Người xưa có câu “Tu cái miệng là tu hơn nửa đời người”, vậy nên lời ăn tiếng nói là điều chúng ta phải thực sự lưu tâm chú ý.

Thành công, hạnh phúc hay thất bại, khổ đau nhiều khi cũng đến từ chính cái miệng mà ra. Để có một cuộc sống thanh thản, nhẹ nhàng hãy học cách ăn nói hòa nhã. Nghe thì đơn giản, nhưng để thực hiện điều này đòi hỏi phải rèn luyện và có những cái nhìn đúng đắn.

Sau đây chúng ta sẽ cùng đến với những lời khuyên mà người xưa đã dạy.

1. Không nên nói quá nhiều (Đa ngôn)

“Rượu ngon uống mãi cũng say, người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”.

Khi nói bất kể một điều gì, bạn nên nói ngắn gọn, dễ hiểu để người nghe không cảm thấy khó chịu. Người xưa có câu: “Nói dài, nói dai thành ra nói dại”. Chúng ta chỉ nên diễn đạt đủ ý, nói năng điềm đạm, rõ ràng là được. 

Có một câu chuyện kể về nhà văn vĩ đại người Mỹ Mark Twain. Mark Twain nghe bài thuyết giảng của mục sư tại nhà thờ. Ban đầu, ông rất cảm động trước với bài diễn văn, còn dự định sẽ lấy một khoản tiền lớn để quyên tặng nhà thờ. Nhưng sau vài phút, vị mục sư vẫn tiếp tục nói, còn Mark Twain cảm thấy bắt đầu nhàm chán, và quyết định giảm số tiền này xuống một nửa. Sau 10 phút, khi vị mục sư trên bục vẫn đang huyên thuyên không ngừng, Mark Twain cảm thấy không chịu nổi nữa, ông quyết định sẽ không quyên tặng tiền nữa.

Trong tâm lý, hiện tượng này gọi là “hiệu ứng quá giới hạn”, nghĩa là khi bị kích thích quá nhiều, quá mạnh và thời gian tác dụng quá lâu sẽ dẫn đến tâm lý cực kỳ khó chịu và phản tác dụng.

Vì vậy, trong cuộc sống không nên nói quá nhiều, những người trí tuệ sẽ chỉ nói những lời thích hợp trong những lúc phù hợp.

Hoạ từ miệng mà ra, nói năng cẩn trọng thể hiện nhân phẩm của một người
(Ảnh: pexels.com)

2. Không nên nói năng bộc trực, quá thẳng (Trực ngôn)

“Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”

Nói thẳng nói thật là thói quen tốt. Nhưng trong một số trường hợp thì việc chỉ nói thẳng chứ không nói “khéo” sẽ khiến bạn mất nhiều hơn là được, từ người đúng lại thành người sai. Ví dụ như sếp lúc nào cũng bắt nhân viên ở lại làm đến đêm để thể hiện “Chúng ta đang làm việc hăng say”. Thay vì ngay lập tức đứng lên bức xúc, bạn nên đảm bảo công việc của mình hoàn thành đúng deadline, trong giờ hành chính. Sau đó hẹn gặp sếp để “trà đá”, điềm đạm bày tỏ quan điểm của mình là “Nên làm việc hiệu quả, chứ không nên làm việc quá nhiều”.

Nói thẳng đôi khi sẽ gây tổn thương cho người khác, hãy tìm cách nói mềm mại, hợp tình hợp lý và đảm bảo bạn mang tâm thế tích cực, góp ý chứ không muốn vùi dập người khác.

3. Không nên nói năng ngông cuồng, bất chấp (Cuồng ngôn)

“Xảy chân thì còn đỡ được chứ xảy mồm khó đỡ”

Để tránh vạ miệng, bạn nên nhận thức và phân biệt được khinh – trọng trong từng tình huống giao tiếp. Một khi đã nói ra những lời cuồng ngôn, thiếu suy nghĩ, bạn ắt sẽ phải hối hận về sau. Thứ mà con người có thể thể hiện trước mặt người khác nhiều nhất chính là ngôn từ. Thế nên, khi nói năng, cuồng ngôn là điều tối kỵ. Cuồng ngôn sẽ gây ra sự khó chịu cho đối phương, gây ra thù hận… và dễ rước họa vào người.

ky nang lang nghe la nghe thuat giao tiep chuyen nghiep lang nghe mot cach can than
(Ảnh: thinkstockphotos.com)

4. Không nên nói năng tận diệt một sự việc (Tận ngôn)

“Kim vàng ai nỡ uốn câu, người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời”

Ai cũng muốn bảo vệ quan điểm cá nhân, nhưng nếu vì tự tôn của bản thân mà chà đạp lên lòng tự trọng của người khác thì bạn mới là người gánh tai họa. Ví dụ như bạn muốn bảo vệ dự án Marketing của mình, vậy là bạn họp tất cả các phòng ban lại và bác bỏ hết ý kiến đóng góp của họ. Với sự rạn nứt này, bạn sẽ gánh hậu quả tương tự trong công việc sau này thôi.

Nói năng cần phải hàm xúc và phải để lại một đường lui cho đối phương. Những người sống biết người biết ta sẽ không bao giờ nói lời tận ngôn, thay vào đó họ sẽ để lại cho người khác vài “lối thoát”, lưu lại chút khẩu đức cho bản thân.

5. Không nên nói những lời độc địa (Ác ngôn)

“Đao sang dị một, ác ngữ nan tiêu”

Vết thương do đao kiếm gây ra có thể sẽ phôi pha nhưng những lời ác ý thì mãi găm sâu trong lòng người khác. Những tổn thương trong tâm lý do cái gọi là “ác ngôn” gây ra luôn luôn đau hơn cả những vết thương trên thể xác. Vậy nên bạn hãy cẩn trọng, dùng ngôn từ điềm đạm, lịch sự khi nói chuyện với mọi người.

Embed from Getty Images

6. Không nói năng thiếu suy nghĩ (Khinh ngôn)

“Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”

Câu nói trên ngụ ý nhắc nhở chúng ta đừng nói những lời lẽ thiếu suy nghĩ, thiếu thận trọng. Lời nói ra rồi lại phải đính chính, xin lỗi thì thà không nói sẽ tốt hơn.

Đừng nên dễ dàng hứa hẹn với ai một điều gì nếu điều đó ngoài khả năng của mình. Nếu cứ hứa hẹn rồi bất tín, uy tín của bạn sẽ sụp đổ và bị coi thường.

7. Không nên nói trong lúc tức giận (Nộ ngôn)

Khi nóng giận bạn rất dễ bị cảm xúc chi phối, trở nên mất lý trí. Chính vì vậy, lúc này không nên nói nhiều, cũng không nên đưa ra kết luận gì cả. Bất cứ điều gì bạn quyết định trong lúc tức giận đều sẽ khiến bạn phải hối hận sau này. Người xưa có câu “cả giận mất khôn”. Những lời nói ra trong lúc tức giận sẽ gây tổn thương cho người khác và cả chính bạn.

Hoạ từ miệng mà ra, nói năng cẩn trọng thể hiện nhân phẩm của một người
Nói năng cẩn trọng thể hiện nhân phẩm của một người. (Ảnh: shutterstock.com)

Minh Minh

Xem thêm: