Họ đều là người Trung Quốc, nhưng luật giáo dục ở hai bên bờ eo biển lại khác biệt nhau, một bên là biến con người thành những con ốc vít nghe lời, một bên là trau dồi con người trở nên độc lập hơn.

luật giáo dục
Đều là con cháu Trung Hoa nhưng triết lý giáo dục ở hai bên bờ eo biển quá khác biệt. (Ảnh: Chinnapong/ Shutterstock)

Luật Giáo dục của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Đại lục được ban hành vào ngày 18/3/1995, là dự luật được Kỳ họp thứ 3 của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ VIII thông qua. Luật Cơ bản về Giáo dục của Đài Loan được ban hành vào ngày 23/6/1999.

1. Về lý do ban hành Luật Giáo Dục

Luật Giáo dục tại Trung Quốc Đại lục giải thích là “để phát triển giáo dục, nâng cao tố chất của toàn dân tộc, thúc đẩy xây dựng văn minh vật chất và tinh thần xã hội chủ nghĩa, luật này được xây dựng phù hợp với Hiến pháp.”

Luật Giáo dục của Đài Loan giải thích là “để bảo vệ quyền được học tập và tiếp nhận giáo dục của người dân, thiết lập chính sách cơ bản về giáo dục và cải thiện hệ thống giáo dục, luật này được xây dựng đặc biệt.”

2. Về mục đích của giáo dục

Luật giáo dục ở Trung Quốc Đại Lục giải thích là: “Giáo dục phải phục vụ sự nghiệp hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, phải được kết hợp với lao động sản xuất để đào tạo những người xây dựng và kế thừa sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, những người phát triển về đạo đức, trí tuệ và thể chất.”

Luật Giáo dục của Đài Loan giải thích là: “Mục đích của giáo dục là trau dồi nhân cách tốt đẹp của con người, trình độ dân chủ, khái niệm pháp quyền, hàm dưỡng nhân văn, rèn luyện thể chất và tư duy, phán đoán và sáng tạo, để thúc đẩy sự tôn trọng của họ đối với nhân quyền cơ bản, bảo vệ môi trường sinh thái, sự hiểu biết và quan tâm đến các quốc gia, dân tộc, giới tính, tôn giáo và nền văn hóa khác nhau, khiến họ trở thành công dân hiện đại, có ý thức dân tộc và tầm nhìn quốc tế.”

3. Về nền tảng định hướng giáo dục

Luật Giáo dục Trung Quốc Đại Lục giải thích là: “Nhà nước kiên trì theo sự chỉ đạo của Chủ nghĩa Mác – Lê, Tư tưởng Mao Trạch Đông và lý luận xây dựng Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, tuân theo những nguyên tắc cơ bản do Hiến pháp xác định để phát triển sự nghiệp giáo dục xã hội chủ nghĩa.”

Luật Giáo dục của Đài Loan giải thích là: “Việc thực hiện giáo dục cần dựa trên nguyên tắc dạy học không có sự phân biệt, nguyên tắc dạy học sinh phù hợp với năng khiếu và trình độ, theo tinh thần nhân văn và phương pháp khoa học, tôn trọng giá trị nhân tính, hết sức phát triển tiềm năng cá nhân, trau dồi tính xã hội và hỗ trợ các cá nhân theo đuổi tự ngã.”

4. Về nội dung giáo dục

Luật Giáo dục Trung Quốc Đại Lục quy định rằng: “Nhà nước thực hiện giáo dục Chủ nghĩa yêu nước, Chủ nghĩa tập thể và Chủ nghĩa xã hội, thực hiện giáo dục lý tưởng, đạo đức, kỷ luật, hệ thống pháp luật, quốc phòng và đoàn kết dân tộc cho những người tiếp thụ giáo dục.”

Luật Giáo dục của Đài Loan quy định rằng: “Giáo dục phải dựa trên nguyên tắc trung lập. Trường học không được phép tham gia vào các hoạt động tuyên truyền cho các nhóm chính trị hoặc tín ngưỡng tôn giáo cụ thể. Các cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền và trường học không được buộc ban giám hiệu, giáo viên và học sinh tham gia vào bất kỳ nhóm chính trị hoặc hoạt động tôn giáo nào.”

Phần kết

Sau khi so sánh luật giáo dục của Trung Quốc Đại Lục và Đài Loan, không thể không thở dài: Chỉ cách nhau một dải nước, 60 năm trước hai bên gần như không có sự khác biệt, thế nhưng triết lý giáo dục ngày nay của hai bên thực sự là sự khác nhau một trời một vực!

Đều là con cháu Trung Hoa, nhìn nhau qua eo biển xa lạ, thật giống như hai thế giới cách nhau mấy thế hệ vậy!

Điều này đúng, điều kia sai, chúng ta có thể không bình luận, nhưng về vấn đề giáo dục thì nên là bồi dưỡng các cá nhân chứ không phải là bồi dưỡng nên những cái đinh vít của một quốc gia.

Bởi vì nếu đó là một quốc gia, thì ai sẽ định hình những con ốc vít này? Có phải là Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc không? Là Đảng Cộng sản Trung Quốc? Hay là chính phủ? Nếu chỉ là vấn đề cá nhân thì dễ hơn nhiều, giáo dục chỉ cần quan tâm đến việc trau dồi cho học sinh năng lực đọc viết cơ bản, năng lực logic,  năng lực tư duy,  năng lực độc lập và tạo mọi điều kiện có thể cho việc học tập, suy nghĩ và sáng tạo của mỗi học sinh, sau đó để họ tự định hình.

Tiểu Thiên/ Vision Times