Con người trọng tình thân, có người họ hàng từ xa đến thăm, quây quần bên nhau, mọi người vui vẻ, nhưng trên thực tế cũng có nhiều rắc rối từ việc không để ý trong ứng xử mà phát sinh. Vậy làm cách nào để có thể xử trí lễ nghĩa và ổn thỏa mọi việc khi có họ hàng từ xa đến thăm nhà?

an com
Bữa cơm nồng hậu khi có họ hàng từ xa đến chơi. (Ảnh: Hananeko_Studio/ Shutterstock)

“Thái căn đàm” là một cuốn sách chứa đựng những kinh nghiệm tu dưỡng, làm người, đối nhân xử thế của cổ nhân, ẩn chứa trí tuệ cao thâm sâu rộng. Trong sách có nhắc đến có câu: “Cơ tắc phụ, bão tắc dương, úc tắc xu, hàn tắc khí, nhân tình thông hoạn dã”, ý nói rằng đói nghèo thì nhờ cậy, no đủ thì liền bay đi, ấm thì theo, lạnh thì bỏ, kết giao tình cảm cũng rắc rối như vậy.

Một người khi còn nghèo khó thì sẽ đi tìm người có thể nương nhờ, giúp đỡ, một khi đã giàu có lên rồi thì sẽ cao chạy xa bay, không chút lưu luyến. Lúc này bạn bè thân thích đang trong hoàn cảnh khó khăn lại đến tâng bốc họ. Không phải ai cũng vậy nhưng phần lớn là vậy.

Bản chất của con người là chê nghèo thích giàu, tìm lợi tránh hại. Vì vậy, có thể thấy, những người họ hàng từ xa đến thăm, hơn phân nửa không phải là đang trong lúc nhàn rỗi đến tán gẫu chuyện trò với bạn, mà là gặp khó khăn thì mong bạn giúp đỡ, hoặc không còn nơi nào để đi thì mong bạn dành cho họ một nơi trú ẩn và nương tựa.

Tất nhiên là cùng người thân quây quần, dùng bữa cơm đầm ấm, ai cũng sẽ rất vui, nhưng nếu sống chung với nhau thì hoàn cảnh sẽ khác, có thể nhiều biến động khôn lường sẽ xảy ra trong mối quan hệ.

Một số vấn đề có thể phát sinh khi có người khác đến ở trong nhà mà mọi người cần cân nhắc kỹ:

Thói quen sinh hoạt khác nhau, khó có thể tương thích

Thường thì khẩu vị và thói quen ăn uống của các địa phương có nhiều điểm không giống nhau. Ví dụ, người miền Bắc thích ăn thanh đạm, nhẹ nhàng, người miền Trung thích ăn đậm đà và cay nóng, người miền Nam lại thích ăn ngọt một chút.

Một người chú họ của tôi đã đi xa để kiếm sống từ lúc còn đôi mươi, cũng hiếm khi có cơ hội về thăm quê.

Năm ngoái, chú đưa con về quê ngoại ở nhờ nhà họ hàng. Mặc dù, người họ hàng đã lấy ra những bộ chăn ga gối đệm đẹp nhất để tiếp đãi khách nhưng cả đêm chú không dám ngủ vì lo tiếng ngáy của mình sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của mọi người.

Bình minh đến, chú rời giường từ rất sớm nhưng lại thấy cực kỳ khó xử vì “chủ nhà” vẫn chưa thức giấc. Để giết thời gian, chú ra ngoài đi dạo thì không may lại đánh thức chủ nhà.

Mỗi người đều là duy nhất, không ai giống ai hoàn toàn, những người thân thích cũng không ngoại lệ. Nếu mọi người sống chung dưới một mái nhà, mối quan hệ của họ có thể sẽ không thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn mà ngược lại, sẽ ảnh hưởng lẫn nhau, làm phiền nhau, thậm chí bài xích nhau vì thói quen riêng của họ.

Họ hàng đến ở lâu ngày cũng không thể mãi chiều ý khách

Như có câu: “Cá để ba ngày sẽ bốc mùi, người ở ba ngày sẽ ghen ghét.”

Nếu có người họ hàng đến ở tại nhà bạn, vào ở rồi cũng chưa có kế hoạch lúc nào sẽ rời đi. Rốt cuộc thì có muốn họ rời đi không? Có cần thăm dò một chút xem họ định ở lại bao lâu? Nếu bạn nói ra những câu hỏi này, bạn sẽ cảm thấy có chút không đành lòng, nếu bạn không nói ra, bạn chỉ có thể tự mình chịu đựng sự ủy khuất, ấm ức trong lòng mà thôi.

kho nghi
(Ảnh: Vmaslova/ Shutterstock)

Nói chung, nếu có người họ hàng đến nhà thì sẽ dọn thêm một hoặc hai món, phù hợp với khẩu vị và thói quen của họ. Một ngày, hai ngày còn có thể tiếp đón đầy đủ, đây là sống có lễ nghĩa, nhưng nếu chuyện này để kéo dài đến một tháng, xem ra cũng không ai muốn tiếp tục.

Mối quan hệ dù tốt đến đâu cũng không thể bằng được như giữa cha mẹ và con cái. Chỉ có cha mẹ mới có thể nuôi dưỡng con cái suốt cả cuộc đời.

Hàng ngày, bạn phải nhìn sắc mặt người họ hàng trước khi quyết định ăn gì, uống gì, bật chường trình TV gì, nói chuyện gì… thì không khí trong gia đình sẽ trở nên đặc biệt thận trọng, căng thẳng. Nếu trong gia đình có trẻ nhỏ, không chừng đứa trẻ còn sẽ tranh giành xem TV với người họ hàng.

Họ hàng hòa thuận với nhau, bề ngoài thì tỏ ra lịch sự, khách khí, nhưng thực chất lại hạn chế nhau khiến mọi người đều cảm thấy không thoải mái.

Nếu họ hàng gần gũi nhau quá, xung đột có thể sẽ thường xuyên xảy ra

Vài năm trước, khi gia đình tôi còn sống ở miền núi cao, đường xá xa xôi nên ít bà con lên thăm.

Một ngày nọ, một người anh họ của tôi đến thăm và định ở lại vài tháng. Mẹ tôi chào đón anh ấy bằng bữa tối rất nồng hậu và sắp xếp cho anh ấy sống trong nhà.

Sau đó, tôi được biết anh họ đã nợ rất nhiều tiền bên ngoài, giờ anh ấy đang tìm một nơi để trốn nợ.

Mẹ tôi đã khuyên anh ấy: “Cố gắng kiếm tiền là cách tốt nhất. Con luôn trốn tránh, sẽ không thể giải quyết được vấn đề.”

Anh họ tức giận nói: “Không phải chỉ là ăn vài bữa cơm thôi sao? Cần gì cứ phải đuổi tôi đi như vậy?”

Một vài lời qua lại đã lôi mâu thuẫn trong họ hàng ra bới móc nhau rồi.

Họ hàng quá thân thiết, những khuyết điểm, hoàn cảnh gia đình, những tai tiếng từ trước nay đều bị lôi ra cả, từ đó về sau trở thành đề tài bàn tán cho mọi người. Qua lại thường xuyên, mối quan hệ giữa họ hàng với nhau có khi còn có thể bị đóng băng.

Cũng có một số họ hàng vì quá thân quen rồi, liền đổi khách thành chủ, hoàn toàn không còn xem mình là khách đến chơi, không còn nể nang, có khi còn tranh chấp với chủ nhà.

Họ hàng lễ nghĩa với nhau, bên nặng bên nhẹ có khi lại làm mất lòng người khác

Quan hệ qua lại giữa người với người chính là “bánh ít trao đi, bánh quy trao lại”.

Điều cần chú ý là bạn tốt với người họ hàng này bao nhiêu thì cũng phải như vậy với người họ hàng kia, nếu không hai người họ hàng có thể sẽ so bì với nhau.

Ví dụ, nếu con gái của gia đình anh họ kết hôn, bạn mừng lễ 500 ngàn, khi con trai của chị họ kết hôn, bạn mừng lễ 300 ngàn. Nếu nghe được chuyện này, chị họ có thể sẽ nghĩ rằng bạn đang “coi thường người khác” và có thể sẽ sinh lòng oán trách.

Tương tự như vậy, nếu bạn chào đón một người họ hàng đến sống tại nhà riêng của mình, những người họ hàng khác sẽ nhìn chằm chằm vào bạn, xem xem bạn tương lai sẽ cư xử như thế nào. Các loại so đo, phàn nàn đều sẽ dần dần bị phơi bày ra hết.

Người xưa nói: “Viêm lương chi thái, phú quý canh thậm vu bần tiện; đố kỵ chi tâm, cốt nhục vưu ngoan vu ngoại nhân”, ý nói rằng thái độ đối xử với người cũng nóng lạnh khác nhau, thường trọng giàu sang, chê nghèo khó; cái tâm đố kỵ có khi khiến cho anh em cốt nhục còn xử ác với nhau hơn cả người ngoài.

ghen ty
Điều cần chú ý là bạn tốt với người họ hàng này bao nhiêu thì cũng phải như vậy với người họ hàng kia, nếu không hai người họ hàng có thể sẽ so bì với nhau. (Ảnh: Miljan Zivkovic/ Shutterstock)

Nhân tình biến hóa, cảm xúc thay đổi, sự bất bình, ghen tỵ, nghi ngờ…, ngay cả những người thân thích như anh chị em cũng không thể tránh khỏi.

Quan tâm người thân đến ở tại nhà riêng của mình không chỉ đơn giản như kê thêm chỗ nằm, thêm vài cái bát ăn cơm. Nếu họ hàng rất giàu đến thăm thì người trong họ có thể sẽ nghĩ bạn tham lam tiền bạc. Nếu là người họ hàng nghèo khó đến chơi, trong lòng bạn lúc nào đó có thể sẽ sinh ra cảm giác bị tổn thất, thiệt hại, tâm trạng cũng khó có thể luôn giữ được vui vẻ.

Nên xử trí thế nào cho phải phép?

Giữa họ hàng với nhau nên quan hệ qua lại như thế nào? Họ hàng từ phương xa đến, nên sắp xếp thế nào cho ổn thỏa?

Đầu tiên, nếu trong lòng bạn muốn đối tốt với họ hàng thì cũng không nên vội vàng tiếp xúc gần gũi, không cần phải tâng bốc, khen ngợi họ, tránh để người ta nghĩ rằng thân thiết vui vẻ thì có thể đòi hỏi. Về tâm lý, cần phải sòng phẳng.

Thứ hai, nếu trong lòng bạn không ưa người họ hàng này thì cũng đừng nên nói thẳng, dù muốn để họ đi cũng tránh động chạm, chứ chưa nói đến việc trách móc gì họ. Thay vào đó, bạn cần kiên nhẫn, tùy theo tình huống để tế nhị diễn đạt ý mình.

Thứ ba, tốt nhất bạn nên thu xếp cho họ hàng ở nhà nghỉ hoặc khách sạn gần nhà mình. Hơn nữa cần kịp thời nói chuyện, chia sẻ rõ ràng về việc thanh toán các chi phí, bố trí việc ăn uống, v.v.

Thứ tư, đối với những người họ hàng gặp khó khăn, chúng ta có thể giúp họ tìm việc làm, giúp họ tự lập thay vì phụ thuộc lâu dài vào bạn.

Mỗi người không thể tự lựa chọn cho mình họ hàng thân thích nhưng có thể lựa chọn cho mình cách ứng xử. Mù quáng cự tuyệt kết giao với người thân hoặc thể hiện thái độ quá nhiệt tình đều sẽ tự chuốc thêm phiền phức cho bản thân. Tốt nhất là nên giữ khoảng cách phù hợp.

Là chủ nhà thì cần hữu hảo khi chào đón họ hàng, không nên tỏ thái độ bất bình. Còn nếu là khách thì trong lòng nên biết ơn và đừng coi việc họ hàng thân thích phải chào đón mình là chuyện đương nhiên.

Một giọt máu đào hơn ao nước lã, đừng quá mệt mỏi để hòa hợp với nhau.

Tống Vân/ theo aboluowang, chuyển tải từ Weibo “Bái y thô thực”

Xem thêm: