Những cây hoa anh đào vốn là biểu tượng cho tình đoàn kết giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ đã bị chặt bỏ trong Thế chiến thứ hai. Ngày nay, chúng lại một lần nữa nở rộ và mang đến hy vọng về hòa bình cho thế giới.

hoa anh đào
(Ảnh: Sean Pavone/ Shutterstock)

Cách đây 111 năm, vào ngày 27/3/1912, Nhật Bản đã tặng cho Washington, D.C. những cây anh đào tuyệt đẹp. Chúng là biểu tượng cho thiện chí của người dân Tokyo và thị trưởng Yukio Ozaki là người đại diện trao tặng cho nước Mỹ. Chuyến hàng ban đầu gồm 3.020 cây anh đào, đại diện cho 12 giống cây ăn quả có hoa khác nhau.

Đệ nhất phu nhân Helen Herron Taft cùng nhiều vị quan chức khác đã cùng nhau trồng chúng xung quanh Tidal Basin vào ngày 28 tháng 3. Kể từ đó, cứ mỗi khi mùa xuân đến, người dân Mỹ lại có cơ hội ngắm nhìn những bông hoa bung nở che rợp một góc trời.

Năm nay, “Lễ hội Hoa anh đào Quốc gia” (National Cherry Blossom Festival) – sự kiện được mong chờ nhất trong mùa du lịch ở thủ đô nước Mỹ – sẽ được tổ chức từ ngày 20 tháng 3 đến ngày 16 tháng 4. 

Nhìn lại lịch sử, thị trưởng Ozaki đã tham dự buổi lễ tặng cây cùng với các quan chức của cả hai bờ Thái Bình Dương.

“Đệ nhất phu nhân và Nữ tử tước Chinda, vợ của đại sứ Nhật Bản, đã trồng hai cây đầu tiên ở bờ bắc của Tidal Basin tại Công viên Tây Potomac, một địa điểm mà ngày nay được tưởng niệm bằng một tấm bảng đồng tại Quảng trường Đèn lồng Đá Nhật Bản”, ban tổ chức Lễ hội Hoa anh đào Quốc gia cho biết.

Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (Japan National Tourism Organization) cho biết: “Hoa anh đào, được gọi là sakura ở Nhật Bản, là loài hoa nổi tiếng khắp thế giới với vẻ đẹp rạng rỡ, tinh tế và phù du. Tuy nhiên, sakura không chỉ là một loài hoa xinh đẹp, chúng còn có mối liên hệ chặt chẽ với lịch sử, văn hóa và bản sắc của Nhật Bản”.

Dịch vụ Công viên Quốc gia Hoa Kỳ (U.S. National Park Service) chia sẻ rằng: “Trong suốt hơn 100 năm, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã cùng nhau kỷ niệm ngày hoa anh đào nở hoa trong tình đoàn kết”.

shutterstock 188677433
(Ảnh: f11photo/ Shutterstock)

Hoa Kỳ và Nhật Bản đã từng có một mối quan hệ bền chặt vào đầu thế kỷ 20. Hoa Kỳ đã hỗ trợ Nhật Bản trong Chiến tranh Nga-Nhật 1904-05 bằng cách chế tạo tàu chiến cho quốc gia này. Hiệp định Taft-Katsura được đàm phán sau cuộc chiến giữa Bộ trưởng Chiến tranh William H. Taft và Thủ tướng Nhật Bản Katsura Taro đã đánh dấu một tuyên bố về lợi ích chung ở Thái Bình Dương.

Những cây anh đào đại diện cho tình đoàn kết được trồng vài năm sau thỏa thuận nhưng không lâu sau đó mối quan hệ giữa hai quốc gia sụp đổ bởi cuộc tấn công bất ngờ của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng vào ngày 7/12/1941. Hơn 2.400 người Mỹ đã thiệt mạng trong sự kiện này.

Những cây anh đào ở Washington, D.C. đã trở thành nơi trút giận cho cơn thịnh nộ của nước Mỹ khi họ bị đẩy vào Thế chiến thứ hai.

“Vào đêm ngày 10/12/1941, một số kẻ phá hoại đã chặt hạ 4 cây ở phía tây của lưu vực. Hai trong số những cây này là mẫu vật ban đầu đến từ năm 1912. Một cây trong đó có vết đánh dấu ‘To Hell With the Japanese’. Nhiều người khăng khăng đòi đặt lại tên cho cây là ‘cây anh đào Phương Đông’. Khách hàng sẽ phàn nàn khi thấy các cửa hàng bán đồ Nhật Bản. Phòng trưng bày Nghệ thuật Freer phải giấu tất cả các tác phẩm nghệ thuật Nhật Bản của họ đi”, Dịch vụ Công viên Quốc gia cho biết.

Tokyo – nơi 33 năm trước đã mang đến cho Hoa Kỳ những cây anh đào được người dân yêu quý – đã bị quân đội Hoa Kỳ tàn phá trong một cuộc ném bom quy mô lớn vào đầu tháng 3/1945. Trận bão lửa đã giết chết khoảng 100.000 người và là trận ném bom đẫm máu nhất trong Thế chiến thứ hai. Số thương vong thậm chí còn nhiều hơn cả các vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima hoặc Nagasaki.

shutterstock 527729869
(Ảnh: Sean Pavone/ Shutterstock)

Ngày nay, khi thảm kịch xung đột vũ trang đã qua đi, những cây anh đào xinh đẹp ở Washington, D.C. lại một lần nữa trở thành biểu tượng của sự đoàn kết quốc tế, mang lại niềm hy vọng về hòa bình giữa các quốc gia sau chiến tranh.

“Sau thất bại của Nhật Bản vào năm 1945, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã dần trở thành bạn bè. Hiện nay, Lễ hội Hoa anh đào Quốc gia là một sự kiện lớn được tổ chức hàng năm ở đất nước chúng ta. Không có tác nhân nào có thể phá hoại những cây hoa này nữa, ngoại trừ việc thỉnh thoảng có hải ly xuất hiện”, Dịch vụ Công viên Quốc gia viết.