Đại dương ẩn chứa rất nhiều bí mật mà chúng ta không bao giờ khám phá hết. Không ai nghĩ rằng một chiếc chai thủy tinh có thể vượt qua hàng nghìn kilomet trong lòng biển suốt 37 năm mà vẫn giữ được tình trạng nguyên vẹn.

Một ngày đẹp trời, cô bé Abbie Graham, 9 tuổi, đến thăm Công viên Thiên đường Hawaii (Hawaiian Paradise Park) cùng gia đình và đã vô tình nhặt được một chai thủy tinh bám đầy bùn đất trên bãi biển.

chai thuy tinh 1
(Ảnh minh họa/Pixabay)

Ban đầu cha mẹ của bé Abbie cho rằng vật thể lạ đó chỉ là một mảnh rác bình thường nhưng cô bé lại nghĩ đó là một kho báu. Chiều con gái nên họ đã mang cái chai về nhà. Sau khi rửa sạch và mở nắp chai, họ phát hiện có một bức thư nằm trong đó. Rõ ràng tờ giấy cũ không phải là một kho báu nhưng vẫn ẩn chứa điều kỳ diệu.

Lá thư đó đã trôi từ Nhật Bản đến tận nước Mỹ. Cái chai dập dềnh trên biển suốt 6000 km trong 37 năm.

Tác giả của lá thư là một thành viên thuộc Câu lạc bộ Khoa học Tự nhiên Trường Trung học Choshi tỉnh Chiba, Nhật Bản. Thông điệp được in bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Nhật: “Cái chai này được thả xuống biển Choshi, Nhật Bản, vào tháng 7 năm 1984”. 

Trong thư, người viết nhắn nhủ nếu ai nhặt được cái chai thì hãy gửi lại cho câu lạc bộ kèm theo thời gian, địa điểm, tình trạng của nó. Hóa ra đây là cuộc thử nghiệm của trường Choshi nhằm tìm hiểu về dòng hải lưu của đại dương. Được biết, sinh viên sống ở miền đông Nhật Bản đã thả xuống đại dương ít nhất 750 chai thủy tinh trong khoảng thời gian từ năm 1984 đến năm 1985. 

Gia đình cô bé Abbie đã thử liên lạc với tác giả của lá thư nhưng không được. Họ xem trang web của trường Choshi nhưng không hiểu vì chữ viết đều bằng tiếng Nhật. Trang web của trường trung học Choshi không liệt kê các nhóm nhỏ nằm trong các câu lạc bộ hiện đang hoạt động tại trường. Gia đình bé Abbie không biết Câu lạc bộ Khoa học Tự nhiên có còn hoạt động hay không nhưng nhà trường hiện vẫn có một Câu lạc bộ Khoa học.

Họ quyết định gửi trả món đồ cổ 37 năm theo địa chỉ được ghi trong thư. 

”Chúng tôi nghĩ là người gửi bức thư này giờ đã 50, 55 tuổi rồi” – ông John Graham nói, bố của bé Abbie nói.

Khi nhận được bưu phẩm vào ngày 3 tháng 9, phó hiệu trưởng của trường, ông Jun Hayashi cho biết: “Chúng tôi cứ nghĩ rằng bức thư được tìm thấy ở Kikaijima là cái cuối cùng. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một bức khác lại được tìm thấy sau 37 năm như vậy”.

50 trong tổng số hàng trăm chai thủy tinh thả xuống biển đã được gửi trả về nhà trường. Người dân nhặt được chúng đến từ rất nhiều nơi, như Okinawa, Akita và Kyoto của Nhật Bản, hay Mỹ, Philippines và Trung Quốc. Nhà trường đã đình chỉ dự án này vào năm 2007. Họ nhận được chai thủy tinh cuối cùng là vào năm 2002 cho đến khi cô bé Abbie tìm thấy một chiếc nữa.

Tin tức này khiến Mayumi Kanda (54 tuổi), một cựu thành viên trong câu lạc bộ khoa học tự nhiên của trường, hết sức vui mừng và hoài niệm. Các học sinh mới đang theo học đã viết thư bằng tiếng Anh và gửi một lá cờ Nhật Bản cỡ nhỏ để cảm ơn gia đình bé Abbie.

Minh Minh (Theo UPI, Independent)

Xem thêm: