Tôi có một chị đồng nghiệp ngày nào cũng vội vàng tan làm, tôi hỏi chị ấy lý do thì được biết là vì điểm số của con chị ấy không được cao nên chị ấy phải tự mình giám sát con học, mỗi ngày đọc sách cùng con và kết quả là cả người lớn và trẻ nhỏ đều căng thẳng, áp lực ngày càng nặng nề.

Về vấn đề này, tôi luôn nghĩ rằng “thay vì mỗi ngày đều cho cá thì chi bằng cho một cái cần câu”. Vì vậy, thay vì hao tổn sức lực để đọc sách cùng con thì chi bằng hãy rèn cho trẻ thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ, hơn nữa tốt nhất là để con tự chủ động vui vẻ đọc. Vậy làm thế nào để làm được điều này?

day con hoc
(Ảnh: Dragon Images/Shutterstock)

Hãy cùng xem thử mẹo hay dưới đây:

Gia đình Âu Dương chúng tôi có 6 anh chị em cùng sống trong một căn nhà nhỏ, dù nhà khá chật hẹp nhưng bố chúng tôi luôn giữ một nguyên tắc đó là nhất định phải mua bàn học cho con khi con bắt đầu học mẫu giáo, không được để con phải học bài ở bàn cơm, bởi vì như vậy con sẽ không có nơi học riêng, vậy nên các con trong nhà đều có một chiếc bàn học nhỏ được kê trên chiếu. Mỗi khi tan học về nhà, chúng tôi đều có thói quen làm bài tập, đọc sách trên chiếc bàn của riêng mình. Việc có một nơi chốn riêng ngay từ khi còn nhỏ nên chúng tôi đã rèn được thói quen đọc sách.

Đến khi lớn lên kết hôn sinh con, vì mẹ của con tôi là giáo viên mẫu giáo, chuyên mỹ thuật, hội họa, thủ công nên 2 vợ chồng đã kết hợp cách dạy con của cả hai khi nuôi dạy các con gái của chúng tôi.

Khi con gái được 2 tuổi rưỡi, chúng tôi đã mua bàn học cho con, dù không phải là chiếc bàn đắt tiền, mà chỉ là một chiếc bàn sắt có mặt bàn bằng kính hết sức bình thường thôi. Có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng con tôi còn chưa biết chữ thì mua bàn học để làm gì. Vợ tôi sưu tầm các tờ quảng cáo rồi mua kéo an toàn cho trẻ nhỏ để dạy con cắt theo các họa tiết in trên giấy quảng cáo, tất nhiên lúc đầu các con cắt không khéo nhưng dần dần đường cắt đẹp hơn, các con được rèn ngày càng khéo tay hơn.

Sau này, chúng tôi mua thêm giấy thủ công, keo, bút chì màu để dạy các con dán lại các họa tiết đã cắt lên giấy thủ công rồi tô màu, rèn cho con khái niệm bố cục, phối màu, nhờ vậy mà bàn học đã trở thành thiên đường mỹ thuật của hai chị em từ khi các con chưa biết chữ.

Vợ tôi cũng mua đất sét để dạy con nặn thành các tác phẩm đất sét, những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống đều bắt đầu từ chiếc bàn học, kỹ năng mỹ thuật của các con cũng dần dần chuyển từ mặt phẳng sang lập thể, vẽ nên một cuộc sống đầy sắc màu.

Khi các con lên 4, lên 5, chúng tôi mua cho các bé cả một bộ sách lịch sử thế giới, lịch sử Trung Quốc và cả quả địa cầu để bắt đầu dạy cho con những kiến thức có trong sách. Đối với mỗi địa danh được nhắc đến trong lịch sử, tôi sẽ chỉ ra vị trí trên quả địa cầu để các con có khái niệm về đông, tây, nam, bắc ngay từ khi từ nhỏ; khái niệm địa lý quả địa cầu được mở rộng ra môi trường sống xung quanh, vì vậy trước khi vào tiểu học các con đã có khái niệm cơ bản về lịch sử, địa lý. Điều quan trọng nhất là các con đã hình thành thói quen ngồi vào bàn và tập viết chữ sau khi tan học.

trẻ em Trung Quốc
(Ảnh: Monkey Business Images/Shutterstock)

Bắt đầu từ ngày đầu tiên con gái vào tiểu học, mỗi tối tôi đều cùng con học bài khi sắp đến kỳ thi giữa kỳ đầu tiên, tôi kiên nhẫn giảng giải cho con từ bài giảng của cô giáo, những gì viết trong sách cho đến các kiến thức ngoại khóa. Vào ngày nghỉ, tôi đều đưa các con đến thư viện để tìm tài liệu cho đến khi thi xong giữa kỳ. Kết quả là con đứng hạng ba toàn lớp, kể từ khi đó, tôi không còn học cùng con nữa, bởi vì hạng ba đã đủ để khiến con không dám để rớt hạng vì giữ danh dự rồi, nhờ đó mà các bé luôn giữ được thứ hạng trong khoảng từ 1 đến 3.

Vì vậy, việc học cùng con chủ yếu là khi các bé bắt đầu năm học đầu tiên cho đến khi kết thúc kỳ thi giữa kỳ đầu tiên, nếu các bậc phụ huynh tận dụng được tốt khoảng thời gian quan trọng này thì sau này sẽ không phải mất thời gian để giám sát việc học của các con nữa. Đây là mẹo nho nhỏ mà tôi rút ra được, nay xin được chia sẻ cùng bạn đọc.

Tác giả: Hiểu Phong
Theo Epoch Times
Minh Ngọc dịch

Xem thêm: