Trong thế giới động vật có rất nhiều loài là “cao thủ ngụy trang”, chúng ngụy trang để săn mồi hoặc trốn tránh kẻ thù.

Loài bướm lá khô (Kallima inachus) và bướm đêm (Uropyia meticulodina) đều biết ngụy trang thành hình dạng một chiếc lá khô nhằm tránh kẻ địch và bảo vệ bản thân.

Bướm lá khô thuộc họ bướm giáp, phân bố ở khu vực nhiệt đới châu Á, từ Ấn Độ đến Nhật Bản đều có thể nhìn thấy loài này. Loài bướm này rất giỏi ngụy trang, khép cánh lại, bên ngoài trông chúng rất giống một cái lá cây khô, nhưng thật ra bên trong cánh của chúng có màu xanh lam và cam ánh kim.

Khi nằm im khép cánh lại, bướm lá khô trông giống hệt như một chiếc lá khô thật, khó mà phân biệt được. Còn khi chúng xòe cánh ra, chúng ta mới biết loài bướm này rất đẹp.

Bướm đêm Ngài thiên xã (Notodontidae), phân bố tại khu vực Trung Quốc đại lục và Đài Loan. Khả năng ngụy trang của loài này hiển nhiên cao hơn của bướm lá khô, vì chẳng những chúng giống như lá khô bị cuộn lại, mà còn có cả đường vân và hình dáng lõm của lá khô, trông còn giống hơn cả chiếc lá khô thật.

Đáng nể hơn đó là cánh của chúng thật ra là dạng phẳng, nhưng chúng có thể cuộn cánh lại, kết hợp với màu sắc khiến chúng trông giống hệt như lá cây khô bị cuộn lại khi nằm im.

Trong đoạn clip dưới đây có thể thấy một con bướm đêm nằm im trên một đống lá cây khô trông rất giống một trong những chiếc lá, ngay cả con côn trùng đang bò bên cạnh nó có thể cũng không phân biệt được. Đến khi nó tung cánh bay, người xem mới biết là mình đã “bị lừa”.

Ngoài lá khô, có một số loài động vật còn ngụy trang thành hoa, ví dụ như bọ ngựa phong lan (Orchid Mantis). Khác với bướm lá khô và bướm đêm ngụy trang để tránh kẻ địch, loài bọ ngựa phong lan ngụy trang thành hoa lan để thu hút con mồi, thậm chí chúng còn có sức hút hơn cả hoa lan thật.

Thanh Long

Xem thêm: