Có lẽ mỗi người sẽ có một thói quen rửa táo khác nhau. Từ việc xả nước trực tiếp dưới vòi đến việc dùng một mảnh vải ngâm trong dung dịch làm sạch đặc biệt chà thật mạnh lên vỏ táo, hay ngâm nước muối loãng, dùng máy sục…

Điều đáng nói là những cách này có thực sự đạt hiệu quả trong việc loại bỏ dư lượng thuốc trừ sâu đọng lại trên vỏ trái táo? Nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học thuộc Đại học University of Massachusetts, Amherst đã đưa ra phương pháp rửa táo giúp giải quyết mối lo này.

Một nhóm nghiên cứu do nhà khoa học Lili He chỉ đạo đã làm thử nghiệm phun lên trái táo Gala hữu cơ hai loại thuốc trừ sâu thường được sử dụng khi trồng táo — thiabendazole (thuốc diệt nấm) và phosmet (thuốc trừ sâu). Sau 24 giờ, đem rửa các trái táo trong ba dung dịch khác nhau: một dung dịch chỉ gồm có nước sạch thông thường, một dung dịch có chứa chất tẩy (được phép sử dụng), và một dung dịch nữa có chứa 1% baking soda. Họ phát hiện ra rằng baking soda là cách tốt nhất để loại bỏ thuốc trừ sâu.

Trong Báo cáo người tiêu dùng, có viết:

“Ngâm táo với dung dịch soda baking soda trong hai phút sẽ loại bỏ nhiều thuốc trừ sâu hơn là ngâm trong dung dịch thuốc tẩy, hoặc rửa bằng nước sạch thông thường với thời gian tương tự. Tuy nhiên, cần từ 12 đến 15 phút ngâm trong dung dịch baking soda loại bỏ hoàn toàn thuốc trừ sâu được sử dụng trong nghiên cứu này.”

Hãy trộn theo tỷ lệ: 1 muỗng cà phê soda với 2 ly nước và ngâm trái táo với dung dịch đó trong 15 phút để làm sạch táo. Hỗn hợp có thể giúp loại bỏ tới 80% lượng thiabendazole và 96% lượng phosmet khỏi vỏ táo. Nhưng vẫn có khoảng 20% thuốc diệt nấm và 4% thuốc trừ sâu đã ngấm qua vỏ táo vào bên trong thịt táo là không thể làm sạch.

Tao
(Ảnh: Shutterstock)

Nếu đúng quy trình, để đảm bảo an toàn thực phẩm, trước khi táo đến tay người tiêu dùng chúng đều phải được rửa trong dung dịch tẩy rửa (được phép dùng với lương thực thực phẩm) trước khi bán, nhưng điều này chỉ có thể giúp loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn; nó không có tác dụng với thuốc trừ sâu. Chưa kể trường hợp khâu này bị lơ là.

Đáng lưu ý là nghiên cứu này chỉ sử dụng hai loại thuốc trừ sâu, trong khi ngành công nghiệp táo có khá nhiều loại hóa chất thuộc danh sách những loại có thể được phép sử dụng. Một trong số này thâm nhập sâu vào trái táo, trong trường hợp đó bạn sẽ không thể loại bỏ chúng, cho dù bạn có rửa chúng cẩn thận thế nào đi chăng nữa.

Gọt vỏ xem ra là một cách hữu hiệu để giảm bớt lượng thuốc trừ sâu, nhưng nó sẽ làm mất đi chất xơ và vitamin vốn có trong vỏ táo. Bởi vậy, hãy cân nhắc chuyển thói quen tiêu dùng, mua thực phẩm hữu cơ để giúp giảm lượng hóa chất đưa vào cơ thể, mặc dù đôi khi táo hữu cơ cũng có thể được phun một vài loại thuốc trừ sâu nhất định, nhưng thông thường là hoàn toàn tự nhiên.

Theo Tree Hugger
Xuân Lâm

Xem thêm: