Lời nói có sức mạnh như thế nào? Sức mạnh của lời nói vượt xa những gì mà chúng ta có thể tưởng tượng ra. Một câu nói tuy vô hình nhưng có thể cứu vớt cả một cuộc đời cũng như hủy diệt cả một cuộc đời!

Dưới đây là 2 câu chuyển thể hiện sức mạnh của lời nói thiện:

Câu chuyện thứ nhất: Lời nói thiện khiến tên cướp thu dao lại

Một nữ tài xế taxi sau đi đón một vị khách lên xe đã bị kề dao vào cổ và đòi tiền, thì ra đây là một tên cướp. Cô bình tĩnh lấy tất cả tiền ra đưa cho kẻ cướp và nói: “Đây là tất cả số tiền mà tôi kiếm được trong ngày hôm nay, nếu anh thấy ít quá thì có thể lấy thêm mấy đồng tiền lẻ trong túi tôi nữa”. Tên cướp có vẻ sững sờ bởi thái độ của nữ tài xế. Cô nói tiếp: “Anh sống ở đâu? Muộn rồi. Gia đình anh có thể lo lắng cho anh. Tôi sẽ đưa anh về nhà”. Trước sự quan tâm của nữ tài xế, tên cướp đã thu dao lại.

Trên đường đi, cô trò chuyện với tên cướp: “Gia đình tôi từng sống một cuộc sống rất khó khăn, nên tôi học lái xe và trở thành tài xế taxi. Mặc dù tôi không kiếm được nhiều tiền, nhưng chúng tôi đã sống tốt hơn trước đây. Nhưng hãy nhìn anh xem! Một người đàn ông với cơ thể khỏe mạnh. Anh không thể làm gì để kiếm sống sao? Nếu anh tiếp tục đi con đường này, cuộc sống của anh sẽ bị hủy hoại!”

Khi đến nơi kẻ cướp muốn xuống, nữ tài xế nói với theo: “Nghe này, không phải là anh cướp của tôi, mà là tôi đưa tiền cho anh. Hãy dùng số tiền đó để làm việc đúng đắn và đừng đi ăn cướp nữa”. Tên cướp im lặng suốt quãng đường đi đột nhiên nói lớn lên và trả lại tiền cho nữ tài xế: “Tôi hứa sẽ không lặp lại chuyện này một lần nữa, dù cho bất cứ chuyện gì xảy ra”.

mhuoo5y image

Câu chuyện thứ hai: Lời nói thiện khiến kẻ trộm thay đổi cuộc đời

Nhà văn Đài Loan Lâm Thanh Huyền hồi còn là học sinh cấp hai, học lực và hạnh kiểm của ông đều xếp loại kém, ông có 2 lần mắc lỗi nghiêm trọng và 2 lần lỗi nhẹ cho nên đã bị lưu ban, thậm chí còn bị đuổi ra khỏi ký túc xá của trường.

Rất nhiều thầy cô đã không còn hy vọng gì vào ông, nhưng thầy giáo dạy văn Vương Vũ Thương lại không hề ghét bỏ ông, thường hay đưa ông về nhà ăn cơm. Khi thầy bận việc phải nghỉ, còn bảo Lâm Thanh Huyền mang bài lên lớp cho các bạn.

Thầy Vương nói với Lâm Thanh Huyền rằng: “Thầy đã dạy học 50 năm, nhìn một cái đã nhận thấy con là một học sinh có tài năng”.

Những lời nói này đã khiến cho Lâm Thanh Huyền vô cùng cảm động và bị chấn động sâu sắc trong lòng. Để không phụ lòng nỗi khổ tâm của thầy giáo, ông từ đó về sau nỗ lực cố gắng, quyết tâm làm một người có ích cho xã hội.

Quả nhiên, mấy năm sau, Lâm Thanh Huyền đã trở thành một phóng viên. Trong một bài báo viết về tên tội phạm trộm cắp, ông cảm thấy tên trộm này có một tư duy rất tinh tế, thủ pháp gây án rất tinh vi, sau cùng không kìm được lòng mình ông đã viết rằng: “Một tên trộm với tư duy tinh tường, thủ pháp khéo léo và một phong cáchh đặc biệt như vậy, nếu hắn làm bất cứ việc gì cũng sẽ đều có thành tựu”.

Ông chưa từng nghĩ rằng một câu nói vô tình chỉ thuận tiện mà nói ra như vậy, mà lại ảnh hưởng đến cuộc đời của một thanh niên. 20 năm sau, tên trộm năm đó đã đã trở thành một doanh nhân có chút tiếng tăm.

Trong một lần bất ngờ gặp Lâm Thanh Huyền, vị doanh nhân này đã chân thành cảm ơn ông: “Bài viết đặc biệt của Lâm tiên sinh ngày đó đã thắp sáng lên điểm mù trong cuộc đời tôi, nó khiến tôi nhận ra rằng, ngoài việc làm tên trộm ra, tôi còn có thể làm được việc hữu ích.”

Qua 2 câu chuyện trên, chúng ta đều nên nhớ rằng mỗi lời nói của chúng ta đều ẩn chứa một sức mạnh vô hình. Một lời động viên đúng lúc có thể giúp cho những người đang trong cơn bế tắc lấy lại tinh thần và vượt qua khó khăn. Nhưng cũng có những lời nói có thể giết chết một người đang trong cơn tuyệt vọng. Vì vậy, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi nói ra một điều gì đó, để tránh phải hối tiếc về sau.

Thanh Liên

Xem thêm: