“Đạo Đức Kinh” có câu: “Thiên hạ nan sự, tất tác ư dị; thiên hạ đại sự, tất tác ư tế. Thị dĩ thánh nhân chung bất vi đại, cố năng thành kỳ đại.” Nghĩa là việc khó phải bắt đầu làm từ dễ, đại sự trong thiên hạ trước tiên bắt tay tự việc nhỏ. Thánh nhân từ đầu chí cuối đều không làm việc lớn nên mới có thể thành đại sự. Đạo lý này cũng chính là kỹ năng sống phù hợp với mọi phương diện trong thực tế như học tập, công việc, tu thân dưỡng tính…

stress, căng thẳng, công việc
Bắt đầu từ việc dễ – Kỹ năng sống thực hành trong công việc (Ảnh: Shutterstock)

Việc khó làm từ dễ

Trong sách Hậu Hán Thư kể rằng thời Đông Hán có một thiếu niên tên là Trần Phồn, tính tình cao ngạo, thường muốn làm nên đại nghiệp. Một hôm, người bạn Tiết Cần tới thăm ông, thấy nhà cửa bẩn thỉu, ngổn ngang, bèn khuyên ông nên quét dọn cho sạch sẽ. Trần Phồn ngẩng đầu lên nói: “Đại trượng phu quét họa hại trong thiên hạ, chứ không phải một căn nhà.” Bạn ông đáp rằng: “Một nhà không quét, sao có thể quét cả thiên hạ?”

“Cảnh sắc cố hương” là danh khúc kinh điển nhạc sỹ người Nhật Sojiro sáng tác, rung động lòng người. Một lần nọ, Sojiro nghe Uyển Như diễn tấu sáo Ocarina (một dạng sáo ống làm bằng sứ) bay bổng như thanh âm đến từ thiên thượng, nên tự cảm thấy hổ thẹn.

10 năm sau, ông đi vào núi sâu rừng già, tận tâm đắp lò, nung sứ, mài sáo Ocarina. Một tháng ông làm được khoảng 120 cây sáo, làm hết cây này tới cây khác, và bỏ đi hết cây này tới cây khác. Tới hơn một vạn cây cuối cùng cũng chế tác được một cây có âm sắc như trong mộng. Hễ nghe là giai điệu đi thẳng vào tâm hồn, được thu thập trong Album “Cảnh sắc cố hương”.

10 năm tâm huyết và mày mò từng chút một, khiến ông trở thành bậc đại sư âm nhạc nổi tiếng không chỉ tại Nhật và trên toàn thế giới. Ông ngồi vững trên chiếc ghế đệ nhất về kèn Ocarina.

Quá trình làm những việc nhỏ đơn giản chính là quá trình tôi rèn tâm trí, chính lại tâm thái bản thân, cũng là quá trình đặt định cơ sở cho những việc đại sự. Nếu tâm nguyện quá lớn nhưng lực bất tòng tâm cũng chẳng thể thành đại sự. Dẫu làm người hay làm việc, điều cấm kỵ là hấp tấp nóng vội, nông cạn hời hợt. Cần chú ý tới tiểu tiết, bắt đầu làm từ việc nhỏ. Đại lễ không chối bỏ tiểu tiết, tiểu tiết lại quyết định thành bại.

Đại sự bắt đầu từ việc nhỏ

Một nhân viên lâu năm đề xuất được thăng chức, tăng lương với giám đốc. Giám đốc chưa bày tỏ thái độ gì, chỉ bảo cô liên hệ với một khách hàng quan trọng, hỏi xem khi nào họ có thể tới tham quan công ty.

Ngày hôm sau, người nhân viên lâu năm này xuất hiện trong văn phòng của giám đốc. Giám đốc hỏi cô khách hàng khi nào tới, cô trả lời là tuần sau. Giám đốc lại hỏi thời gian cụ thể là khi nào? Cô nói cô không biết. Giám đốc hỏi tiếp, có mấy người tới? Cô cũng không trả lời được, mặt đỏ ửng cả lên.

Giám đốc gọi một nhân viên mới được thăng chức tăng lương vào báo cáo tình hình. Giám đốc chưa kịp hỏi cô nhân viên này đã nói: “Khách hàng sẽ tới tham quan công ty vào thứ 3 tuần sau. Số hiệu chuyến bay là CA1701, hạ cánh lúc 15:30, đoàn có 3 người. Tôi đã sắp xếp một xe tới sân bay đón khách.”

Hóa ra, giám đốc đồng thời giao nhiệm vụ cho cả hai người.

Giám đốc nói với người nhân viên lâu năm rằng làm tốt một việc đơn giản mới có thể làm được những việc phức tạp, mang tính thách thức. Cô tâm phục khẩu phục và không còn đề cập tới chuyện thăng chức, tăng lương nữa.

Mọi việc khó đều cần bắt đầu từ những chuyện đơn giản, đây chính là một kỹ năng sống. Việc đơn giản làm không tốt cũng chớ mong có thể đảm đương đại sự phức tạp. Làm tốt những việc nhỏ chứng tỏ tư duy logic và năng lực của họ luôn ở trong trạng thái ổn định, như vậy tài năng mới có thể dần dần hé lộ.

Núi cao không chê đất thấp nên hùng vĩ, biển rộng không chê sông nhỏ mới bao la. Muốn thành đại nghiệp cần phải nhớ kỹ năng sống này: Việc khó làm từ dễ, đại sự bắt đầu từ những việc nhỏ.

Lê Minh