Tại sao một số người rất khó nói lời xin lỗi? Thật ngạc nhiên là 2 từ tưởng chừng đơn giản ấy lại thật khó cất thành lời.

xin lỗi
(Ảnh: Pixabay)

Tôi đã có được một món quà đặc biệt trong những năm qua. Đó chính là trải nghiệm với những người mà bạn có thể gọi là “kẻ không bao giờ biết xin lỗi”. Tại sao tôi lại cho điều này là một món quà? Tôi tha thiết muốn nghe lời xin lỗi từ họ và kết quả là chẳng nhận được bất cứ điều gì đúng như kỳ vọng. Chính điều này đã thúc đẩy tôi tiến hành một cuộc điều tra tâm lý của những hành vi xung quanh lời xin lỗi, cũng như mối quan hệ giữa tôi và chúng. 

Tôi cũng dành nhiều thời gian tự hỏi tại sao một người lại có thể từ chối nói lời xin lỗi ngay cả khi họ biết mình đã gây tổn hại cho người khác, hay thậm chí nếu có thừa nhận lỗi sai, họ cũng không phải chịu nhiều trách nhiệm. 

Gần đây, một người bạn của tôi đã từ chối nói xin lỗi khi cô đặt nhầm chỗ món đồ mà cô đã mượn của tôi. Món đồ ấy đã không ở đúng chỗ khi tôi cần. Vậy thì sao nào? Chỉ một câu nói đơn giản: “Mình xin lỗi” thôi cũng có thể đưa tất cả câu chuyện vào quên lãng trong vỏn vẹn vài giây. Tuy nhiên, hai từ đó đã không bao giờ được nói ra, và tôi tỏ ra bực mình, tức giận. Tôi truy cầu một lời xin lỗi cho một việc mà tôi thực sự chẳng mấy quan tâm. 

Tâm lý đằng sau lời xin lỗi 

Ở cấp độ cơ bản nhất, hành động nói lời xin lỗi là sự thừa nhận đã làm sai điều gì đó. Đối với một số người, họ gần như không thể thừa nhận hành vi sai trái, ngay cả khi họ cảm thấy tồi tệ về hành động của mình và biết mình đã sai. Thật kỳ lạ khi chứng kiến điều này. Những người không bao giờ xin lỗi kiểu đó có thể tự tâm cảm thấy hối hận  trong khi họ vẫn đang khăng khăng bảo vệ bản thân, và cho dù lời xin lỗi sẽ xóa đi lỗi lầm của họ.

Để nhận lỗi về mình khi làm sai điều gì đó cần lòng tự trọng hoặc sức mạnh bản ngã nhất định. Những người đang trong tâm trạng vô cùng bất an có thể cảm thấy khó xin lỗi, một phần vì một sai lầm nhỏ có khả năng xóa bỏ toàn bộ giá trị bản thân họ. Suy nghĩ rằng một người có thể mắc sai lầm mà vẫn là một người tốt và có giá trị là điều không tưởng đối với một người thiếu lòng tự trọng nghiêm trọng.

Một lời xin lỗi là sự thừa nhận về khả năng mắc sai lầm, điều này có thể kinh động đến một cái hồ khổng lồ chứa đựng cảm giác kém cỏi và xấu hổ của họ, từ đó đe dọa phá hỏng hình ảnh mỏng manh mà họ đã xây dựng về bản thân. Đối với một người luôn nhạy cảm với việc giá trị bản thân bị tổn hại, thì hành động thừa nhận lỗi sai có thể tương đương với sự hủy diệt. 

Cũng có những người đã trải qua tuổi thơ không ngừng bị người khác đổ lỗi, từ đó đã hình thành một tâm lý và quan niệm rằng bản thân phải chịu trách nhiệm hoặc bị trừng phạt về mọi vấn đề phát sinh. Khi trưởng thành, những người này sẽ thường đi theo một trong hai xu hướng. Một là họ sẽ xin lỗi về mọi thứ, kể cả những việc họ không gây ra. Hai là họ sẽ từ chối xin lỗi về tất cả mọi thứ, bao gồm cả những rắc rối hay lỗi sai họ gây ra.

Những người không xin lỗi đã quyết định, một cách vô ý thức hay cố ý, rằng họ sẽ không bao giờ nhận lỗi dưới bất kỳ hình thức nào. Họ chặn mọi cánh cửa liên quan đến việc bản thân phải thừa nhận sai sót. Đối với kiểu người này, việc nói xin lỗi khiến trải nghiệm tồi tệ đau thương vì bị chỉ trích hoặc cảm thấy tội lỗi của bản thân bị đụng chạm. Vì đã từng bị đổ lỗi một cách bất công cho mọi sai trái, cả những gì mình không gây ra, họ chỉ đơn giản là chán ngán, nguội lạnh không còn tâm ý nào mà muốn chịu trách nhiệm nữa. 

Hệ quả sau đó là những người này không xin lỗi vì họ thiếu đi sự đồng cảm. Họ không thực sự cảm thấy áy náy cho dù bạn bị tổn hại bởi hành động, việc làm của họ. Họ tin rằng lời xin lỗi chỉ phù hợp khi họ cố ý gây hại đến bạn. Không có lời xin lỗi nào là xứng đáng được nói ra khi nỗi đau bạn đang gánh chịu không phải họ cố ý đem đến, và do đó không được tính là lỗi của họ. Theo logic kiểu đó, sự tổn thương của bạn, tự bản thân nó không có giá trị cụ thể nào với họ. 

Tôi chỉ đề cập đến một số khía cạnh giải thích vì sao một cá nhân không bao giờ xin lỗi. Tuy nhiên, còn có nhiều nguyên nhân khác khiến một số người không thể hoặc sẽ không nói xin lỗi một người khác. Có thể nói lời xin lỗi là có khả năng chấp nhận bị thương tổn, và điều này quả thực đối với một số người mà nói là quá đáng sợ, quá tồi tệ và quá nguy hiểm. 

Khi một cá nhân nói: “Tôi xin lỗi”, đó có nghĩa là người ấy quan tâm đến cảm nhận của bạn và việc bạn bị phương hại hay tổn thất thế nào. Họ đủ quan tâm đến bạn để sẵn sàng gạt bỏ cái tôi của họ sang một bên, ngừng chăm chăm bảo vệ bản thân để lắng nghe trải nghiệm của bạn. Họ quan tâm đến bạn nhiều tới mức thừa nhận rằng họ cũng không hoàn hảo. 

xin loi 2
(Ảnh: Erhan Inga/Shutterstock)

Món quà của lời xin lỗi chân thành

Nhận được một lời xin lỗi chân thành chẳng khác nào được trao tặng một món quà tuyệt vời ngoài sức tưởng tượng. Đó là khi bạn cảm thấy được lắng nghe, chấp nhận, thấu hiểu và có giá trị. Hầu hết mọi thương tổn đều có thể được chữa lành bằng một câu “Tôi xin lỗi” chân thành. Khi một người nhìn thẳng vào mắt chúng ta và nói họ rất lấy làm tiếc vì lỗi sai của họ đã làm khổ chúng ta thế nào, chúng ta cảm thấy được tôn trọng. 

Khi ai đó xin lỗi chúng ta, chúng ta sẽ cảm thấy mình là đúng dù vẫn đang trong tâm trạng khó chịu. Người nhận lỗi chịu trách nhiệm ở một mức độ nào đó về hành động họ gây ra, dù là cố ý hay vô tình. Và lúc ấy, chúng ta sẽ cảm thấy thư giãn, giải tỏa. Chúng ta không còn phải tranh đấu để chứng tỏ quan điểm của mình là đúng, mình xác thực là người bị tổn hại, và điều đó quan trọng với chúng ta. 

Gần đây, tôi đã trò chuyện với một người bạn của mình về một vài điều cô ấy đang làm và chúng có thể phá hỏng tình bạn giữa chúng tôi ra sao. Tôi lo lắng khi phải thảo luận việc này với cô ấy, vì tôi đã có trải nghiệm va chạm với những người không bao giờ xin lỗi. Tuy vậy, mối quan hệ này quan trọng với tôi, và tôi không thể ngồi đó làm ngơ để tình bạn bị hủy hoại như vậy. Tôi cần phải chỉ ra những chỗ chưa đúng. Tôi phải nắm lấy cơ hội này để giãi bày sự thật với cô ấy, một cách tử tế và với thiện chí, chỉ có như vậy mâu thuẫn giữa chúng tôi mới có thể được cải thiện. 

Những gì diễn ra sau đó quả là một phép màu. Tôi đã nói cho cô ấy biết mọi chuyện, cảm nhận chân thực của tôi khi cô ấy làm những hành động đó là thế nào, tôi thấy bị tổn thương ra sao. Cô ấy lắng nghe và sau đó khiến tôi kinh ngạc. Cô nói xin lỗi! Cô xin lỗi vì mình đã gây ra sai sót này, dù cô ấy chỉ là vô tình thôi, và cô cũng không biết hành động của mình lại gây ra hậu quả như thế. Cô ấy tiếp tục nói nhiều những lời ấm áp khác nữa, nhưng cô ấy thực sự không cần phải làm như vậy, bởi chỉ cần “xin lỗi” thôi cũng khiến tôi mát lòng mát dạ rồi. 

xin loi 1
(Ảnh: fizkes/Shutterstock)

Bài viết này không phải mục đích để bày cách hay thuyết phục những người không bao giờ xin lỗi phải xin lỗi vì tôi đã nhiều lần thất bại khi muốn làm điều đó trong đời. Tuy nhiên, điều khiến tôi trở nên tốt hơn là học cách chấp nhận những gì không thể cải biến và dành ít năng lượng hơn để đấu tranh truy cầu cho một lời xin lỗi từ một người không đủ năng lực để làm vậy. 

Tôi cũng coi nhẹ hơn tâm mong cầu lời xin lỗi từ người khác của mình. Thay vào đó, tôi lấp vào khoảng trống trong tâm mình bằng lòng nhân ái và sự hiểu biết rằng mình đang làm điều đúng đắn mà tôi đang tìm kiếm. Khi tôi càng rèn luyện bản thân qua việc thực hành chấp nhận mình sẽ không nhận được lời xin lỗi, tôi càng coi nhẹ việc phải có được lời xin lỗi từ người khác để chứng tỏ mình đúng. 

Khi bị người khác làm tổn hại, cơ thể chúng ta rất cần một lời xin lỗi để có thể cảm thấy thư giãn, nhanh chóng loại bỏ nỗi đau và tiến về phía trước. Nhưng đôi lúc, chúng ta chẳng có thể được điều mình mong muốn. Chúng ta cần học cách tự mình giải tỏa mà không cần sự trợ giúp, thúc đẩy của một lời xin lỗi. Tin tưởng và biết rằng nỗi đau của chúng ta xứng đáng nhận được sự quan tâm, và điều chúng ta tin tưởng là đúng đắn và chính đáng, chính là bước khởi đầu của quá trình tự chữa lành thương tổn.

Hãy trân trọng giá trị sâu sắc của một câu nói “Tôi xin lỗi” giản đơn và chân thành. Khi bạn may mắn nhận được lời xin lỗi như vậy, hãy đón nhận nó. Hãy cảm nhận sự nghiêm túc và thiêng liêng trong hành động này của người khác. Họ đã sẵn lòng chấp nhận việc bản thân có thể bị thương tổn và quyết định nhận trách nhiệm về mình, quan tâm đến bạn và gạt cái tôi của họ sang một bên. Điều này quả thực là một món quà đáng giá. 

Do đó, khi bạn nhận thấy có một cơ hội để nói lời xin lỗi, hãy thoải mái và trao trải nghiệm tuyệt vời này cho người khác. Nó sẽ giúp bạn thăng hoa và nhảy ra khỏi vùng an toàn của mình. Hãy cho đi và trở nên rộng lượng. Và khi có cơ hội, hãy trân trọng giá trị của món quà bạn trao đi. “Tôi xin lỗi” và “Cảm ơn” thực sự là hai mặt không thể tách rời của một đồng xu. 

Tác giả Nancy Colier là một nhà tâm lý trị liệu, diễn giả, trưởng hội thảo và là tác giả của một số cuốn sách về tỉnh thức và phát triển bản thân. Để biết thêm thông tin, hãy truy cập NancyColier.com

Hoa Minh biên dịch, theo The Epoch Times

Xem thêm: