Có nhiều bậc cha mẹ mong muốn con cái của mình lớn lên có thể trở thành những người tài năng và thành đạt, đặc biệt là trong lĩnh vực nghệ thuật. Vì vậy, không ít người đã gò ép trẻ phải học đàn, học vẽ từ khi còn rất nhỏ mà không biết rằng đó thực sự có phải là điều trẻ mong muốn hay không.

Trước vấn đề này, một họa sĩ vẽ tranh phong cảnh nổi tiếng người Pháp, ông Corot đã chia sẻ quan điểm của mình về việc giáo dục cũng như định hướng nghệ thuật cho trẻ từ khi còn nhỏ.

Bắt đầu từ việc thay đổi “mong muốn của cha mẹ”

Theo ông Corot, chúng ta không nên áp đặt trẻ, dù còn nhỏ nhưng trẻ cũng là cá thể độc lập, có sở thích và tài năng riêng của mình. Quan trọng là chúng ta cần phát hiện thấy được sở thích của trẻ. Có nhiều bé thậm chí không hề có hứng thú với nghệ thuật, mà sẽ thích khoa học hay khám phá những mô hình súng, tàu chiến, vũ khí.

Corot cho biết: “Tôi thường hay gặp một vài phụ huynh nói con mình nên học vẽ để sau này có thể trở thành những họa sĩ nổi tiếng. Vấn đề không nằm ở đây, vấn đề là bạn có hiểu con của mình hay không? Bạn có đang quan sát trẻ hay không, trẻ thích điều gì, ghét cái gì, và kỳ thực giáo dục bắt đầu từ đây.”

Điều mà người lớn cần nhất là bình tĩnh quan sát, sau đó đưa con đến nơi mà con hứng thú, đừng bắt ép trẻ đến nơi mà trẻ ghét hoặc không thích thú. Vì vậy, điều đầu tiên cần khắc phục là thay đổi “mong muốn của cha mẹ”, bởi có thể đây chính là điều đáng sợ với trẻ.

Họa sĩ Pháp: “Cha mẹ đừng nói quá nhiều, hãy để trẻ tự làm!”
(Ảnh: Shutterstock)

Giáo dục trẻ vào thời điểm nào là phù hợp nhất?

Đối với trẻ trước 13 tuổi, ông Corot cho rằng không thể giải thích với trẻ thế nào là “đẹp”, thế nào là “cổ đại” và “hiện đại”. Nếu đưa con đi triển lãm tranh, đừng cố giải thích với con, vì con sẽ chẳng hiểu gì mà chỉ cảm thấy phiền phức, chán ghét. Hãy để con thỏa sức ngắm nhìn, nếu thật sự trẻ không muốn xem tiếp thì đưa con ra ngoài, con muốn ăn, muốn chơi hãy để con chơi để giữ sự thuần khiết của trẻ.

Đặc biệt, không được nhồi nhét nhiều chữ cho con quá sớm. Chẳng hạn, thế nào là “bậc thầy”, “nghệ thuật, “đẹp”, “giáo dục”… những điều này đều là do người lớn “nhồi nhét” vào tư duy của trẻ chứ không được phát triển tự nhiên. Trong trường hợp này, “giáo dục” bắt đầu quá sớm.

Đối với những trẻ phát triển sớm, đặc biệt nhạy cảm, có thể nói là có thiên phú thì bạn cần phải để tâm hơn khi trẻ ở độ tuổi 10-15 tuổi. Cần phải nhìn nhận xem rốt cuộc trẻ thích gì, có việc gì trẻ không bỏ được cứ nhất định phải làm, bạn có ngăn cản đến mấy thì trẻ vẫn cố làm hay không. Nếu có, đây thực sự là việc trẻ muốn làm chứ không còn là ý thích nhất thời nữa.

Lúc này nếu trẻ thích vẽ, âm nhạc, viết lách hay thí nghiệm khoa học, bạn nên đưa con đến nơi phù hợp để con được tận mắt trải nghiệm, được hòa mình vào những trẻ khác có cùng sở thích với con. Điều này thực sự có tác động vô cùng lớn với trẻ.

Nhắc tới những khái niệm về lịch sử mỹ thuật, cổ đại, hiện đại hay các trường phái hội họa, ông Corot cho rằng, sau khi trẻ có niềm yêu thích hội họa thực thụ thì sẽ tự nhiên có hứng thú với những từ ngữ này, đồng thời cũng có khả năng lĩnh hội và nhận thức khi tìm hiểu sâu hơn. Quan trọng là phải phát hiện được sở thích và đam mê của trẻ.

Cha mẹ mới là người đóng vai trò quan trọng trong định hướng trẻ

Theo Mạnh Tử, người mà tất cả các em nhỏ trong giai đoạn thơ ấu sùng bái nhất là cha mẹ, vì vậy vai trò của cha mẹ là rất trọng yếu.Trong nhiều trường hợp, cha mẹ thậm chí còn đóng vai trò định hướng cuộc đời con, bởi trẻ sẽ học theo những gì nhìn thấy ở cha mẹ mình, có mong muốn trở thành người giống như cha mẹ, hành xử như cha mẹ, làm các công việc như cha mẹ…

Những hình tượng nhân vật thành đạt nổi tiếng được ghi nhận vào não trẻ cũng chỉ như một dạng mô phỏng, và chắc chắn không thể nào khắc sâu cũng như ấn tượng bằng việc trẻ hàng ngày đều tiếp xúc với cha mẹ.

Trong não của tất cả các trẻ đều có chữ “ghi nhận” này, bạn đưa con đến bất cứ đâu, dù là việc vui vẻ hay buồn lòng, dù trẻ có hiểu hay không, trẻ cũng sẽ ghi nhận lại. Sau khi ghi nhận, có thể sẽ lưu giữ rất lâu, đến khi trẻ hiểu chuyện, được giáo dục, phát triển trí tuệ, trẻ sẽ tìm lại những ấn tượng đã ghi nhận này. Vì vậy làm cha mẹ không hề dễ dàng, bởi bạn đã bắt đầu giáo dục con mà bản thân bạn không hay biết. Nếu việc giáo dục này không đúng cách, có thể vô hình trung gây ảnh hưởng không tốt đến trẻ.

Đừng áp đặt những từ ngữ đánh giá với trẻ

Ông Corot cũng chia sẻ rằng, tại Pháp, có một số giáo viên tiểu học và trung học đưa trẻ đến viện bảo tàng hay triển lãm mỹ thuật. Họ không chỉ đến tham quan, mà giáo viên thông qua tìm hiểu còn giảng giải về một số bức tranh cho trẻ nhỏ. Nhưng nếu không chú ý, việc giảng giải với những từ ngữ áp đặt sẽ ảnh hưởng không tốt đến khả năng nhận định của trẻ. Nghệ thuật cần phải tự mình cảm thụ, chứ không thể thông qua đánh giá của người khác để nhìn xét.

Chẳng hạn, với một bức tranh không được đẹp cho lắm, thì họ sẽ không chê mà chỉ nói rằng, bức tranh này khá thú vị. Việc người lớn áp đặt rằng điều gì đúng, điều gì sai, điều nào tốt, điều nào xấu có thể tạo nên những định kiến và ấn tượng khó quên với trẻ. Do vậy cách tốt nhất là không nên dùng những từ ngữ đánh giá mạnh mẽ, để trẻ tự phát huy năng lực cảm thụ của mình, đồng thời cũng sẽ giữ được bản tính ngây thơ hồn nhiên của lứa tuổi.

Kết luận lại, ông Corot nhấn mạnh rằng, các bậc cha mẹ không nên nói quá nhiều về hội họa hay nghệ thuật với trẻ dưới 13 tuổi, nếu trẻ muốn gì hãy để trẻ tự làm và chúng ta không nên can thiệp quá nhiều!

Bảo Ngọc

Xem thêm: