Trong quá khứ, tôi đã quen với việc trốn chạy nỗi đau này khi còn nhỏ, trước mặt người khác, tôi luôn cố ý giả vờ là gia đình mình rất hạnh phúc.

Thế nhưng khi lớn lên và có con, bản thân tôi lại làm tổn thương con trai bé bỏng mà tôi không muốn làm tổn thương nhất. Khi đó tôi thường không kiểm soát được cảm xúc của mình, nói một đằng làm một nẻo trước mặt con, đối với đứa trẻ cần tìm cảm giác an toàn thì khó mà hiểu được tâm trạng mâu thuẫn của cha mẹ.

Ký ức về bạo lực gia đình thời thơ ấu khó có thể xóa nhòa
(Ảnh minh họa/Shutterstock)

“Đứa trẻ này thật là đáng đánh!”

Tôi đã học được cách bào chữa cho việc “đánh con” ở đâu vậy? Có lẽ là vì khi bị bố mẹ đánh lúc còn nhỏ, bố mẹ tôi thường hay nói như thế, vì vậy vô hình chung điều này đã tồn tại trong đầu tôi. Bây giờ sau khi đã có con, lúc con làm sai việc gì đó, tôi sẽ cho rằng nó đã làm những việc “đáng đánh”.

Là phụ huynh, chúng ta phải suy ngẫm xem rốt cuộc nên dùng những lời nói kiên quyết nhưng nhẹ nhàng ấm áp hay dùng những từ ngữ đe dọa nạt nộ để trò chuyện cùng con? Điều bất ngờ là, có rất nhiều bậc phụ huynh ngược đãi con trẻ thường không cho rằng hành vi hoặc lời nói của mình là ngược đãi đối với con. Bởi vì chẳng có ai muốn gánh cảm giác tội lỗi cả, vì vậy tự nhiên cũng sẽ bào chữa một cách hợp lý hóa cho hành vi bạo lực của mình.

Thế nhưng, việc dùng bạo lực để dạy dỗ con trẻ chỉ cần có lần đầu tiên thì sẽ có lần thứ hai, lâu dần việc này sẽ trở thành một thói quen. Ban đầu có thể chỉ là đánh nhẹ, sau đó sẽ ngày càng mạnh hơn. Dù là người đánh hay bị đánh đều sẽ dễ sinh ra xu hướng bạo lực. Vì vậy cần phải loại bỏ hoàn toàn nạn bạo lực gia đình.

Vậy thì phải làm thế nào mới có thể ngăn chặn được vấn đề này? Đầu tiên, người bị hại phải thành thật đối diện với nỗi đau do bạo lực gia đình gây ra, hơn nữa còn phải dũng cảm lên án vấn đề này. Dù trong bất cứ tình huống nào, bất cứ ai cũng không nên chịu sự ngược đãi của nạn bạo lực, cũng như không được dung túng cho bất cứ hình thức bạo lực nào. Nếu lớn lên trong sự ám ảnh của bạo lực gia đình thời thơ ấu, phải trải qua nỗi đau không thể chịu đựng nổi thì cần phải một lần nữa đối diện với nỗi đau này để vĩnh biệt quá khứ.

Vài năm trước, tôi từng tham gia tình nguyện trong vòng một năm tại một cô nhi viện để tư vấn cho các giáo viên và những bậc phụ huynh sắp nhận nuôi các bé. Vào một ngày mùa đông, viện có tổ chức một buổi diễn âm nhạc, các bé cùng đứng hát trên sân khấu. Tôi nhìn các bé trên sân khấu rồi bỗng không kiềm chế được bật khóc. Các bé được mặc quần áo chỉnh tề xinh xắn, cùng ngân vang khúc ca, nhưng trong đầu tôi lại xuất hiện hình ảnh một đứa trẻ mặc bộ quần áo rách rưới đứng cô độc một mình trên sân khấu, đứa bé ấy dường như chính là tôi khi còn nhỏ.

Ký ức về bạo lực gia đình thời thơ ấu khó có thể xóa nhòa
(Ảnh minh họa/Shutterstock)

Khi ấy tôi mới nhận ra rằng thì ra sâu trong tâm khảm mình vẫn không thể nào buông bỏ được nỗi đau trong quá khứ, vì thế tôi đã hồi tưởng lại mình khi còn nhỏ.

“Nào! Không sao đâu, hãy đến đây với cô nào!”

Tôi nói với cô bé ấy rằng tôi đã lớn rồi, tất cả mọi thứ đã qua rồi, không sao đâu và ôm lấy cô bé. Tôi còn nói, bây giờ tôi cũng đang giúp đỡ những đứa trẻ giống mình trước đây, khao khát được yêu thương nhưng lại không nhận được tình yêu thương ấy, để các bé lại được yêu thương trong vòng tay ấm áp.

Mỗi người chúng ta đến với thế giới này đều khao khát và có tư cách để được yêu thương. Còn tôi sở dĩ cảm thấy đau buồn là vì nhớ lại bản thân mình từng khao khát nhưng lại không nhận được tình yêu thương ấy khi còn nhỏ.

Thế nhưng, điều đáng buồn là trong lòng của những đứa trẻ bị ngược đãi luôn khao khát được yêu thương, nhưng lại rất dễ lầm tưởng rằng bản thân mình không có tư cách được yêu thương.

Tuy chúng ta không thể lựa chọn cha mẹ, nhưng dù là ai, mọi người đều xứng đáng được yêu thương, dù là cha mẹ hay là con cái cũng cần hiểu rõ điều này.

Thanh Trúc (sưu tầm và biên dịch)

Xem thêm: