Mục đích cuối cùng khi học tập ở trường là để mọi người nắm vững năng lực tự học. Việc bạn có thể tiếp tục tự học sau khi rời ghế nhà trường hay không quyết định mức độ thành công tương lai của bạn.

tự học
Trong thời đại Internet như hiện nay, nếu nắm vững được khả năng tự học thì sẽ rất có lợi cho cuộc sống cá nhân và công việc. (Ảnh: BaanTaksinStudio/ Shutterstock)

Sau khi rời khỏi ghế nhà trường, mọi người sẽ bước vào giai đoạn tự học 100%. Một số người có thể “học đến già”, tuy nhiên phần đa đều là dừng việc học lại ở giai đoạn này. Có thể nói, quá trình tự học của người lớn là một thử thách không nhỏ, mà đây cũng chính là bước ngoặt thể hiện sự khác biệt về khoảng cách giữa người lựa chọn việc tiếp tục học và người không còn học. Nếu bạn không thể thành thạo các kỹ năng tự học và phát triển bản thân trước 40 tuổi, bạn sẽ khó thành công trong sự nghiệp.

Trên thực tế, tác dụng của việc tự học còn nhiều hơn thế. Ngoài việc giúp bạn phát triển, còn có hai tác dụng to lớn khác chính là giảm chi phí giáo dục và nâng cao tính linh hoạt trong lĩnh vực kiến thức.

1. Tự học giúp giảm 90% chi phí giáo dục

Các bậc cha mẹ thường cho rằng giáo dục là khá tốn kém. Vậy thực tế thì giáo dục có đắt không? Một cuốn sách có giá từ vài chục đến vài trăm ngàn. Giả sử tính trung bình mỗi cuốn sách là 100.000 đồng, vậy nếu con bạn thực sự có thể đọc hết 1.000 cuốn sách thì chi phí sẽ ước chừng khoảng 100 triệu đồng. Tất nhiên hãy nghĩ xem, nếu con bạn tiếp thụ kiến thức của 1000 cuốn sách thì bộ não đó sẽ phong phú đến mức độ nào? 

Bên cạnh đó, các khóa học video cũng rất rẻ và còn có các nền tảng miễn phí khác mà con bạn có thể học. Nói thẳng ra, bạn chỉ bỏ ra 10% số tiền để trả cho các khóa đào tạo là dành cho giáo dục, còn 90% kia là dành cho quá trình “không chủ động” của trẻ.

Bạn tiêu rất nhiều tiền vì con bạn cần được giám sát liên tục. Nói một cách đơn giản, bạn chi nhiều tiền như vậy cho giáo viên không phải vì con bạn thích học, mà vì con không thích học bạn mới phải tốn một số tiền lớn cho việc thuê giáo viên kèm cặp.

Điều này cũng đúng với người lớn. Ví dụ, nhiều người đăng ký các lớp học tiếng Anh rất đắt tiền, nhưng trên thực tế, nhiều tài liệu học tập cho các khóa học này là miễn phí hoặc có chi phí rất thấp. Bạn có thể xem video ở nhà, thực hành nói tiếng Anh và làm bài đọc. Bạn thấy đấy, mình không cần tốn quá nhiều tiền để tạo ra một “môi trường học tiếng Anh” chuyên nghiệp.

Ví dụ, một số người học TOEFL bằng các câu hỏi tự học, trong khi những người khác bỏ ra học phí đắt đỏ để đăng ký các lớp học TOEFL. Những khoản phí đắt đỏ này được trả cho việc bạn không có khả năng tự học. Vì vậy, người ta nói rằng việc tự học có thể tiết kiệm 90% chi phí giáo dục.

2. Nâng cao tính linh hoạt trong năng lực tư duy

shutterstock 522676762
Tư duy tích cực là một khía cạnh của tự học, giúp rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề của cá nhân người tự học. (Ảnh: ASDF_MEDIA/ Shutterstock)

Một số người có thể hỏi, làm thế nào có thể vận dụng tốt khả năng phân tích để giải quyết vấn đề? Hay đăng ký học lớp nào để nâng cao khả năng tư duy này của bản thân? Đây là những tư duy phòng thủ thụ động. Những người như vậy chỉ thường suy nghĩ khi họ gặp vấn đề và ngược lại.

Trên thực tế, bạn nên coi suy nghĩ là một trò chơi thú vị trong cuộc sống hàng ngày và hãy luôn tự đặt câu hỏi trong đầu khi nhìn thấy vấn đề. Ví dụ, khi bạn đi mua sắm, bạn có thể tự hỏi rằng làm thế nào để xây dựng thương hiệu này? Chiến lược của họ là gì? Sản phẩm này hướng vào phân khúc khác hàng nào? Nguồn khách hàng tiêu thụ sản phẩm có lớn không? Nó có thể mang lại thu nhập bao nhiêu? Sản phẩm này có phù hợp với thị trường hiện tại không? Và cuối cùng là nó sẽ phá sản hay phát triển trong năm năm tới?

Cách đặt câu hỏi tích cực và giống như trò chơi như vậy có thể giải quyết vấn đề tốt hơn so với kiểu phòng thủ thụ động và nó cũng có khả năng cung cấp những gợi ý tích cực trong tương lai. Bởi vì bạn đã chủ động đặt câu hỏi nên bạn sẽ chủ động tìm ra câu trả lời. Quá trình tư duy tích cực này chính là “gợi mở nguồn cảm hứng để bản thân tự học và phát triển năng lực suy nghĩ về những gì bản thân muốn học”.

Nói tóm lại, việc bạn “tự hỏi và tự trả lời” là quá trình tự học của bạn. Nó không có chế độ chấm điểm cố định như ở trường và không có ai thường xuyên ra đề kiểm tra để giám sát việc học của bạn. Tự học và tư duy tích cực có nghĩa là bạn sẽ chủ động trong lĩnh vực tinh thần. Hãy chủ động tìm ra và giải quyết vấn đề, rồi sau đó suy ngẫm đánh giá, đúc kết kinh nghiệm và tìm ra bài học thay vì thụ động chờ đợi. Đây chính là cách mà bạn sẽ tạo ra khoảng cách giữa bạn và người khác.