Từ một người đàn ông đang gặp khó khăn không đủ khả năng trang trải cho cuộc sống, anh Harsh Valechha đã có thể tự lo cho bản thân thức ăn, nước uống, điện và chỗ ở bằng một công việc liên quan đến nhu cầu căn bản của con người: “Thực phẩm”. 

Hãy đến với chia sẻ ý nghĩa và sâu sắc của anh Harsh Valechha sống ở Kerala, Ấn Độ:

Tôi từ một chuyên viên tư vấn tài chính trở thành một người làm nông nghiệp bền vững. Tôi đã tự giao nhiệm vụ cho mình là biến một vùng đất cằn cỗi trên đỉnh đồi trong một ngôi làng nhỏ thành một khu bảo tồn có khả năng tự sản xuất và dự trữ thực phẩm, điện, nước và cung cấp chỗ ở. Tôi gọi nơi đó là Gaia Grid. Tôi đã có thể thực hiện công việc này là nhờ sự giúp đỡ của hàng trăm tình nguyện viên từ khắp nơi trên thế giới và một chương trình gây quỹ khiêm tốn. Cho đến nay, Gaia Grid đã có khả năng tự túc về điện, nước và nơi ở; sắp tới là cả thức ăn.

thiên nhiên, làm vườn
Anh Harsh Valechha .

Sau khi nghỉ việc ở công ty, tôi đã ngồi thiền sâu và tự hỏi bản thân về những gì tôi thực sự muốn trong cuộc sống. Thông qua rất nhiều cuộc đối thoại nội tâm và quan sát các điều kiện xã hội hiện hành, tôi nhận ra rằng tôi cần phải bắt đầu từ gốc rễ bằng cách tự hỏi bản thân “Thức ăn của ta đến từ đâu?”. Khi nhận ra rằng nó đến từ một trang trại xa xôi, nơi nó được rải hàng tấn hóa chất độc hại và có khả năng là từ một nông dân bị người trung gian trả giá thấp, tôi đã tưởng tượng việc tự mình trồng trọt một chút thì sẽ như thế nào. Ban đầu tôi trồng các loại rau dễ trồng như cà chua và đậu trên sân thượng căn hộ của mình, và khi tôi nhận ra tôi hoàn toàn có thể làm được, tôi lại muốn xem liệu mình có thể tự trồng được mọi thứ hay không. Rốt cuộc, một khi bạn đã làm salsa với cà chua mà bạn tự trồng, bạn sẽ trở nên ‘bất khả chiến bại’.

lam vuon 2
Anh Harsh Valechha bắt đầu từ nhu cầu căn bản nhất của con người: Thức ăn đến từ đâu?

Tôi trồng thực phẩm chủ yếu là để xem liệu trong cuộc sống hiện đại, một người với ít vốn và thiếu kiến ​​thức trồng trọt nhưng có nhiều thời gian thì có thể tự lo việc ăn uống của mình hay không. Tôi thậm chí còn chưa có khả năng tự lo cho bản thân mình 100%, nhưng đó là một thử thách mà tôi chắc chắn rằng mình sẽ vượt qua theo thời gian. Ý tưởng này phù hợp với tầm nhìn xa hơn của dự án của tôi về khả năng tự cung cấp hoàn toàn về thức ăn, nước uống, chỗ ở và điện. Một khi mô hình đi vào hoạt động và có hiệu quả, ý tưởng của tôi là đi khắp nơi và hướng dẫn những người khác cách tự thực hiện.

thiên nhiên, làm vườn
Vùng đất khô cằn khi chưa cải tạo…

Tôi sống tại một ngôi làng nhỏ ở Kerala, Ấn Độ và tôi làm việc trên một mảnh đất rộng 1 mẫu Anh. Cho đến nay tôi đã trồng cà rốt, đậu Hà Lan, khoai tây, hành tây, ngô, ớt, đậu bắp, cà tím, rau bina, chanh dây, su su, đu đủ, củ cải, chùm ngây, dưa chuột, dưa bở, dưa hấu, đậu kiếm, v.v… bên cạnh 500 cây ăn quả và cây cho hạt mà tôi đã trồng sau khi chuyển đến vùng đất này vào năm 2017. 

Khi tôi mới chuyển đến đây, đất đai toàn là đá và rất cằn cỗi nên việc đầu tiên tôi phải làm là bồi dưỡng cho đất tốt. Tôi đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để nhanh chóng bồi dưỡng đất. Một trong những phương pháp đó là đào hàng trăm lỗ có kích cỡ 31cm và lấp đầy chúng bằng chất hữu cơ như nhánh cây gãy, cành cây, lá cây cắt nhỏ, vỏ dừa,… sau đó tôi thả mối vào tất cả các hố này và để chúng ẩm trong khoảng 2 tuần. Sau 2 tuần, mối đã ăn hết chất hữu cơ và những cái hố lúc này sẽ chứa phân mối cực kỳ màu mỡ. Sau đó, tôi trồng cây họ đậu để cố định đạm trong những cái hố này. Khi cây đậu lớn lên và ra quả, tôi sẽ cắt nhỏ và rải chúng ra để giải phóng nitơ trong hố. Tôi lặp lại quá trình này vài lần đến khi những cái hố đầy ắp sự sống và khỏe mạnh thì tôi trồng cây của mình vào đó.

thiên nhiên, làm vườn
… đã trở thành vùng đất tươi tốt màu mỡ.

Đối với luống vườn, tôi chủ yếu làm luống cao bằng vật liệu tự nhiên lấy từ địa phương và tạo lớp nền bằng bìa cứng, đất mà tôi đã cải tạo, phân bò lấy từ làng, phân ủ từ thức ăn, lớp phủ hữu cơ và đôi khi là một số loại phân ủ từ trà. Tôi lặp lại các lớp này cho đến khi tôi hài lòng với chiều cao của luống rồi gieo hạt trực tiếp vào đó. Trong một số trường hợp, tôi trồng hạt trong khay trước và cấy sau.

lam vuon 5
Một luống vườn xinh đẹp.

Tôi không chủ động giải quyết tình trạng sâu bệnh bằng cách sử dụng bất kỳ loại thuốc trừ sâu nào. Thay vào đó, nối bước của Masanobu Fukuoka, tôi cho phép các loài gây hại phát triển trong một hoặc hai mùa, chỉ để chúng sẽ bị ăn bởi những loài săn mồi tự nhiên và không làm rối loạn trật tự của tự nhiên. Hệ thống này mất nhiều thời gian hơn một chút nhưng (theo ý kiến ​​của tôi) là thứ hoạt động tốt nhất cho tôi và hy vọng là cho cả vùng đất.

cay trai
Cây trái xum xuê.

Đôi khi không có tình nguyện viên, tôi phải tự xoay xở mọi việc. Làm việc một mình trên một mẫu đất mà không có máy móc hỗ trợ cũng khá là thử thách. Ngoài ra, đất nằm trên đỉnh đồi có gió mạnh cũng gây khó khăn lớn cho việc trồng các loại cây. Tôi đã tạo ra những tấm chắn gió tự nhiên, đó là một quá trình học tập liên tục. Nhiều lần tôi trực tiếp gieo hạt nhưng rồi phát hiện ra chúng đã bị sâu bọ ăn hết. Hoặc đôi khi, đặc biệt là trong mùa mưa, các luống bị mưa tưới quá mức dẫn đến làm hỏng cây trồng. 

Còn phần thưởng thì rõ ràng là tôi ít phải dựa vào thế giới bên ngoài để có thức ăn. Trong trận đại dịch, tôi thấy điều này đặc biệt hữu ích vì chúng tôi đã phải trải qua nhiều tháng phong tỏa và tôi vẫn ăn uống khá lành mạnh và dồi dào từ tất cả những gì mọc trên đất. Ngoài ra, tôi cũng cảm thấy trân trọng những người nông dân và thực phẩm từ nông trại nhiều hơn vì biết công sức họ bỏ ra để mọi người có được bữa ăn ngon trên bàn.

lam vuon 8
Khung cảnh yên bình buổi sớm.

Dự án tôi điều hành là hoạt động thuần chay và tình nguyện. Vì vậy, rất nhiều người từ khắp nơi đến học hỏi kinh nghiệm trong trang trại. Thỉnh thoảng tôi cũng tổ chức các hội thảo để chia sẻ các hướng dẫn về cách tự cung tự cấp cho bản thân. Tôi cũng có kế hoạch thiết kế các khóa học trên trang web và tổ chức học trực tuyến về tự cung tự cấp với ngân sách hạn hẹp.

lam vuon 9
Có rất nhiều người đến học tập kinh nghiệm.

Hãy để thiên nhiên là người thầy của bạn. Khi bạn gieo một hạt giống, thiên nhiên đảm bảo sẽ trả lại cho bạn hàng trăm hạt. Hãy làm điều tương tự với lòng tốt mà bạn nhận được; hãy truyền nó đi. Thiên nhiên tạo ra sự phong phú bằng cách cho đi. Bạn cũng có thể tạo ra sự phong phú cho bản thân và những người xung quanh theo cách tương tự – bằng cách cho đi. Và khi bạn nhận, hãy nhận với sự khiêm tốn và trân trọng bởi vì mọi thứ đều là vay mượn. Chúng ta không sở hữu gì cả”.

dat me
Tất cả những gì chúng ta có đều là mượn từ Đất Mẹ.

Theo Humans Who Grow Food
Ngọc Chi

Xem thêm: