Nếu con bạn sinh ra vốn đã thông minh, vậy làm cách nào để nuôi dưỡng chúng được tốt và giúp trẻ có thể phát huy được tối đa tài năng thiên bẩm của mình?

đứa trẻ thiên tài
(Ảnh: shutterstock.com)

Vào năm 1968, giáo sư tâm lý Julian Stanley tình cờ gặp được thiên tài Joseph Bates chỉ mới 12 tuổi. Khi đó Joseph Bates đang theo học ngành khoa học máy tính tại trường Đại học Johns Hopkins của Mỹ, nhưng cậu cảm thấy rất chán nản vì các môn học ở trường hoàn toàn không thể thỏa mãn nhu cầu của cậu, IQ của cậu đã vượt xa so với những người cùng tuổi.

Lấy cảm hứng từ thần đồng nhỏ tuổi này, giáo sư Julian Stanley quyết định khởi động dự án thí nghiệm kéo dài 45 năm nhằm nghiên cứu quá trình phát triển của những thanh thiếu niên thông minh này.

Sau này Joseph Bates đã lấy bằng tiến sĩ và giảng dạy tại trường đại học. Ông trở thành người tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Cuộc thí nghiệm “trẻ em thiên tài” của giáo sư Julian Stanley được thực hiện với hơn 5.000 thiếu niên có IQ vượt trội. Trong nhiều năm nghiên cứu, ông đã tổng kết được rất nhiều phát hiện gây kinh ngạc. Trong đó bao gồm sự ảnh hưởng của khả năng nhận thức sớm đối với thành tựu cá nhân. Do đó, việc rèn khả năng giải quyết vấn đề và đưa ra những sự phán đoán đúng đắn của những trẻ thông minh ngay từ khi còn nhỏ là vô cùng quan trọng.

Nếu con của bạn trời sinh thông minh thì nhất định phải rèn cho trẻ khả năng nhận thức và giữ cho con môi trường tâm lý thoải mái vui vẻ. Tuyệt đối đừng cố yêu cầu con trở thành thiên tài, các nhà giáo dục học cho biết rằng cách làm này sẽ dẫn đến việc các bé gặp một loạt các vấn đề về xã hội và tình cảm.

Vậy phải làm thế nào mới có thể phát huy được trí thông minh của con trẻ đến mức cao nhất để con trở thành “thần đồng”? Dưới đây là một số lời khuyên của các chuyên gia dành cho phụ huynh:

Cố gắng cho con có được nhiều sự trải nghiệm

Trẻ thông minh luôn cần sự kích thích mới mẻ không ngừng, vì vậy việc làm tăng trải nghiệm sống của trẻ sẽ có tác dụng hỗ trợ rèn luyện sự tự tin của các bé, có lợi để con đối diện với thế giới sau này.

Các nhà tâm lý cho biết, việc cứ lặp lại những điều tương tự tuy có thể giúp trẻ quen thuộc, nhưng được thử những điều mới mẻ sẽ có thể tạo ra tinh thần dũng cảm của con.

đứa trẻ thiên tài
(Ảnh: AngelDads San Antonio)

Bồi dưỡng tài năng và hứng thú của trẻ

Dù học một môn thể dục, một loại nhạc cụ, hay một vở kịch mới, điều tiên quyết là phải cho trẻ tìm được tài năng thiên phú của mình từ sớm. Điều này có thể giúp con phát triển các kỹ năng quan trọng để đối phó với những khó khăn thử thách. Nhưng tuyệt đối đừng ép buộc trẻ.

Hỗ trợ nhu cầu về trí tuệ và tình cảm của trẻ

Sự tò mò là động lực để trẻ ham học hỏi. Các bé thích hỏi rất nhiều câu hỏi, đặc biệt là những trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo. Lúc này phụ huynh nhất định phải kiên nhẫn, đây là điều hết sức quan trọng đối với sự phát triển của con.

Nếu hỏi những câu như “Tại sao” và “Làm thế nào” càng nhiều, trẻ sẽ càng thể hiện tốt khi đến trường.

Khen ngợi sự cố gắng thay vì khen ngợi khả năng của trẻ

Phụ huynh cần giúp con hình thành “tâm lý phát triển” nhờ vào việc học hỏi những điều mới, đừng quan tâm đến kết quả ra sao.

Bố mẹ là giáo viên tốt nhất của con. Dù là khi học ngôn ngữ mới, hay lần đầu tiên tập xe đạp, điều quan trọng là trẻ chịu học là tốt rồi, bố mẹ cần tích cực khích lệ con.

Người Do Thái dạy con, Nhiều bậc phụ huynh Canada lựa chọn cho con học tại nhà
(Ảnh: shutterstock.com)

Đừng sợ con thất bại

Sai lầm là một phần trong quá trình học hỏi và phát triển của con, nên xem sai lầm là cơ hội tốt để học tập, lần sau trẻ sẽ biết cách xử lý một cách tốt hơn.

Đừng gán mác cho trẻ

Cần cố gắng tránh việc gán mác cho trẻ, ví dụ như “thiên tài âm nhạc”, “thần đồng toán học”… Vì như vậy không chỉ khiến trẻ cảm thấy bị cô lập trong tập thể, mà còn khiến các bé phải chịu áp lực tâm lý rất lớn, trẻ sẽ luôn lo lắng khiến bố mẹ thất vọng.

Hợp tác cùng giáo viên để thỏa mãn nhu cầu của trẻ

Các học sinh thông minh luôn cần những câu hỏi có tính thử thách hơn cũng như những tài liệu ngoài giờ học… nhằm thỏa mãn nhu cầu học hỏi của trẻ.

Vì vậy, bố mẹ và thầy cô nên hợp tác để tìm ra những “kênh” khác nhau để thỏa mãn nhu cầu của trẻ, điều này là vô cùng quan trọng.

Cho trẻ tham gia những cuộc kiểm tra về năng lực

Cho trẻ tham gia kiểm tra năng lực để biết được liệu con có thật sự cần những bài học “cao cấp” hơn hay không. Như vậy sẽ có thể kịp thời phát hiện ra những vấn đề của trẻ.

Theo thông tin do Câu lạc bộ IQ hàng đầu thế giới Mensa cung cấp, nếu trẻ có những đặc điểm sau đây nghĩa là trẻ có IQ vượt trội:

  • Có trí nhớ khác thường
  • Biết học ngay từ khi còn rất nhỏ
  • Đặc biệt thích thú hoặc hiểu biết nhiều về một môn khoa học nào đó
  • Biết những chuyện mang tính quốc tế
  • Luôn thích đặt câu hỏi
  • Hài hước
  • Có khả năng cảm thụ âm nhạc
  • Thích kiểm soát mọi thứ
  • Nghĩ ra những quy tắc khác khi chơi trò chơi v.v…

Thanh Trúc

Xem thêm: