Thiếu niềm tin vào hôn nhân bền vững trong khi mong muốn gia tăng khả năng tìm được “một nửa tương xứng” khiến nhiều phụ nữ Trung Quốc hiện đại quyết tâm có nhà trước khi ký vào tờ đăng ký kết hôn.

Joey Zhou bước chân ra khỏi công ty bất động sản với một cảm giác nhẹ nhõm và vui thầm đến khó tả. Cô vừa bỏ ra gần 6 triệu nhân dân tệ để sở hữu cho mình căn hộ đầu tiên trong đời. Khoảnh khắc quẹt thẻ thanh toán, cô Zhou biết mình sẽ mắc nợ. Nhưng cô nói đó là cảm giác an toàn lớn về mặt tâm lý, theo RFA.

phụ nữ trung quốc
(Ảnh minh họa: PR Image Factory/Shutterstock)

Joey Zhou ly hôn vài năm trước và ra đi tay trắng do đưa ra quyết định này là vì một loạt các thay đổi trong luật hôn nhân gia đình của Trung Quốc.

Theo Emma Zang, giáo sư tại khoa xã hội học Đại học Yale, trước năm 2011, luật hôn nhân của Trung Quốc nhìn chung có lợi cho việc bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ khi ly hôn. Khi vợ chồng ly hôn, pháp luật coi nhà riêng là tài sản chung và được chia đều.

Tuy nhiên, năm 2011, luật này đã được giải thích khác đi, trong đó quy định rằng ai ký tên trên các chứng từ tài sản sẽ là chủ sở hữu nhà. Theo phong tục ở Trung Quốc, chồng thường là người ký tên trên các chứng từ, hợp đồng nên rất nhiều phụ nữ dù đã đóng góp rất nhiều tài chính cho ngôi nhà nhưng lại không được hưởng quyền lợi gì khi ly hôn.

Hôn nhân ngày nay rất lỏng lẻo và người ta có xu hướng ra quyết định nhiều hơn theo cảm xúc cá nhân thay vì lý trí và tình nghĩa như cổ nhân. Và do vậy cô Zhou nhất định phải sở hữu cho mình một căn nhà riêng, đứng tên bản thân trước khi quyết định bắt đầu một cuộc hôn nhân khác. Cô không muốn có thêm 1 lần trắng tay.

“Trong một tình yêu mà sự phân chia tài sản ngày càng lớn, lựa chọn tốt nhất cho các cá nhân là phải đầu tư vào một cái gì đó mà họ có thể sở hữu”, cô Zhou nói.

Với Qi Sun, một nhân viên tài chính 34 tuổi, người vừa mua một căn hộ rộng 60 m2 ở Thượng Hải vào năm ngoái lại đưa ra một lý do khác: Đó là để tránh cảm giác bất an khi ở nhà thuê và dễ tìm người yêu tương xứng hơn.

“Tất cả những phụ nữ đã mua nhà đều không hối hận. Thứ duy nhất chúng tôi tiếc là không mua một căn lớn hơn”, cô Sun chia sẻ.

Báo cáo năm 2021 của Viện Nghiên cứu Shell cho thấy phụ nữ Trung Quốc ở một số thành phố lớn như Trùng Khánh, Thiên Tân mua nhà nhiều hơn nam giới.

Tỷ lệ phụ nữ mua nhà tại 30 thành phố trọng điểm ở Trung Quốc đã tăng từ 45,6% năm 2017 lên 47,54% năm 2020, trong đó phụ nữ dưới 29 tuổi là nhóm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.

Báo cáo năm 2021 của nhà môi giới địa ốc 58.com và Anjuke cho thấy khoảng 82% phụ nữ đang có kế hoạch mua nhà trong 5 năm tới và 40% muốn trở thành chủ sở hữu căn hộ trong vòng 2 năm.

Theo giáo sư Dong Yige của Đại học Buffalo (New York), phụ nữ trẻ Trung Quốc hiện nay hầu hết được sinh ra trong 20 năm cuối của thế kỷ 20, họ là thế hệ con một, được cưng chiều, luôn muốn bản thân độc lập và có tài sản riêng, họ cũng rất giỏi kiếm tiền.

Phu nu trung quoc
(Ảnh minh họa/Shutterstock)

Số liệu thống kê cho thấy năm 2020, số lượng cặp đôi đăng ký kết hôn chỉ còn 8,13 triệu cặp, giảm gần 2 triệu so với năm 2019. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2003 và thấp hơn 60% so với mức đỉnh vào năm 2013.

Hoài Anh

Xem thêm: