Alison Escalante là bác sĩ khoa nhi và tác giả sách tại Mỹ. Bà cho biết nhiều bậc cha mẹ đang lo lắng vì mất kết nối với con cái của họ. Và tỷ lệ lo lắng này đang tăng mạnh ở cả các bậc phụ huynh và con trẻ. Dưới đây là bài viết của bà về một trạng thái tâm lý thường gặp nhưng mang lại lo lắng rất lớn: hội chứng “kẻ mạo danh.”

hoi chung ke mao danh image
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Mỗi năm lại càng có nhiều trẻ chia sẻ với tôi rằng chúng cảm thấy căng thẳng ở trường lớp khi thấy mình không đủ giỏi. Trạng thái này được mô tả là hội chứng “kẻ mạo danh” – nỗi khổ thầm kín của 25-30% những người có thành tích cao. Nhiều trẻ đã mắc phải từ trước khi chúng đến độ tuổi vị thành niên.

Nhiều bậc cha mẹ là những người thành công nhưng lại mang cảm giác mình đang mắc hội chứng “kẻ mạo danh”, họ lo lắng rằng bản thân rồi sẽ lan truyền cảm giác này lại cho con cái mình. Vậy, làm thế nào để cha mẹ phòng tránh hội chứng này cho con trẻ?

Hội chứng “kẻ mạo danh” (impostor syndrome) được nhắc đến lần đầu tiên bởi tiến sĩ tâm lý học Pauline Rose Clance vào những năm 1980, là một tập hợp các triệu chứng khiến người mắc phải vô cùng khổ sở. Họ là những người tài giỏi và thành công thật sự nhưng lại không cảm nhận được điều đó. Họ tin rằng những gì mình đạt được đều là giả và sớm muộn cũng bị người khác phát hiện. Họ cho rằng thành công họ có được là do may mắn chứ không do tài năng. Ngay cả khi được khen ngợi, họ vẫn cho rằng người khác đang nói quá lời và họ không xứng đáng với lời khen đó. Họ tự nhủ rằng “một khi biết rõ, mọi người sẽ thấy mình chẳng tài giỏi chút nào”.

Cha mẹ đã góp phần hình thành hội chứng kẻ mạo danh ở con mình như thế nào?

Cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nên hội chứng “kẻ mạo danh” ở con trẻ. Khi tiến sĩ Clance tiếp xúc với những người trưởng thành có hội chứng này, bà nhận thấy rằng thông điệp ngầm mà cha mẹ gửi đến họ thuở thơ ấu chính là nguyên nhân. Có hai loại thông điệp tạo cho trẻ cảm giác không thật.

Một là những lời phê phán. Đối với hội chứng kẻ mạo danh gây ra bởi yếu tố gia đình này, trẻ thường xuyên phải nghe những lời chê bai. Khi trẻ cứ liên tục nghe cha mẹ nói về những điều không hoàn hảo ở chúng, trẻ sẽ cho rằng ngoài hai từ hoàn hảo thì chẳng có thứ gì khác là quan trọng. Các bậc cha mẹ này chỉ thấy ở con mình sự thiếu hoàn chỉnh so với các tiêu chuẩn ảo tưởng của họ. Như một người phụ nữ từng chia sẻ với tôi: “Em được nuôi dạy với câu: con chỉ ổn khi trở nên thật sự tài giỏi”.

2 cha me khon ngoan phai hoc cach quat mang con image
(Ảnh: shutterstock.com)

Tiến sĩ tâm lý học tại đại học bang Georgia – Suzanne Lawry chỉ ra rằng chủ nghĩa cầu toàn và hội chứng “kẻ mạo danh” có mối liên hệ gần gũi nhưng lại không giống nhau. Nhiều người theo chủ nghĩa cầu toàn không phải là người tài giỏi, họ lựa chọn công việc ít khó khăn để có thể hoàn thành nó một cách hoàn hảo. Ngược lại, người có hội chứng kẻ mạo danh cũng là người theo chủ nghĩa hoàn hảo, đạt được thành công lớn nhưng vẫn cảm thấy thành công đó chỉ là giả. Tiến sĩ Lawry giải thích “Chúng ta biết rằng định nghĩa mâu thuẫn về thành công góp phần hình thành nên hội chứng kẻ mạo danh. Bên cạnh đó môi trường sống với đầy sự phê phán và cạnh tranh cũng góp phần tạo nên hiện tượng này”.

Nhưng còn có một loại thông điệp ngầm khác nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn gây ra hiện tượng “kẻ mạo danh” ở con trẻ. Đó là loại thông điệp thứ hai mà tôi muốn nói tới: những lời khen chung chung, không cụ thể. Tiến sĩ Clance đã nhận thấy loại tác động trên từ giai đoạn đầu nghiên cứu.

Khi cha mẹ khen con mình là nhất nhưng lại không chỉ rõ nhất về cái gì, vô hình chung sẽ tạo nên những chuẩn mực siêu tưởng. Những câu như “Con là đứa trẻ thông minh nhất thế giới! Con là học sinh giỏi toán nhất trường! Con là họa sĩ tài năng nhất từ trước đến giờ!” mang tính kỳ vọng, gây áp lực lên con trẻ.

Tiến sĩ Clance cho biết: “Các bậc cha mẹ hay nói với con mình rằng ‘con có thể làm được bất kì chuyện gì con muốn,’ nhưng điều đó không đúng. Ý tôi là, trẻ có thể làm nhiều việc, nhưng có một số việc là không thể, chúng không có khả năng làm được hết tất cả mọi thứ trên đời này. Và khi không làm được, chúng sẽ cảm thấy xấu hổ”.

Bà cũng chia sẻ câu chuyện về những đứa trẻ cố tình che giấu điểm tốt, nhưng chưa hoàn hảo của mình vì không muốn cha mẹ thất vọng. Chúng tự nhủ “cha mẹ nghĩ mình có thể làm tất cả nhưng mình không thể. Và mình không muốn cha mẹ biết điều đó”.

Kiểu suy nghĩ muốn che giấu cả thất bại lẫn những thành công không đủ lớn sẽ tạo nên cảm giác không thật ở trẻ. Khi một đứa trẻ chỉ cho thấy những mặt tốt nhất và che giấu tất cả những điều khác về mình, chúng sẽ dần cảm thấy không thật về chính bản thân.

>> Thành thật nhưng thiếu lòng trắc ẩn cũng là một dạng của “ác”

Vậy cha mẹ có thể làm gì để phòng tránh?

Lời nói của cha mẹ có ảnh hưởng to lớn đối với con
(Ảnh: Shutterstock)

Khi được hỏi bà sẽ khuyên các bậc cha mẹ nên làm gì, tiến sĩ Clance đáp: “Tôi nghĩ cần quan sát xem trẻ làm tốt việc gì và hỏi xem chúng nghĩ mình làm tốt được việc gì. Đồng thời, cũng cần lắng nghe về những khó khăn của chúng. Bạn biết đấy, hãy giúp con trẻ có cái nhìn chân thực về điều chúng có thể và không thể làm, đồng thời động viên chúng. Đừng bao giờ nói: ‘con có thể làm bất cứ điều gì con muốn’. Khi đó, trẻ sẽ bắt đầu nghĩ: Mình giỏi khi làm việc gì? Điều gì gây khó khăn cho mình? Mình có thể làm gì để cải thiện khả năng còn yếu kém? Hoặc ít nhất, mình có thể làm gì để được xem là đủ tốt?”

Liều thuốc cho sự cầu toàn chính là lập ra tiêu chuẩn “đủ tốt là được”, và đó là một vấn đề khó tiếp thu cho rất nhiều người trong số chúng ta. Cảm giác lo âu thường khiến chúng ta cảm thấy những lỗi lầm thường đi kèm với rủi ro, hoặc cảm thấy mình kém cỏi. Nhưng nếu cha mẹ dạy con xem lỗi lầm như là một phần trong quá trình phát triển chứ không phải là kết quả cuối cùng, điều đó sẽ xoa dịu được sự lo âu của chúng.

Tiến sĩ Clance cho biết thêm “Hãy giúp trẻ nhận ra rằng một sai lầm chẳng là gì cả; đa phần thì bạn luôn có thể bù đắp lại được”. Khi một người hiểu rằng lỗi lầm chỉ là minh chứng rằng họ đang cố gắng và học hỏi, lúc đó chẳng ai có thể nói họ đang mạo danh điều gì đó.

Bên cạnh việc đối mặt với những sai lầm, các lời khen cụ thể cũng không kém phần quan trọng. Ví dụ như: “Con rất ngoan khi chủ động dọn dĩa ăn của mình sau bữa tối mà không cần mẹ nhắc nhở.” Khen ngợi những cố gắng chứ không phải kết quả là cách rất tốt giúp hình thành sự tự tin ở trẻ. Chẳng hạn như: “Cha thấy con dành nhiều thời gian và công sức vào bức vẽ này. Con dùng rất nhiều màu sắc khác nhau. Con kể cha nghe về bức tranh này đi?”

Tiến sĩ sử dụng từ “lắng nghe” rất nhiều lần. Bà nói: “Tôi nghĩ việc quan sát trẻ là rất quan trọng. Dành một chút thời gian thôi, dù là khi bạn đang vội, để thật sáng suốt và lắng nghe chia sẻ của con bạn.”

Hãy lắng nghe, thật sự lắng nghe, là cách chúng ta khiến trẻ cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ. Đó là cảm giác trái ngược với những gì người mắc chứng kẻ mạo danh – người luôn ẩn mình sau lớp mặt nạ – cảm nhận.

Tóm lại, vấn đề chính ở đây là gì? Điều gì có thể giúp trẻ tránh sa vào cảm giác “mạo danh”? Tiến sĩ Clance tin rằng “nhìn chung, trẻ cần cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm, đó chính là điều tạo nên sự khác biệt”.

Theo Alison Escalante M.D.
Thúy Anh dịch