Biếng ăn là tình trạng phổ biến ở nhiều trẻ nhỏ và đôi khi là thói quen xấu của trẻ chứ không hẳn là một căn bệnh. Còn trong trường hợp không phải do tâm lý sợ ăn thì có thể do các vấn đề về tiêu hóa khiến trẻ lười ăn, dần dần hình thành thói quen biếng ăn.

Embed from Getty Images

Biểu hiện của trẻ biếng ăn

Trẻ biếng ăn thường có các biểu hiện như: ăn rất ít, kén ăn, chỉ thích một vài loại thực phẩm nhất định, mỗi bữa ăn thường kéo dài trên 30 phút, ngậm thức ăn, quấy trong giờ ăn hay thậm chí là kêu khóc.

Nguyên nhân gây nên tình trạng biếng ăn ở trẻ

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng trẻ biếng ăn như: chế độ ăn không hợp lý, tâm lý sợ hãi khi bị ép ăn, trẻ gặp khó khăn khi nhai nuốt, thức ăn mà trẻ đã ăn trước đó không được tiêu hóa hết, trẻ bị rối loạn tiêu hóa, bị virus hay vi khuẩn xâm nhập cơ thể v.v…

Một số hậu quả của tình trạng trẻ biếng ăn

  • Trẻ chậm tăng cân và chiều cao phát triển kém, còi xương, suy dinh dưỡng…
  • Trẻ thiếu năng lượng hoạt động, có nguy cơ suy giảm hệ miễn dịch.
  • Trẻ dễ bị rối loạn nhận thức và cảm xúc.
  • Biếng ăn ảnh hưởng đến tư duy trí tuệ, tâm sinh lý và tính cách của trẻ.

Vậy cần làm gì khi trẻ xuất hiện triệu chứng biếng ăn kéo dài?

1. Đưa trẻ đến bác sĩ để được kiểm tra chính xác tình hình sức khỏe

Nếu trẻ bỗng nhiên có triệu chứng biếng ăn như không muốn ăn hoặc ăn rất ít, thì cha mẹ nên cho bé đi đến bác sĩ khám xem có bị virus hay vi khuẩn xâm nhập cơ thể gây viêm nhiễm đường tiêu hóa không.

Ngoài ra, viêm amidan, mọc răng, nấm lưỡi, viêm tuyến nước bọt… cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn.

Bên cạnh đó, mẹ cần cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ nhai nuốt, bổ sung thêm men tiêu hóa giúp tái lập sự cân bằng của hệ vi sinh đường ruột.

2. Xây dựng lại chế độ ăn uống thích hợp

khắc phục chứng biếng ăn ở trẻ
(Ảnh: Shutterstock)

Cha mẹ nên lên thực đơn hàng tuần cho trẻ với món ăn và khẩu vị đa dạng, đồng thời cũng nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Các bữa ăn nên diễn ra vào thời gian cố định và cách nhau khoảng 2 giờ. Không nên cho bé ăn vặt trước bữa chính và không nên quá no vào buổi tối .

Ngoài ra, tránh tạo thành thói quen cho bé xem tivi, ipad, điện thoại hoặc nghe nhạc trong lúc ăn, vì như thế sẽ làm giảm khả năng hấp thụ thức ăn của trẻ, giảm khả năng thèm ăn. Đồng thời, nếu thường xuyên như vậy thì sau này có thể trẻ chỉ ăn khi được xem ti vi, điện thoại…

3. Tạo thói quen vui vẻ, thoải mái cho trẻ khi ăn

Diem nhan bento am thuc 03
(Ảnh: Decoplus, Shutterstock)

Để tạo cảm giác giúp bé ăn ngon miệng, bạn có thể trình bày món ăn đẹp mắt, ngộ nghĩnh, khiến bé cảm thấy hấp dẫn  và thích thú khi được thử món ăn mới.

4. Cho trẻ vận động thể lực

Muốn trẻ ăn ngon miệng, nên đáp ứng 3 nhu cầu chính yếu: ăn – ngủ – vận động bổ sung cho nhau chứ không thay thế nhau. Cha mẹ cần cho trẻ vui chơi, vận động ngoài trời ít nhất 30 phút mỗi ngày, trẻ sẽ có cảm giác đói, thèm ăn và ngủ ngon.

5. Bổ sung vitamin cho trẻ

Cha mẹ cũng có thể bổ sung trực tiếp các vitamin B1, B2, B6 và B12 cùng Acid Folic. Các chất này có tác dụng tăng tiết nước bọt, kích thích dạ dày tiết enzym, hỗ trợ trẻ thèm ăn tự nhiên, ăn ngon miệng hơn và hấp thu dưỡng chất tốt hơn.

Minh Nguyệt (T/H)

Xem thêm: