phong cách Scandinavia cho những đêm Bắc Cực lạnh lẽo.

Những tua bin gió nhỏ được trang bị và mái che được phủ bằng các tấm pin mặt trời có khả năng cung cấp 900W điện lưới.

Tấm bạt ban đầu đã được thay thế bằng các cửa sổ cong trong khi boong chính phía sau của chiếc thuyền bị cắt đi, nhường chỗ cho một buồng lái mới bằng gỗ dán và sợi thủy tinh.

Điều này đã cho họ một không gian nhỏ bên ngoài để dự trữ và, cũng quan trọng không kém, một nơi để ngồi ăn thịt nướng hoặc uống bia vào một đêm trắng (hiện tượng mặt trời chiếu sáng đến tận nửa đêm).

3 2
(Ảnh: Instagram/arcticlifeboat)

Phải mất hơn một năm để hoàn thành công việc – bây giờ xuồng cứu sinh đã có một tên mới: Stødig – nghĩa là sự kiên định trong tiếng Na Uy.

“Xuồng cứu sinh này được sản xuất ban đầu tại Na Uy – và đó là nơi chúng tôi đang hướng đến nên một cái tên Na Uy có vẻ phù hợp”, Guylee cho biết.

“Stødig có nghĩa là chắc chắn và đáng tin cậy và đó là cách chúng tôi nhìn nó, một ngôi nhà cực kỳ an toàn – nhưng cũng có đôi chút hài hước ở đây. Những chiếc thuyền này có thể bị lắc lư một chút trong vùng biển động nên theo một nghĩa khác, nó thực ra không chắc chắn lắm. “

4 2
Sau hơn một năm làm việc, Stødig đã sẵn sàng cho chuyến đi. (Ảnh: Davidschnabe)

Vào một ngày mùa xuân đẹp trời vào tháng 5 năm ngoái (2019), David, Guylee và Shackleton – chú chó săn vịt Nova Scotia, cuối cùng đã ra khơi từ Newhaven, đi đến Dover.

Nội thất trên tàu vẫn chưa hoàn thành và việc nhồi nhét vào phút cuối các đồ dùng cần thiết, ván trượt, cần câu, thiết bị lướt ván diều và các thiết bị khác đã khiến chiếc thuyền có trọng lượng không đồng đều lúc ban đầu.

“Nó hơi hỗn loạn một chút,” Guylee nói. “Chúng tôi đã không có nhiều thời gian cho các thử nghiệm trên biển. Vì vậy, đó là một cảm giác lo lắng và phấn khích lẫn lộn. Nhưng không có cảm giác nào tốt hơn là lần đầu tiên được ra khơi trên chiếc thuyền của bạn.”

5 1
ỏ lại phía sau những vách đá phấn của Đông Sussex, họ tiến đến Kênh đào Anh (Ảnh: COPA)

Từ Dover họ vượt qua làn đường biển nhộn nhịp nhất thế giới tại điểm bắt đầu của chuyến hành trình dài 5.000km (3.100 dặm) qua tám quốc gia khác nhau.

Đến Pháp, họ đi dọc theo bờ biển Bỉ và Hà Lan trước khi đi qua kênh đào Kiel của Đức vào biển Baltic, sau đó tiến lên bờ biển Đan Mạch và Thụy Điển.

Các sự cố động cơ khiến họ bắt buộc phải dừng lại hai tuần ở Thụy Điển nhưng vào đầu tháng 7, họ đã sẵn sàng đến Na Uy.

6 1
Shackleton đã thích nghi tốt với cuộc sống mới của mình trên biển. (Ảnh: Instagram/arcticlifeboat)

Khi băng qua Skagerrak, eo biển trên bờ biển phía đông nam Na Uy, họ phải đương đầu với hoàn cảnh khó khăn nhất khi Stødig phải chật vật vượt qua những cơn sóng cao 4m (13ft).

“Nó là một chiếc thuyền nặng nên nó có xu hướng chạy xuyên qua những cơn sóng nhưng sóng biển đã đập qua nóc tàu,” Guylee hồi tưởng lại. “Hãy tưởng tượng bạn đang ở trên tàu lượn siêu tốc và không biết khi nào bạn mới có thể xuống lần nữa.”

Cuộc thử thách kéo dài nửa ngày và khi nó kết thúc thì cuối cùng họ cũng đã đến được Na Uy. Bây giờ các chuyến đi mà họ đã lên kế hoạch mới thực sự bắt đầu – khám phá 3.000 km (1.864 dặm) của các vịnh hẹp và hải đảo.

7 1
(Ảnh: Instagram/arcticlifeboat)

“Chúng tôi quên mất mình đang ở Bắc Cực chứ không phải Caribbean” họ đăng trên Facebook.

Hành trình của họ về phía bắc lần theo tuyến phà Hurtigruten cũ đã vận chuyển người Na Uy lên và xuống bờ biển lởm chởm này từ năm 1893.

Một điểm dừng sớm là nơi sinh của Stødig – nhà máy Norsafe ở Arendal nơi sản xuất xuồng cứu sinh 23 năm trước. Chuyến tham quan nhà máy có hướng dẫn đã biến thành một cuộc kiểm tra Stødig bởi những người Na Uy đang bị làm cho sửng sốt.

Về lý thuyết, chuyến đi có thể được hoàn thành trong hai tuần nhưng họ đã mất bốn tháng để khám phá các vịnh nhỏ không có người ở, câu cá, leo núi và ghé thăm một thị trấn mới cứ sau bốn ngày.

Là kiến ​​trúc sư, họ có thể kiếm thêm một chút thu nhập từ công việc tự do trên máy tính xách tay. Bạn bè và các nhà tài trợ đã tham gia cùng họ dọc theo tuyến đường cho các chuyến thăm ngắn ngày.

“Điều quan trọng đối với tôi là sự tự do”, Guylee nói. “Thoát khỏi sinh hoạt hàng ngày, không phải nhìn vào thời gian.”

8 1
Thử thách trong thiết kế là tạo ra một ngôi nhà nổi tự túc đủ tiện nghi. (Ảnh: Instagram/arcticlifeboat)

Khi họ đi về phía bắc, nhờ vào mớn nước nông của chiếc thuyền (là chiều cao thẳng đứng từ đáy tàu lên mặt nước) – chỉ 80cm (32inch) – có nghĩa là họ có thể đến những nơi không thể tiếp cận kể cả bằng du thuyền.

“Chúng tôi được dẫn đường bởi những ngư dân mà chúng tôi trò chuyện cùng, hoặc nếu chúng tôi thấy điều gì đó thú vị trên biểu đồ hoặc ảnh vệ tinh”, Guylee nói.

“Chúng tôi rất thích đưa ra quyết định về nơi sẽ đến từng ngày. Đó là sự tự do của một chiếc thuyền. Nhưng cũng thật tốt khi có một đích đến cuối cùng để nhắm tới.”

10 1
Một đợt nắng nóng trong tháng 7 đã khiến hành trình qua Geirangerfjord trở nên thú vị hơn. (Ảnh: Instagram/arcticlifeboat)

Một trong những địa điểm tuyệt vời nhất là Geirangerfjord, một trong những vịnh hẹp nổi tiếng nhất của Na Uy, mà họ đã tới được vào tháng Bảy. “Đó là một trong những nơi ngoạn mục nhất,” Guylee mô tả.

“Mặt nước trong vắt như pha lê được bao quanh bởi những vách đá thẳng đứng mọc ở hai bên. Chúng tôi đã trải qua một đợt nắng nóng bỏng rát, điều đó nghĩa là chúng tôi thực sự được tận hưởng khi bơi ở những thác nước mát lạnh.”

Vào tháng Chín, ngày thứ 124 của chuyến đi, cuối cùng họ cũng đến Tromsø  – 70 độ bắc, thành phố lớn nhất ở Vòng Bắc Cực.

Hai chàng trai đã neo thuyền ở bến tàu Skattøra của thành phố Tromsø trong cả mùa đông. Guylee tìm thấy một công việc ở một công ty kiến trúc trong khi David vẫn có thể tiếp tục công việc tự do của mình.

Khi không làm việc, đôi bạn lại cùng nhau chia sẻ đam mê trượt tuyết và leo núi.

Họ đã tiếp cận với những chú cá voi sát thủ và cá voi lưng gù trong những chuyến phiêu lưu bằng thuyền Kayak. Shackleton đã lang thang quanh những tảng băng lớn và gặp một vài chú tuần lộc tò mò trong chuyến dạo chơi của nó.

Ánh sáng phương Bắc trên bầu trời Tromsø vào Ngày tặng quà.

Vào Ngày tặng quà (ngay sau ngày Giáng sinh) bầu trời Tromsø lung linh với một quang cảnh đẹp sững sờ của bắc cực quang – Ánh sáng phương Bắc.

Tháng hai (2020) về với những cơn bão tuyết đã phủ lên thuyền một lớp băng dày đến 2 inch (5cm). Nhưng nhờ “thiết kế cải tiến” đã khiến chiếc thuyền trở thành một ngôi nhà ấm cúng ngay cả trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất.

11 1
Họ đã trải qua mùa đông khắc nghiệt tại bến du thuyền Skattøra của Tromsø. (Ảnh: Davidschnabe)

Kế hoạch cho mùa hè là ra khơi một lần nữa – khám phá xa hơn về phía bắc – nhưng vào tháng 3, đại dịch virus corona đã gây ra một sự phiền phức không mong muốn.

Công việc của David yêu cầu anh phải bay về Vương quốc Anh trong những chuyến đi ngắn, và trong một lần như vậy, Na Uy đã đóng cửa các hải cảng và sân bay của họ đối với công dân nước ngoài.

Trong hai tháng qua, Guylee và Shackleton vẫn kiên nhẫn chờ đợi David tham gia lại với họ để họ có thể tiếp tục cuộc phiêu lưu.

“Chúng tôi rất giỏi trong việc tự cách ly bản thân – nhưng điều này khác bởi vì nó là tự nguyện”, Guylee nói.

Anh ấy thấy rằng họ sẽ phải giữ Stødig ít nhất cho đến hết năm – nhưng đến lúc đó thuyền sẽ được bán. Lợi nhuận sẽ dành cho tổ chức từ thiện Hope Health Action có các dự án ở Haiti.

“Nó vượt quá khả năng chi trả cho một chiếc thuyền bị mắc kẹt trong bến du thuyền”, anh nói. “Hy vọng của tôi là chủ sở hữu mới sẽ đưa nó vào một cuộc phiêu lưu mới.”

12 1
Guylee và David hy vọng chủ sở hữu tương lai của Stødig sẽ ra khơi trong một cuộc phiêu lưu mới. (Ảnh: Instagram/arcticlifeboat)

Stødig là tên một bộ phim ngắn do công ty Copa Cymru & Febril sản xuất, kể lại lại cuộc thám hiểm của hai chàng trai trẻ dự kiến sẽ ​​ra mắt vào mùa hè này.

Ngọc Chi

Xem thêm: