Hoa là vật phẩm tốt lành dâng lên Đức Phật bởi chúng mang theo những ý nghĩa đặc biệt, dưới đây là 5 loài hoa may mắn, linh thiêng của nhà Phật.

1. Hoa sen

hoa nhà Phật
Hoa sen. (Ảnh: Topimages/ Shutterstock)

Nhà Phật coi hoa sen là một loài hoa thánh khiết, làm ẩn dụ khi nói về bậc giác ngộ. Hoa sen tượng trưng cho vị Bồ tát sinh ra trong phiền não sinh tử, nhưng không bị quấy rầy bởi phiền não sinh tử.

Trong Phật giáo có 8 bảo vật tốt lành bao gồm: bảo tán (ô báu), song ngư, bảo bình (bình báu), hoa sen, bạch ốc, như ý, bảo tràng (cờ báu) và kim luân (bánh xe vàng).

Do ý nghĩa thiêng liêng của loài hoa này trong Phật giáo nên trong kinh Phật gọi thánh hoa của Phật giáo là “Liên hoa”, Phật quốc là “Liên giới”, áo cà sa là “Liên phục”, thậm chí còn gọi Đức Phật Thích Ca là “Liên hoa vương tử”.

2. Ngọc lan núi

hoa nhà Phật
Hoa Ngọc lan núi. (Ảnh: James Gaither/ Flickr)

Ở lối vào của những ngôi chùa cổ kính trang nghiêm, hương khói vấn vương quanh sân chùa, người ta thường bắt gặp những hàng cây ngọc lan núi uy nghi, tráng lệ với cành xum xuê, lá dày, hoa to như đài sen.

Loài cây này không chỉ mang lại sự mát mẻ và hương thơm cho những người đến dâng lễ mà còn tạo thêm nét huyền bí cho ngôi chùa. Cành cây rậm rạp vươn ra xung quanh một cách tự nhiên, tán lá rộng màu xanh đậm, cành lá đung đưa, tựa như một chiếc ô lớn che phủ ngôi chùa.

Từ tháng 6 đến tháng 7, hoa màu trắng sữa to bằng miệng bát nở trên lá xanh, quả tụ lại đứng thẳng ở giữa, giống như Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen. Đây có lẽ là nguồn gốc khiến ngọc lan núi trở thành loài cây mang ý nghĩa linh thiêng trong Phật giáo.

3. Hoa Mạn-đà-la

hoa nhà Phật
Hoa Mạn-đà-la. (Ảnh: TOMO/ Shutterstock)

Ở Ấn Độ, hoa Mạn-đà-la được gọi là Tứ thiên hoa (Thiên-vũ-mạn-đà-la, Ma-kha-mạn-đà-la, Mạn-thù-sa, Ma-kha-mạn-thù), luôn được coi là hoa nơi cõi thiên giới.

4. Hoa Ưu đàm bà la

hoa nhà Phật
Hoa Ưu đàm bà la. (Ảnh: Bui Minh Hai/ Shutterstock)

Hoa Ưu đàm bà la còn được gọi là hoa Ô đàm bạt la, Ưu đàm bát, v.v., ý nghĩa là linh thiêng, may mắn. Loài hoa này sinh ra ở chân núi của dãy Himalaya và cao nguyên Deccan, Ceylan (Ấn Độ) và một số nơi khác.

Dân gian truyền miệng rằng loài hoa này ba nghìn năm mới khai nở một lần để chào đón Chuyển Luân Thánh Vương và đức Phật đến thế gian, quả là một điều cực kỳ hiếm có.

Trong kinh Phật loài hoa này thường dùng để ẩn dụ về Đức Phật và Phật Pháp khó gặp được. Chẳng hạn như Kinh Pháp Hoa giảng rằng: “Như thị diệu Pháp, chư Phật Như Lai, thì nãi thuyết chi, như Ưu đàm bát hoa, thì nhất hiện nhĩ.” 

Câu giảng này ý nghĩa là: “Pháp vi diệu như vậy, chư Phật Như Lai, chỉ thuyết một lần, như Hoa Ưu Đàm, chỉ xuất hiện một lần thôi.”

Thuật ngữ “Đàm hoa nhất hiện” trong dân gian và văn học chính là xuất phát từ điều này.

5. Hoa cây Bồ đề

hoa nhà Phật
Hoa cây Bồ đề. (Ảnh: Netchanok Sukjaroen/ Shutterstock)

Tên gốc của cây Bồ đề trong tiếng Phạn là cây Tất-bát-la. Bởi vì đức Phật Thích Ca đã ngộ đạo khi ngồi ở dưới gốc cây này, nên cây đã được đặt tên là cây Bồ đề. Bồ đề có nghĩa là giác ngộ, trí tuệ, được dùng để chỉ người đột nhiên thức tỉnh, đột nhiên được khai ngộ, bước trên con đường giác ngộ, nhận ra chân lý, và đạt đến cảnh giới siêu phàm.

Tuy nhiên, khi các vị Phật đắc Đạo, thì cây của họ lại không giống nhau. Ví dụ như: “Phật Tỳ Bà Thi ngồi dưới cây Sa-la, Phật Thi Khí ngồi dưới cây Phân-đà-lợi, Phật Câu Na Hàm ngồi dưới cây Ô-tạm-bà-la-môn, Phật Già Diệp ngồi dưới cây Ni-câu-luật, Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi dưới cây Tất-bát-la.”

Mặc dù khác nhau về cả tên và loại cây nhưng bởi vì các bậc tu hành đều đã tu thành Phật dưới những gốc cây này nên chúng đều được gọi là cây Bồ đề, mang hàm ý thiêng liêng trong đó.