Thói quen vừa ăn vừa xem laptop đặc biệt phổ biến với những người làm văn phòng. Cho dù quỹ thời gian eo hẹp và bạn muốn tranh thủ giải trí hay làm việc đi nữa, thì cũng hãy gập laptop lại để không phải chịu những hậu quả tệ hại dưới đây.

1. Đầy hơi và khó tiêu

Bạn cần ngồi thư giãn trong lúc ăn thì quá trình tiêu hóa mới diễn ra trơn tru. Nhai kỹ thức ăn sẽ giúp bạn tiêu hóa dễ dàng hơn. Tất cả các thiết bị có màn hình, mà phổ biến nhất là laptop và điện thoại, sẽ làm bạn phân tâm khỏi việc ăn uống – ăn gì và ăn như thế nào – khiến bạn bị đầy hơi và khó tiêu.

vừa ăn vừa dùng laptop
(Ảnh: Shutterstock)

2. Không kiểm soát được lượng thức ăn

Càng làm nhiều nhiệm vụ một lúc, bạn càng khó tập trung hơn. Với trường hợp bạn dùng laptop để làm việc trong giờ ăn trưa, tuy có thể hoàn thành xong công việc nhưng phân tâm trong lúc ăn uống sẽ làm bạn không kiểm soát được lượng thức ăn nạp vào. Bạn có khả năng ăn nhiều hơn mức cho phép, tương lai có thể bị tăng cân, tệ hơn nữa là mắc bệnh béo phì. Vừa ăn vừa xem TV cũng khiến bạn tiêu thụ quá mức calo giống như khi dùng laptop.

3. Ăn quá nhanh

Ăn uống chậm rãi sẽ giúp bạn tiêu hóa tốt hơn, kiểm soát cân nặng tốt hơn, nạp dinh dưỡng tốt hơn. Càng nhai kỹ, nước bọt càng trộn kỹ với thức ăn. Nước bọt có 98% là nước nhưng nó cũng chứa các enzym quan trọng, hợp chất kháng khuẩn, chất nhầy, và chất điện phân. Các enzym trong nước bọt tạo ra phản ứng hóa học ban đầu để “giảm tải” cho các công đoạn tiêu hóa về sau. 

Khi bạn nhai kỹ, mảnh thức ăn nhỏ sẽ dễ được bao bọc bởi enzyme tiêu hóa, quá trình này giúp cơ thể nhanh chóng hấp thu dinh dưỡng cần thiết. Bên cạnh đó, khi ăn quá nhanh, bạn cũng sẽ tiêu thụ nhiều calo hơn. Đó là lý do tại sao bạn nên gập laptop lại để tập trung vào bữa ăn. 

vừa ăn vừa dùng laptop
(Ảnh: Shutterstock)

4. Cảm giác chưa đủ no và không ngon miệng

Ăn trước màn hình máy tính làm bạn chú ý đến những gì diễn ra trên màn hình hơn là chính món ăn. Ăn uống một cách vô tâm khiến bạn không trải nghiệm bữa ăn một cách đúng đắn. Các nghiên cứu cho thấy, thói quen này làm cho món ăn “có vẻ” kém ngon hơn và bạn cũng nghĩ rằng mình chưa đủ no.

5. Chìm trong đồ ăn nhanh

Một lý do khác khiến bạn không nên ăn trước màn hình điện thoại, TV, máy tính là bạn dễ chọn số lượng thức ăn hơn chất lượng. Các thực phẩm đã qua chế biến (thức ăn nhanh) là lựa chọn tiện lợi hơn cả vì chúng dễ lấy hơn. Không có gì bất ngờ khi bạn ăn hết vài gói khoai tây chiên trong lúc xem một bộ phim. Không những thế, lên mạng sẽ làm bạn gặp các quảng cáo đồ ăn vặt, bạn sẽ dễ buông lỏng bản thân và mua về ăn thử.

vừa ăn vừa dùng laptop
Tác hại khôn lường khi vừa ăn vừa dùng laptop. (Ảnh: Shutterstock)

6. Ăn vặt nhiều hơn

Một nghiên cứu cho thấy dùng bữa trước máy tính sẽ khiến bạn ăn nhiều hơn vào lúc sau. Nửa giờ sau bữa trưa, những người tham gia ăn trước máy tính ăn nhiều bánh quy hơn những người ăn không bị phân tâm. Các nhà nghiên cứu gọi đây là hiện tượng “ghi nhớ bữa ăn”. Ăn trước máy tính khiến chúng ta gần như quên mất bữa trưa của mình gồm những gì và có xu hướng muốn ăn thêm sau đó.

7. Có hại cho trẻ em

Ngày nay, trẻ em nghiện các món đồ công nghệ từ rất sớm. Cha mẹ dùng điện thoại hay laptop như một ‘chiếc phao cứu sinh’ để dỗ con ăn ngoan hơn. Tuy nhiên, thói quen này sẽ gây ra nhiều tác hại xấu với trẻ (tương tự như với người lớn) như mất tập trung trong lúc ăn, ăn quá nhiều, thèm đồ ăn vặt… Và khi cha mẹ đã hình thành thói quen đó cho một đứa trẻ, sẽ rất khó để chúng cai nghiện các món đồ công nghệ, tạo ra một thói quen ăn uống không lành mạnh.

Vua an vua dung laptop 4
(Ảnh: Shutterstock)

Minh Minh
Theo Bright Side

Xem thêm: