Vào mùa hè năm 1830, Victor Hugo đang phải đối mặt với một thời hạn bất khả thi. Đại văn hào người Pháp đã hứa với nhà xuất bản của mình sẽ cho ra đời một tác phẩm mới. Nhưng thay vì viết lách, ông ấy dành cả năm đó để theo đuổi các dự án khác, tiếp đãi khách khứa và trì hoãn công việc của mình. Quá thất vọng, nhà xuất bản của Hugo đã gia hạn rằng ông phải hoàn tất cuốn sách trong vòng chưa đầy 6 tháng nữa, nó phải được ra mắt vào tháng 2/1831.

Trước “mệnh lệnh” này, Hugo đã vạch ra một kế hoạch lạ lùng để đánh bại cơn trì hoãn của mình. Ông ấy gom hết tất cả quần áo lại và nhờ trợ lý nhốt chúng vào một chiếc rương lớn. Thế là đại văn hào không còn gì để mặc ngoại trừ một chiếc khăn choàng to. Thiếu quần áo thích hợp để ra ngoài, suốt mùa thu và mùa đông năm 1830, ông chỉ còn biết làm việc và viết lách điên cuồng. Vào ngày 14/1/1831, sớm hơn 2 tuần so với hạn chót, kiệt tác “Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà” đã ra đời.

Victor Hugo
Đại văn hào Victor Hugo. (Ảnh: Wikipedia)

Akrasia – Vấn đề muôn thuở của loài người

“Căn bệnh” trì hoãn đã đi theo con người trong hàng thế kỷ. Ngay cả các nghệ sĩ hăng say với công việc như Victor Hugo cũng không tránh khỏi những phiền nhiễu của cuộc sống đời thường. Trên thực tế, đây là một vấn đề muôn thuở vượt quá giới hạn của thời đại, đến nỗi các triết gia Hy Lạp cổ đại như Socrates và Aristotle đã phát triển một từ để mô tả kiểu hành vi này, đó chính là Akrasia. 

Akrasia là một loại trạng thái hoạt động chống lại khả năng phán đoán một cách lý trí của con người. Đó là khi bạn vẫn làm một việc mặc dù bạn biết mình nên làm việc khác. Một cách chưa chặt chẽ lắm, thuật ngữ akrasia có thể được dịch là sự trì hoãn hoặc thiếu tự chủ. Akrasia là thứ ngăn cản bạn làm theo những gì bạn đã định ra. 

Tại sao Victor Hugo đã cam kết viết một cuốn sách và sau đó lại lần lữa mãi trong hơn một năm? Tại sao chúng ta lập kế hoạch, đặt ra thời hạn và cam kết đạt được các mục tiêu, nhưng sau đó không thực hiện được? 

Tại sao chúng ta lên kế hoạch, nhưng rồi không hành động?

Có một lời giải thích cho lý do tại sao căn bệnh trì hoãn cứ quấn chặt lấy chúng ta và tại sao chúng ta lại cho phép akrasia điều khiển cuộc sống của mình. Điều này liên quan đến một thuật ngữ kinh tế học hành vi được gọi là “sự không nhất quán về thời gian”. Sự không nhất quán về thời gian mô tả một xu hướng của não bộ rằng con người chúng ta thường coi trọng những phần thưởng trước mắt hơn những phần thưởng trong tương lai. 

Khi bạn lập kế hoạch cho bản thân, như đặt mục tiêu giảm cân, viết sách hay học ngoại ngữ, lúc ấy bạn thực sự đang lập kế hoạch cho tương lai của mình. Bạn đang hình dung về cuộc sống mong ước sau này và khi bạn nghĩ về tương lai, bộ não của bạn có thể dễ dàng nhận thấy giá trị của những hành động mang lại lợi ích lâu dài. 

Tuy nhiên, khi đến lúc phải đưa ra quyết định, bạn không còn đang lựa chọn cho tương lai nữa mà bây giờ bạn đang ở trong thời điểm hiện tại và bộ não của bạn đang suy nghĩ về bản thân hiện tại. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bản thân chúng ta hiện tại rất thích sự thỏa mãn ngay lập tức chứ không phải sự đền đáp dài lâu. 

Đây chính là lý do tại sao bạn thường lên kế hoạch và đi ngủ với một quyết tâm ngùn ngụt sẽ thay đổi cuộc sống của mình, nhưng khi thức dậy vào sáng hôm sau, mọi thứ lại đâu vào đó và bạn vẫn lại là bản thân mình khi xưa. Bộ não của bạn có rất nhiều nghịch lý, một mặt nó coi trọng những lợi ích lâu dài trong tương lai mà bạn mong ước, mặt khác nó lại không muốn kiên trì khổ luyện mà cần sự thỏa mãn ngay lập tức trong hiện tại. 

Đây cũng là lý do tại sao khả năng “trì hoãn những ham muốn nhất thời” chính là một yếu tố dự báo tuyệt vời cho sự thành công của một người trong tương lai. Hiểu được cách chống lại sức cám dỗ của cảm giác hài lòng tức thì, ít nhất là thỉnh thoảng nếu không phải lúc nào bạn cũng làm được như vậy, có thể giúp bạn thu hẹp khoảng cách giữa nơi bạn đang đứng và nơi bạn muốn đến.

nguoi thanh cong image
(Ảnh: Shutterstock)

Chiến lược đánh bại hội chứng Akrasia

Dưới đây là 3 chiến lược để khắc phục chứng akrasia cứng đầu, đánh bại sự trì hoãn và làm theo những gì bạn đã định ra.

Chiến lược 1: Khóa chặt hành vi của bản thân trong tương lai

Khi Victor Hugo cất quần áo để có thể tập trung vào viết lách, ông ấy đang tạo ra thứ mà các nhà tâm lý học gọi là một “công cụ cam kết”. Công cụ cam kết là sự lựa chọn của bạn trong hiện tại để kiểm soát các hành động của bạn trong tương lai. Đó là một chiến lược để khóa các hành vi, ràng buộc bạn với những thói quen tốt và hạn chế bạn khỏi những thói quen xấu.

Có nhiều cách để tạo một công cụ cam kết. Bạn có thể giảm thiểu việc ăn quá nhiều bằng cách mua thực phẩm theo từng gói thay vì mua số lượng lớn. Bạn có thể tự nguyện yêu cầu được thêm vào danh sách cấm tại các sòng bạc và các trang web poker trực tuyến để ngăn chặn việc sa đà vào những trận cờ bạc trong tương lai. Thậm chí, các vận động viên đang trong giai đoạn bị ép giảm cân phải chọn cất ví ở nhà suốt một tuần để không bị cám dỗ bởi việc mua thức ăn nhanh. Hay một số người phải khóa tài khoản để không bị facebook chiếm mất thời gian nữa.

Tình huống của mỗi người là khác nhau, nhưng thông điệp của chiến lược này là như nhau: các công cụ cam kết có thể giúp bạn tự thiết kế hành vi của mình trong tương lai. Tuy hình thức này có vẻ cưỡng chế và khó đi được lâu dài vì nó không dựa vào sức mạnh ý chí bên trong của bạn lúc này nhưng nó vẫn có hiệu quả rõ rệt. Hãy là một kiến ​​trúc sư thiết kế những hành vi trong tương lai của chính mình thay vì là nạn nhân của chúng.

Thanh cong 2 1
Một hệ thống sẽ giúp bạn dễ dàng tiến gần tới mục tiêu hơn. (Ảnh: Storyblocks)

Chiến lược 2: Giảm bớt khó khăn lúc bắt đầu

“Vạn sự khởi đầu nan”. Có lẽ ai đã từng một phen theo đuổi những mục tiêu, hoài bão của đời mình đều hiểu rất rõ câu nói này. Làm việc gì cũng vậy, hễ bắt tay vào liền sẽ gặp vô số trở lực. Tuy nhiên cảm giác tội lỗi và thất vọng khi trì hoãn công việc thường tồi tệ hơn rất nhiều so với nỗi đau phải chịu đựng để hoàn thành công việc đó. Theo lời diễn giả Eliezer Yudkowsky: “Trong từng khoảnh khắc, cảm giác khó chịu khi làm việc thường ít đau đớn hơn cảm giác khi bạn đang gặm nhấm sự trì hoãn.” 

Thế nhưng, tại sao chúng ta vẫn trì hoãn? 

Bởi vì cái khó nhất không nằm ở bản chất của công việc, khó nhất là làm sao để chúng ta có thể ngồi xuống và bắt đầu công việc. Những trở lực ngăn cản bạn làm việc thường tập trung “tấn công” bạn vào lúc bắt đầu. Có những công việc cho bạn cảm giác chỉ cần nghĩ đến thôi đã không muốn làm rồi. Bạn sẽ tưởng tượng ra những khó khăn bất tận ngay cả khi bạn chưa dấn thân vào cuộc phiêu lưu đó. 

Tuy nhiên chỉ cần đột phá qua bước này, bạn sẽ thấy công việc vốn dĩ dễ dàng hơn bạn tưởng, và cảm giác làm việc cũng không đau đớn đến thế. Đây là lý do tại sao xây dựng thói quen bắt tay vào làm việc thường quan trọng hơn là ngồi lo lắng liệu việc đó có thành công không.  

Bạn phải liên tục giảm thiểu tính ì của mình. Đặt tất cả nỗ lực và năng lượng vào việc xây dựng thói quen làm sao để bắt đầu công việc một cách nhẹ nhàng nhất. Đừng lo lắng về kết quả cho đến khi bạn đã thành thạo bước này.

Chiến lược 3: Lên kế hoạch cụ thể

Hãy nêu ra ý định thực hiện một hành vi cụ thể tại một thời điểm cụ thể trong tương lai. Ví dụ: “Tôi sẽ tập thể dục ít nhất 30 phút tại… vào lúc… ngày… ”

Có hàng trăm nghiên cứu thành công cho thấy ý định thực hiện tác động tích cực đến mọi thứ từ thói quen tập thể dục đến tiêm phòng cúm như thế nào. Trong một nghiên cứu tiêm phòng cúm, các nhà khoa học đã xem xét một nhóm gồm 3.272 nhân viên tại một công ty ở vùng Trung Tây Hoa Kỳ và phát hiện rằng những nhân viên viết ra ngày và giờ cụ thể mà họ dự định tiêm phòng cúm có nhiều khả năng làm theo kế hoạch hơn. 

Có vẻ đơn giản khi nói rằng việc lên lịch cho mọi thứ trước thời hạn có thể tạo ra sự khác biệt, nhưng thật sự là vậy, ý định cụ thể khiến bạn có khả năng thực hiện một hành động trong tương lai cao gấp 2 đến 3 lần.

trì hoãn
(Ảnh: Unsplash)

Chiến đấu với Akrasia 

Bộ não của chúng ta thích những phần thưởng trước mắt hơn phần thưởng dài hạn. Đó chỉ đơn giản là hệ quả của cách trí óc chúng ta hoạt động. Với xu hướng này, chúng ta thường phải dùng đến những chiến lược điên rồ để hoàn thành công việc — như Victor Hugo buộc phải cất hết quần áo để có thể viết sách. Tuy nhiên, nếu mục tiêu của bạn rất quan trọng thì việc xây dựng các chiến lược cam kết như vậy cũng rất đáng. 

Nhà bác học Aristotle đã đặt ra thuật ngữ enkrateia là từ trái nghĩa của akrasia. Trong khi akrasia đề cập đến xu hướng con người đang trở thành nạn nhân của sự trì hoãn thì enkrateia lại có nghĩa là “làm chủ chính mình”

Hãy tự thiết kế các hành vi của bạn trong tương lai, giảm bớt sự va chạm khi bắt tay vào hành động và lên kế hoạch chi tiết là những bước đơn giản mà bạn có thể thực hiện để giúp bạn dễ dàng sống một cuộc sống theo lối enkrateia hơn là akrasia.

Theo James Clear
Đỗ Hoàng

Xem thêm: