Những suy nghĩ bộn bề, trăn trở thường liên quan đến sự căng thẳng, lo lắng. Nếu thường xuyên bị mất ngủ vì chúng, đã đến lúc bạn cần phải thực hiện các hoạt động thư giãn để giúp bộ não được yên tâm nghỉ ngơi.

Những mẹo và thủ thuật dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế suy nghĩ để chìm vào giấc ngủ nhanh hơn.

suy nghĩ bộn bề, mất ngủ
(Ảnh: Sam Wordley/Shutterstock)

1. Tập trung vào hiện tại

Những suy nghĩ trăn trở về quá khứ hoặc tương lai thường ngăn cản chúng ta có một giấc ngủ ngon. Bạn có đang lo lắng về tương lai hay hối hận vì một điều gì đó đã làm/không làm trong quá khứ? Hãy gạt chúng sang một bên để tập trung vào hiện tại. Bạn không thể thay đổi quá khứ cũng không thể dự đoán tương lai, nhưng bạn có thể kiểm soát được hiện tại. Bạn hãy học cách kiểm soát và tập trung vào hiện tại để tạo ra cảm giác yên bình cần thiết cho não bộ khi bắt đầu tiến vào giấc ngủ.  

2. Tinh dầu oải hương

Tinh dầu oải hương thường được sử dụng trong liệu pháp hương thơm để làm giảm căng thẳng, tăng cường thư giãn, giúp bạn ngủ ngon hơn. Bạn có thể nhỏ tinh dầu lên khăn, vải, bồn tắm hoặc cho vào máy khuếch tán tinh dầu.

tinh dầu, tinh dầu oải hương
(Ảnh: Shutterstock)

3. Đánh lạc hướng bản thân

Bạn cần đánh tan các suy nghĩ bộn bề trong đầu bằng các hoạt động nhẹ nhàng như đọc sách, tô màu, nghe nhạc, đi dạo, viết nhật ký. Khi đã tập trung vào các hoạt động thư giãn, bạn sẽ không bị quay cuồng trong những suy nghĩ hỗn độn nữa và giấc ngủ sẽ đến nhanh hơn.

4. Lên lịch cho sự lo lắng

Cũng giống như khi sắp xếp thời gian để đi mua sắm, gặp gỡ bạn bè hoặc làm việc nhà, bạn có thể lập kế hoạch để nghĩ về sự lo lắng trong 15 đến 30 phút một ngày. Trong thời gian này, bạn hãy nghĩ đến những mối bận tâm của mình và cố gắng tìm ra giải pháp cho chúng. Để hiệu quả hơn, bạn nên viết tất cả những gì mình nghĩ (bao gồm cả giải pháp) ra giấy. Hãy kiên trì và biến kỹ thuật này thành thói quen vào ban ngày để ban đêm bạn được thanh thản hơn.

5. Tắt các thiết bị điện tử

Sử dụng điện thoại, máy tính xách tay và máy tính bảng trước khi ngủ có thể làm tăng mức độ lo lắng và căng thẳng, đặc biệt là khi bạn đọc các tin tức tiêu cực. Ngoài ra, ánh sáng từ các thiết bị điện tử sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến quá trình sản xuất melatonin trong cơ thể, khiến bạn khó ngủ hơn.

su dung dien thoai
(Ảnh: Shutterstock)

6. Thử kỹ thuật thư giãn cơ

Bạn có thể áp dụng kỹ thuật thư giãn cơ này ngay trên giường của mình. Bạn hãy từ từ làm căng và giãn cơ từ ngón chân đến đầu. Bài tập này sẽ buộc bạn phải tập trung vào những cơ bắp cần được co và thả lỏng thay vì những suy nghĩ bộn bề.

7. Đừng ép bản thân phải đi ngủ

Nếu đã cố gắng đủ mọi cách mà vẫn không ngủ được, bạn hãy ra khỏi giường và làm điều gì đó. Uống một chút trà, đọc sách hoặc viết nhật ký rồi quay lại giường bất cứ khi nào bạn thấy mí mắt sụp xuống. Nằm trên giường và ép bản thân phải đi ngủ có thể khiến não bộ nghĩ rằng giường ngủ gắn liền với chứng mất ngủ và lo lắng, suy nghĩ đó sẽ vô tình biến phòng ngủ của bạn thành một nơi khó ngủ.

8. Các bài tập thở hoặc ngồi thiền 

Suy nghĩ bộn bề thường liên quan đến sự căng thẳng, mà sự căng thẳng lại khiến nhịp tim và nhịp thở đập nhanh hơn. Thở chậm và sâu có thể giúp bạn bình tĩnh và lắng đọng suy nghĩ của mình. Bạn cũng có thể tập trước các kỹ thuật hít thở xua tan lo lắng thông qua video hướng dẫn rồi áp dụng vào những hôm bị mất ngủ. Việc ngồi thiền cũng giúp bạn xua tan những suy nghĩ bề bộn và có một giấc ngủ ngon hơn.

Hãy bắt đầu ngày mới bằng buổi tối với 7 thói quen lành mạnh
(Ảnh: Shutterstock)

Minh Khuê (Theo Bright Side)

Xem thêm: