Các hội chứng y học hiếm gặp như hội chứng xác sống, hội chứng Alice ở xứ sở thần tiên…rất bí ẩn và rất khó điều trị. Cho đến tận bây giờ các bác sĩ vẫn chưa thể khẳng định nguyên nhân và cách chữa trị dứt điểm cho người bệnh.

1. Hội chứng Alice ở xứ sở thần tiên

Hội chứng Alice ở xứ sở thần tiên
(Ảnh: lassedesignen/ Shutterstock)

Bác sĩ Anne Weissenstein, bác sĩ Elisabeth Luchter và bác sĩ Stefan Bittmann của Viện Tâm trí Nhi khoa ở Gronau, Đức, cho biết Hội chứng Alice ở xứ sở thần tiên (AIWS) là một tập hợp các triệu chứng tạo ra “sự thay đổi về hình ảnh cơ thể”. Người mắc hội chứng Alice ở xứ sở thần tiên (AWS) thường cảm thấy cơ thể mình lớn hơn hoặc nhỏ hơn thực tế. Họ cũng có thể thấy căn phòng đang ở – hoặc đồ nội thất xung quanh – dường như dịch chuyển, khoảng cách xa – gần không đúng thực tế. Hiện tượng này xảy ra là do những thay đổi trong cách thức bộ não nhận biết về không gian xung quanh và cơ thể chứ không phải do các vấn đề về mắt hoặc ảo giác gây ra. Hội chứng này có thể ảnh hưởng đến nhiều giác quan như thị giác, xúc giác và thính giác. Người mắc cũng dễ mất cảm giác về thời gian, trôi qua nhanh hơn hoặc chậm hơn. Hiện tượng này thường xảy ra vào ban đêm. 

Các bác sĩ cho biết nguyên nhân chính xác gây ra AIWS vẫn chưa được xác định rõ, nhưng chứng đau nửa đầu, động kinh thùy thái dương, khối u não và thuốc thần kinh và nhiễm virus Epstein-Barr được cho là một số nguyên nhân phổ biến nhất. Hiện tại chúng ta vẫn chưa có cách điều trị hiệu quả cho AIWS. Kế hoạch điều trị thường bao gồm thuốc và chế độ ăn kiêng dành cho chứng đau nửa đầu.

2. Hội chứng Cotard hay hội chứng xác sống

shutterstock 643073863
(Ảnh: Emily frost/ Shutterstock)

Hội chứng Cotard, đôi khi được gọi là Hội chứng xác sống, là một tình trạng tâm thần kinh tương đối hiếm gặp được mô tả lần đầu tiên bởi Tiến sĩ Jules Cotard, một nhà thần kinh học người Paris, vào năm 1882.

Tiến sĩ Anne Ruminjo, bác sĩ nội trú năm thứ hai khoa tâm thần tại Trung tâm Y tế Beth Israel ở New York, và Tiến sĩ Boris Mekinulov, bác sĩ tham gia đơn vị tại Trung tâm Y tế Do Thái Kingsbrook ở Brooklyn đã từng mô tả tình trạng này thông qua một trường hợp đăng trên tạp chí y khoa Tâm thần MMC.

Các bác sĩ ghi trong báo cáo rằng người mắc hội chứng Cotard sẽ có niềm tin sai lầm về sự hiện hữu của bản thân. Họ thường xuyên cảm thấy cơ thể mình bị “mất nội tạng, máu hoặc các bộ phận cơ thể” hoặc “đã mất linh hồn hoặc đã chết”. Các trường hợp được ghi nhận đều xuất hiện ở bệnh nhân bị “rối loạn tâm trạng, rối loạn tâm thần và các tình trạng bệnh lý”.

“Đối với những người mắc hội chứng Cotard thì điều trị bằng xung điện (ECT) sẽ tốt hơn là điều trị bằng thuốc”, các bác sĩ nói.

Các bác sĩ giải thích về một trường hợp mắc hội chứng Cotard mà họ từng nghiên cứu như sau: Bà L, một phụ nữ Philippines 53 tuổi, được đưa vào khoa tâm thần sau khi gia đình bà gọi cho 911 vì bệnh nhân cứ liên tục phàn nàn rằng bà đã chết, bốc mùi như thịt thối và muốn được đưa vào nhà xác để có thể ở với người chết. Bệnh nhân sợ rằng các nhân viên y tế đang cố gắng đốt cháy ngôi nhà nơi bà đang sống cùng các thành viên trong gia đình. Bà cũng thừa nhận mình cảm thấy vô vọng, năng lượng kém, chán ăn và buồn ngủ. Sau khi được điều trị bằng thuốc trong thời gian nằm viện, bệnh nhân đã không còn bị ảo tưởng nữa, bà bày tỏ hy vọng về một tương lai tươi sáng và mong muốn được tham gia chăm sóc theo dõi tâm thần.

3. Hội chứng nói giọng nước ngoài

shutterstock 708190915
(Ảnh: Antonio Guillem/ Shutterstock)

Theo Đại học Texas tại Trung tâm Callier ở Dallas, Hội chứng nói giọng nước ngoài (FAS) là một chứng rối loạn ngôn ngữ gây ra sự thay đổi đột ngột trong lời nói, khiến người mắc bệnh nói giọng “nước ngoài”. 

FAS thường xuất hiện khi người bệnh bị tổn thương não do đột quỵ hoặc chấn thương sọ não. Một số nguyên nhân khác có thể kể đến là bệnh đa xơ cứng và rối loạn chuyển đổi, tuy nhiên có một số trường hợp bệnh nhân mắc FAS mà không rõ nguyên nhân. 

Cách nói của người bệnh sẽ có sự thay đổi về thời gian ngắt nghỉ, ngữ điệu và vị trí lưỡi, giống như họ đang không nói tiếng mẹ đẻ mà đang nói tiếng “nước ngoài”. Tuy nhiên, Trung tâm Callier nhấn mạnh rằng lời nói của bệnh nhân vẫn “rất dễ hiểu” và không “nhất thiết phải nghe có vẻ lộn xộn”. Các trường hợp FAS đã được ghi nhận trên khắp thế giới. Một số trường hợp còn thay đổi trọng âm từ “tiếng Nhật sang tiếng Hàn, tiếng Anh Anh sang tiếng Pháp, tiếng Anh Mỹ sang tiếng Anh Anh và tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Hungary”.

Một trong các trường hợp FAS nổi tiếng nhất xảy ra vào năm 1941. Bệnh nhân là một phụ nữ 28 tuổi bị một mảnh bom rơi trúng đầu sau khi máy bay ném bom của Anh tấn công thành phố Oslo, Na Uy vào ngày 6 tháng 9 năm 1941. Tình trạng của cô được ghi cụ thể trong một bản tóm tắt y tế của Tiến sĩ Erland Hem, phó giáo sư tại Khoa Y học Hành vi tại Đại học Oslo, Na Uy, và được xuất bản bởi Viện Y tế Quốc gia (NIH). Cô “bị thương nặng” với “một khiếm khuyết lớn ở hộp sọ phía trước bên trái” và các bác sĩ nghĩ rằng cô không thể sống được.

Theo bản tóm tắt y tế, sau khi bất tỉnh từ ba đến bốn ngày, cô tỉnh dậy, bị “liệt nửa người bên phải và mất ngôn ngữ hoàn toàn”. Sức khỏe của cô hồi phục dần, sau hai tháng thì cô được xuất viện. Điều đáng chú ý là tổn thương não đã làm thay đổi cách nói chuyện của cô, cụ thể là cô đã chuyển sang nói bằng ngữ điệu của tiếng Đức. Câu chuyện về trường hợp FAS đã được xuất bản sau chiến tranh bởi nhà thần kinh học người Na Uy – Georg Herman Monrad-Krohn.

Minh Minh/ Theo Foxnews

Xem thêm video hay: Bí ẩn tâm lý Hội chứng Stockholm