Trong cuộc sống, oán trách hoàn toàn là một loại cảm xúc tiêu cực, làm tiêu tán đi phúc khí và năng lượng tích cực của bản thân.

Trên thực tế, chúng ta đều biết rằng khi bắt đầu có sự oán trách thì cũng là lúc mối quan hệ giữa mọi người bắt đầu trở nên căng thẳng – với người thân, bạn bè hay đồng nghiệp cũng thế.

Điều đáng sợ hơn cả là sự oán giận khiến đôi mắt của chúng ta không còn tinh tế để nhìn ra những khuyết điểm của bản thân. Thường xuyên phàn nàn oán trách sẽ trở thành thói quen xấu khiến chúng ta chỉ biết quy lỗi lầm cho người khác hoặc cho chính vấn đề đó, nhưng lại bỏ qua những lỗi lầm và thiếu sót của bản thân.

Thực tế là, những người thích phàn nàn oán trách thật ra lại rất nhỏ mọn, chính bản thân không dám tự mình gánh chịu trách nhiệm, mà thay vào đó là đùn đẩy cho người khác hoặc đổ lỗi cho hoàn cảnh, số phận. 

Một cách vô thức, chúng ta cảm thấy thoải mái hơn khi chỉ ngón tay vào người khác. Bằng cách này, chúng ta chỉ nhìn thấy lỗi lầm của người khác, đồng thời lấp liếm đi khuyết điểm, lỗi lầm của chính mình, từ đó khiến bản thân ngày càng trở nên hẹp hòi, khó chịu.

Oán trách là một vòng luẩn quẩn trượt dốc không lối thoát. Người kém năng lực thích phàn nàn, nhưng họ càng phàn nàn, thì họ càng thích bao biện. Mà càng bao biện, thì càng muốn trốn tránh trách nhiệm. Và khi càng trốn tránh trách nhiệm thì càng bất lực trước bất kỳ vấn đề gì xảy ra.

Hoa sen
Hoa sen luôn giữ mình thanh cao nơi bùn lầy. (Ảnh: Shutterstock)

Tăng Quốc Phiên (1811 – 1872), tự Bá Hàm, hiệu Điều Sinh, người Tương Hương, Hồ Nam. Ông được biết tới là một trong số những trọng thần nổi bật vào giai đoạn cuối của vương triều Mãn Thanh và cũng là nhà tư tưởng ái quốc nổi tiếng của Trung Hoa cận đại.

Sinh thời, con đường thăng tiến của vị quan họ Tăng có thể nói là rất thành công. Nhưng những em trai của ông lại không được suôn sẻ như vậy. Người em thứ tư và thứ sáu của ông đều là Giám sinh tự bỏ tiền túi mua, người em thứ chín và người em út mặc dù thi đậu tú tài nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó. Bốn người em này luôn ngao ngán trước con đường sự nghiệp công danh của mình, do vậy mà luôn buông lời than phiền, oán trách.

Người em trai thứ sáu, Tăng Quốc Hoa rất có năng khiếu viết lách. Tăng Quốc Phiên vì vậy luôn kỳ vọng người em này có thể thông qua con đường thi cử mà gặt lấy công danh, làm một phen gây dựng sự nghiệp.

Với tài văn chương thiên phú, Tăng Quốc Hoa cũng cảm thấy rất tự tin, nhưng nhiều lần thất bại ở khoa trường đã trở thành những cú đả kích lớn đối với ông. Chán nản trước những trắc trở trên con đường khoa cử đã khiến người em này từ một chàng trẻ nhiệt huyết ôm giữ chí hướng cao xa, trở nên sa sút tuột dốc, suốt ngày chỉ than phiền oán trách.

Nhưng thay vì đi tìm nguyên nhân ở chính bản thân mình, Tăng Quốc Hoa lại phàn nàn về những người khác. Ông cho rằng giám khảo thật không có tầm nhìn, còn không đủ năng lực đọc hiểu văn chương của mình. Ông thậm chí còn đổ lỗi cho vợ, rằng đã không chăm sóc chồng chu đáo, khiến ông không thể tập trung toàn lực cho việc học hành.

Sau khi Tăng Quốc Phiên biết được điều này, ông thảo một bức thư gửi Tăng Quốc Hoa, nghiêm khắc chỉ giáo: “Đệ không thể vượt qua kỳ thi, tất cả là do đệ không nỗ lực cố gắng, không cam chịu, còn trách được ai? Đệ lấy tư cách gì để oán thán?!”

Theo quan điểm của Tăng Quốc Phiên, phàn nàn oán trách quá nhiều chính là biểu hiện của tương lai không có tiền đồ, những người hễ thất bại liền than phiền không ngừng nghỉ, người đó chắc chắn sẽ không thể đạt đến thành công.

Tăng Quốc Phiên nói: “Những người oán trách quá nhiều sẽ bị trượt dốc và bế tắc hơn sau đó. Vô cớ trách trời, trời cũng không thể ban cho phúc phận, vô cớ trách người, người sẽ không phục. Lý tất nhiên hẳn là vậy.”

Một người phàn nàn oán trách quá nhiều, con đường sau này hẳn sẽ không dễ đi, bởi vì anh ta không tự nhìn lại bản thân, thì cũng sẽ không có tiến bộ và đề cao. Thất bại là điều không thể tránh khỏi. Những người xung quanh đáng ra có thể đóng vai trò hỗ trợ, nhưng những lời oán trách lại chỉ khiến họ coi thường và xa lánh kiểu người khó chịu này.

Con người sống ở trên đời, mấy ai không phạm sai lầm? Nhưng sự khác biệt giữa người thành công với đại đa số những con người bình thường khác chính là ở chỗ họ có thể chủ động tự xét mình sửa lỗi và không ngừng đề cao bản thân.

000 1
(Tranh minh họa qua Knews.cc)

***

Tăng Quốc Phiên chính là tấm gương nổi tiếng trong sử sách về việc sửa mình và gặt hái được những thành tựu lẫy lừng về học vấn và sự nghiệp.

Thời trẻ, Tăng Quốc Phiên mang trong mình nhiệt huyết tuổi trẻ, tinh lực tràn đầy nhưng tính tình lại rất nóng nảy. Khi làm quan ở kinh thành, ông đã từng rất phóng đãng, lỗ mãng làm phật lòng không ít người, gặt lấy khó khăn cho chính bản thân mình.

Có thể thấy rằng, tuổi trẻ của Tăng Quốc Phiên cũng mang nhiều khuyết điểm. Nhưng khi đọc trong nhật ký của ông, chúng ta sẽ thấy rằng, trước những sai lầm, ông tự mình nhận thức ra và thề với bản thân rằng sẽ cải chính lại những sai lầm đó. 

Cuộc đời Tăng Quốc Phiên là cuộc hành trình đi từ một người bình thường với nhiều sai lầm cho đến khi trở thành một đại danh nho lỗi lạc. Vậy nên, những câu chuyện của ông mới trở thành những kinh nghiệm quý báu lưu lại cho người đời sau.

Trong “Luận ngữ – Hiến vấn”, Khổng Tử từng viết: “Không oán trời, không trách người, học điều nhỏ nhặt biết thứ lớn lao, chỉ có trời mới hiểu được ta!”.

Khổng Tử chu du nhiều nước, gặp đủ chuyện không may trên đời, giống như kẻ lang thang không nhà, nhưng ông không bao giờ than trách cả. Khổng Tử không oán trời, không trách người, mà biết tu thân dưỡng đức, hoàn thiện bản thân mình.

Với những người trưởng thành, chỉ cần biết tìm nguyên nhân từ chính bản thân mình là đủ. Không sự cố gắng nào là lãng phí, mọi thứ đều có sự an bài. Chúng ta hãy tin rằng miễn là chúng ta cố gắng, ngay cả khi chúng ta chưa thành công, sẽ có những thu hoạch khác. Ví như lúc vấp ngã, có thể là thành công chưa kịp tới, nhưng trải nghiệm này sẽ là cơ sở vững vàng cho những thành công trong tương lai.

Những người không chịu cố gắng, đến khi gặp thất bại lại còn oán trách người khác, than phiền về sự việc thì chính là những người không có tiền đồ nhất, còn chưa bàn đến được thành công!

Đức Minh

Xem thêm: