Trong cuộc sống, mỗi người đều có rất nhiều các mối quan hệ và rất nhiều mâu thuẫn xảy ra. Những cuộc tranh cãi không dứt thường nhấn mạnh vào việc “tôi đúng, anh sai; anh sai, tôi đúng”, “anh có điểm này không tốt, điểm kia không tốt” v.v… Trong mắt của đối phương, đều toàn thấy những khuyết điểm của người kia.

Tuy nhiên, liệu khuyết điểm mà bạn nhìn thấy ở đối phương có thật sự là khuyết điểm? Liệu ưu điểm của bạn có phải là khuyết điểm của người khác? Và liệu khuyết điểm của người khác có phải là ưu điểm của bạn?

Cùng đọc 2 câu chuyện ý nghĩa dưới đây là suy ngẫm:

Câu chuyện thứ nhất

Một người đàn ông giàu có sắp qua đời muốn để tài sản lại cho người con có tính cách và hành vi trưởng thành nhất, thế là ông ta nghĩ ra cách gọi ba anh em đến bên giường và bảo: “Cha muốn quyết định việc phân chia tài sản, nhưng không biết nên chia thế nào mới được, các con có thể giúp cha được không?

Mỗi người hai tờ giấy, một tờ để viết ưu điểm của mình, tờ còn lại thì viết khuyết điểm của hai người kia, sau đó đưa hai tờ giấy cho họ ký tên, dù là ưu điểm hay là khuyết điểm, viết được càng nhiều và viết xong nhanh nhất thì được chia nhiều tài sản nhất”.

Ba anh em nghe xong thì nhanh chóng làm theo và giao ước với cha sẽ đưa kết quả cho ông vào sáng ngày hôm sau ở phòng của ông.

Sáng sớm hôm sau, ba anh em tập trung ở trước phòng của cha, chỉ thấy anh cả và anh hai vẫn đang không ngừng tranh luận về việc ký hay không ký vào giấy của người kia, cậu út thì lại ngồi bình tĩnh nhàn nhã bên cạnh, người cha hỏi các con mọi việc đã xong chưa, cậu út nói đã được hai anh ký tên đồng ý rồi, người cha vô cùng bất ngờ nên hỏi cậu đã làm như thế nào.

Cậu út đáp: “Con để trống tờ giấy ưu điểm của mình cũng như tờ giấy khuyết điểm của các anh, con cho rằng bản thân mình không có ưu điểm, còn các anh cũng không có khuyết điểm. Không có gì khó khăn để các anh chấp nhận cả, đương nhiên họ sẽ hết sức đồng ý nên đã ký cho con rồi ạ”.

Sau đó, người cha nhận lấy danh sách ưu khuyết điểm của hai người anh.

Ông xem xong thì mỉm cười, hai người anh viết số ưu điểm của mình và khuyết điểm của người kia vừa vặn bằng nhau, điều thú vị đó là ưu điểm mà anh cả tự đánh giá mình lại là khuyết điểm trong mắt anh hai, ngược lại, ưu điểm mà anh hai tự cảm thấy lại chính là những khuyết điểm mà anh cả liệt kê ra. Quan điểm về bản thân của hai người hoàn toàn đối lập.

Người cha thấy anh cả và anh hai không ngừng tranh chấp, ông lại hỏi cậu út có cách nào giúp họ giải quyết hay không.

Cậu út nói: “Con nghĩ rằng trước tiên hai anh hãy ký vào tờ giấy khuyết điểm đi đã, nếu thừa nhận khuyết điểm của mình trước thì người kia cũng sẽ đồng ý mình có ưu điểm”.

Hai người anh nghe thấy, bèn thử làm theo lời cậu em, kết quả quả nhiên là mọi người đều vui vẻ, hai tờ giấy ưu và khuyết điểm đều được ký tên đồng ý.

Người cha mỉm cười gật đầu, đối chiếu danh sách của ba anh em thì thời gian ký tên trên danh sách của cậu út lần lượt là 10 giờ 1 phút và 10 giờ 2 phút, chỉ cách nhau 1 phút, sớm hơn 24 tiếng so với thời gian ký tên trên danh sách của hai người anh.

Người cha đưa cho ba anh em mỗi người một phong thư, bên trong có để một tờ giấy viết:

“Vốn dĩ muốn người khác tiếp nhận suy nghĩ của mình rất đơn giản, đầu tiên hãy thừa nhận bản thân có khuyết điểm thì những ưu điểm mới phát huy được.

Vốn dĩ muốn người khác đón nhận cách làm của mình rất đơn giản, trước tiên hãy hiểu cảm nhận của họ chứ đừng bảo vệ cảm nhận của mình trước”.

Thì ra ranh giới của ưu điểm và khuyết điểm không hoàn toàn là nằm ở bản thân chúng ta mà là trong lòng người khác.

dao duc 1
(Ảnh: depositphotos.com)

Câu chuyện thứ hai

Một ngày nọ, người chồng và người vợ xảy ra tranh cãi. Sau đó, người chồng nói: “Chúng ta có hai tờ giấy trắng, mỗi người một tờ, hãy viết ra khuyết điểm của người kia”.

Lúc này người chồng viết rất chăm chú, vợ của anh cũng rất nghiêm túc viết đầy một tờ giấy.

Sau khi đã viết xong hết tất cả các mặt của 2 tờ giấy, hai người phải nói cho nhau biết khuyết điểm của người kia.

Người vợ cầm lấy tờ giấy của chồng, trên đó không có gì chê trách, toàn bộ đều là ba chữ “anh yêu em”, lúc này người vợ xúc động đến mức bật khóc, thì ra chồng yêu mình đến vậy và cho rằng vợ không có khuyết điểm nào, thế là cuộc cãi vã của hai vợ chồng không còn nữa.

ưu khuyết điểm
(Ảnh: shutterstock.com)

Trong câu chuyện này nói lên một vấn đề rằng, nếu bình thường chúng ta xem khuyết điểm của người khác là ưu điểm, đôi bên bao dung lẫn nhau thì cuộc sống cũng sẽ trở nên hòa hoãn và nhẹ nhàng, sẽ không xảy ra những cuộc cãi vã vô nghĩa nữa.

Trúc Vân

Xem thêm: