Việc một cặp đôi có thể thành vợ chồng hợp pháp chỉ sau 5 phút thao tác quét giấy tờ tùy thân và nhập thông tin cơ bản vào máy tính khiến dư luận dậy sóng.

Chiếc máy được ra mắt hôm 22/2 tại Hưng Hóa, thành phố Thái Châu, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc và đã chứng thực cho 200 đôi nhận giấy đăng ký kết hôn sau 3 ngày.

Tất cả những gì một cặp đôi cần làm là quét chứng minh thư, sổ hộ khẩu qua máy tự động, nhập thông tin cơ bản, chụp ảnh. Sau đó, họ chỉ cần gặp nhân viên pháp lý để lăn tay và đợi 5 phút để nhận kết quả.

“Việc đăng ký giờ đây thuận tiện như mua vé tàu xe. Chiếc máy giúp cải thiện đáng kể hiệu quả công việc của chúng tôi,” Liu Xiao, một cán bộ phòng tư pháp chia sẻ.

methode times prod web bin 98e 4143 7753 1614441588
Một cặp đôi đang thao tác đăng ký kết hôn trên máy tại Giang Tô, Trung Quốc (Ảnh chụp màn hình TheTimes)

Tuy nhiên, chiếc máy được xem là sáng kiến độc đáo của cơ quan tư pháp tỉnh Giang Tô này đang châm ngòi cho một cuộc tranh luận sôi nổi trên internet giữa hai trường phái truyền thống và hiện đại.

Những người kịch liệt phản đối cho rằng hôn nhân là việc trọng đại và thiêng liêng. Trong quá khứ, phải có các thủ tục, phu thê bái lạy thiên địa, phụ mẫu, họ hàng thân quyến chứng kiến mới có thể thành thân. Thật ngớ ngẩn khi giờ đây một cái máy lạnh lùng sẽ thay thế tất cả.

Một số khác nhấn mạnh việc thủ tục quá đơn giản khiến nhiều cặp đôi sẽ nhìn nhận việc hôn nhân là tầm thường, không cần  trân quý và có thể dễ dàng rũ bỏ.

“Tôi thích quy trình thủ công trước đây hơn. Nhân viên đưa chứng nhận cho vợ chồng tôi bằng cả hai tay và nói ‘xin chúc mừng’. Tôi thích sự tiếp xúc của con người,” một người nói.

ly hon
Người xưa coi hôn nhân là việc thiêng liêng hệ trọng nên cần lễ nghi, bái đường và người thân chứng kiến (Ảnh: zhaoyan/ Shutterstock)

Tỷ lệ ly hôn của Trung Quốc tăng đột biến, đặc biệt trong giai đoạn dịch viêm phổi Vũ Hán lan tràn. Năm 2019, 4,7 triệu cặp vợ chồng đã ly hôn, trong khi con số này vào năm 2003 chỉ là 1,3 triệu cặp.

Nữ luật sư Xu Shanshan cho biết, cô không ủng hộ máy tự phục vụ hoặc những cách đơn giản hóa tương tự trong đăng ký kết hôn. Việc thiếu cân nhắc kỹ lưỡng trước khi kết hôn có thể mang đến những rủi ro tiềm ẩn cho cuộc sống lứa đôi sau hôn nhân. Sẽ thế nào nếu những người bị rối loạn trí tuệ hoặc có vấn đề tâm lý bị lừa quét giấy tờ qua máy?

Bà Shanshan được biết đến là một người cấp tiến, từng nổi tiếng khi đấu tranh cho đề xuất đăng ký kết hôn chỉ có hiệu lực sau 2 tuần để cân nhắc và thôi thúc chính quyền Thượng Hải cho phép các công dân của thành phố này được cung cấp thông tin quan trọng như tiền sử y tế, tình trạng hôn nhân, cũng như hồ sơ tội phạm của bạn đời tương lai từ phía nhà chức trách.

Thời xưa, những người vợ, người chồng lưu danh sử sách đều hiểu lễ nghĩa, tiếp thụ những quy phạm đạo đức của văn hóa truyền thống. Suy ngẫm một chút, trong đa số các gia đình trẻ ngày nay đều khuyết thiếu một điều: “Giữa vợ chồng phải có cung kính, trọng đạo, trọng nghĩa và có cả sự biết ơn”. Quan hệ vợ chồng thời nay không sâu đậm, cũng không có sự hy sinh nhiều như xưa. Đó chính là vì không còn coi trọng lễ giáo và đạo đức truyền thống.

Hoài Anh

Xem thêm: