Về việc trẻ em có được xem TV hay không, mỗi bậc phụ huynh đều có quan điểm riêng. Có những người cảm thấy khi xem TV, trẻ sẽ rất yên lặng nên có thể xem phim trong thời gian quy định; có người lại cho rằng trẻ không được xem vì sẽ ảnh hưởng đến thị lực, tâm trạng, tính cách…

Về việc trẻ xem TV, tôi muốn kể lại một số câu chuyện như sau.

Câu chuyện thứ nhất: Con gái của chị họ tôi năm nay vừa tròn 5 tuổi, mỗi ngày thức dậy việc đầu tiên là mở TV lên, ngồi trên sô pha dán mắt vào màn hình. Chị tôi nhận ra dù bé khóc quấy như thế nào, chỉ cần cho bé ngồi trước TV là sẽ không còn ồn ào, quấy khóc nữa, cả thế giới đều trở nên yên tĩnh. Chị họ tôi nhờ đó cũng có thời gian đọc sách, xem phim, mua hàng trên mạng, đắp mặt nạ…

Cho đến một ngày chị ấy nhận thấy một hiện tượng rất đáng báo động: cháu xem TV mà mắt dại đi, đôi khi còn cười kỳ lạ. Bất cứ ai gọi bé cũng thờ ơ, không có phản ứng, cứ ngồi bất động như thế. Hễ tắt TV là bé sẽ trở nên rất khó chịu, đưa đi chơi thì chưa đến nửa tiếng đã quấy đòi về nhà để xem TV.

Chị họ cảm thấy cứ tiếp tục như thế này chắc chắn bé sẽ không ổn. Do vậy, chị bắt đầu nghiêm cấm bé xem TV với thái độ vô cùng quyết liệt. Để được xem TV, cháu gái tôi mỗi ngày khóc, quấy, đập phá, không bằng lòng là không ăn cơm, phải mở TV lên thì mới ăn, thậm chí còn đòi bỏ nhà đi.

Mỗi ngày cháu nhiều lầm hỏi mẹ: “Con nhà người khác đều được xem TV, tại sao mẹ không cho con xem?” Chị họ tôi như cảm giác như không thể có cách nào để giải quyết ổn thỏa được vấn đề này nữa.

Câu chuyện thứ hai: Có một người bạn nói với tôi: “Trẻ con bây giờ ngốc thật đấy, cầm cái ô nhỏ lại nghĩ mình có thể bay như siêu nhân”, rồi gửi cho tôi một đường link trên mạng.

Bài viết kể về một cậu bé 5 tuổi ảo tưởng mình có cánh nên bay xuống từ cửa sổ nhà mình ở tầng 3, kết quả là toàn thân bị gãy xương nhiều chỗ.

Nhưng đây không phải là một ngoại lệ.

Vào ngày 8/5, ở Vu Hồ  (Trung Quốc) có một bé gái 6 tuổi cầm một chiếc ô nhỏ, nhảy xuống từ tầng 6 và bị chấn thương nặng.

20180713121948626 image
Cô bé ngã xuống ban công tầng 6, bên cạnh là chiếc ô nhỏ. (Ảnh: Internet)

Vào ngày 4/3, ở Urumqi có một bé gái 5 tuổi tìm thấy một chiếc ô ở nhà, cô bé đeo balo lên rồi cầm chiếc ô nhảy thẳng từ ban công tầng 4, cuối cùng bị sốc chấn thương và được đưa thẳng vào phòng chăm sóc đặc biệt.

20180713121948347 image
Bé gái rơi xuống sân thượng tầng 4, bên cạnh là chiếc ô màu đen. (Ảnh: Internet)

May mắn là cả 3 em nhỏ nêu trên đều sống sót, nhưng có những bé lại không may như thế.

Ở thành phố Bảo Kê thuộc tỉnh Thiểm Tây có một cậu bé 6 tuổi dùng ô che mưa làm dù lượn để bay từ tầng 19 và tử vong tại chỗ.

Qua điều tra, các em đều rất mê xem TV và đều bắt chước theo tình tiết nhảy dù trong phim hoạt hình. Xét về bề nổi, chúng ta sẽ quy tội cho những bộ phim hoạt hình bạo lực đã hướng sai cho các bé, nhưng nếu suy nghĩ kỹ hơn, vì sao các bé lại nghĩ rằng mình có thể bay được bằng một chiếc ô nhỏ? Vì sao lại khờ khạo như vậy?

Câu chuyện thứ ba: Tôi có tham gia một hội các bà mẹ trên mạng, tình cờ đọc được lời bình luận của một bà mẹ: “Làm con gái của cô thật sự rất đáng thương”. Lời bình luận này xuất phát từ việc bà ấy thấy một bà mẹ khác không bao giờ cho con gái mình xem TV.

Nhưng có thực sự là trẻ không được xem TV đáng thương không?

Trong bài báo cáo “TV và tâm hồn của trẻ nhỏ”, giáo sư Johnson khoa Johnson ở Đại học California phân hiệu San Francisco chỉ ra rằng: “Trong 3 năm đầu đời, trẻ em nên học đi, học nói, học suy nghĩ. Mà TV sẽ hủy hoại 3 điều quan trọng nhất mà chúng ta cần để làm người.”

Ở độ tuổi trẻ học đi, TV sẽ “bó buộc” các bé trên sô pha. Khi cần học nói thì trẻ lại xem TV cả ngày. Nhưng TV không biết biểu cảm, không có cái miệng để trẻ bắt chước theo, không có cử động tay chân, không thể tương tác với trẻ, càng không biết thể hiện vui buồn trong ngôn ngữ với trẻ để các bé hiểu được ý nghĩa thật sự của ngôn ngữ.

Ở tuổi mà trẻ cần suy nghĩ thì TV đã chiếm hết thời gian của các bé, ảnh hưởng đến tâm trí của trẻ, TV sẽ đưa những hình ảnh mà người lớn sáng tạo ra vào đầu trẻ, trực tiếp giết chết khả năng tưởng tượng và sáng tạo của bản thân các em.

Các nhà khoa học Mỹ từng làm một cuộc thí nghiệm đối với một nhóm các em nhỏ, họ cho các bé nghe lại câu chuyện công chúa Bạch Tuyết rồi vẽ lại hình ảnh trong đầu các em. Họ chia các bé thành hai nhóm, nhóm A được nghe cô giáo kể chuyện, nhóm B được xem phim hoạt hình.

Kết quả là, các bé được nghe kể chuyện vẽ ra những cô công chúa khác nhau, bởi vì hình ảnh trong đầu các em là không giống nhau. Còn các bé được xem hoạt hình thì vẽ ra những cô công chúa giống hệt nhau, bởi vì những gì các em nhìn thấy là giống nhau.

Vài ngày sau, họ cho các bé vẽ lại công chúa Bạch Tuyết, kết quả vẫn như vậy. Những trẻ xem hoạt hình vẫn vẽ ra “đáp án chuẩn” trên TV.

Việc xem TV sẽ tước đi cơ hội học những khả năng quan trọng nhất đầu đời của trẻ là đi, nói và suy nghĩ. Vậy rốt cuộc là những em nhỏ thường xuyên xem TV đáng thương, hay các bé không xem TV đáng thương đây?

Mỗi ngày xem TV hơn 1 tiếng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến IQ của trẻ
Mỗi ngày xem TV hơn 1 tiếng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến IQ của trẻ. (Ảnh: Internet)

Trẻ em trong độ tuổi này cần nhất là sự trải nghiệm thực tế

TV khiến trẻ nhỏ xa rời thực tế, chúng hạn chế các bé trải nghiệm cảm giác thực sự, khiến các em không thể phân biệt được đâu là ảo và đâu là thực. Khi trẻ xem TV, não gần như ở trạng thái dừng tư duy, xem TV không cần phải suy nghĩ gì cả, chỉ cần tiếp nhận thông tin xuất hiện trên TV một cách bị động.

Giống như cháu gái của tôi vậy, khi xem TV bé gần như đờ đẫn ra, lâu dần sẽ trở nên trì độn.

Tác giả của quyển sách “Sự tổn thương mà TV gây nên cho tâm hồn trẻ nhỏ”, ông Iverlot có nói: “Dù TV phát sóng chương trình gì đều sẽ có hại nếu trẻ dành nhiều thời gian ngồi trước TV.”

Một đạo diễn của Nhật còn trực tiếp hơn, ông quay một bộ phim có tên là “Xem TV nhiều sẽ trở nên khờ khạo”.

Xem TV nhiều sẽ ảnh hưởng đến khả năng tập trung của trẻ

Trên “Tạp chí Y học”, nhà nghiên cứu về não của trường Đại học Washington, tiến sỹ Nicholas Christakis đã thực hiện nghiên cứu trên 2.600 trẻ trong độ tuổi 0-3 tuổi và nhận thấy: “Trước 3 tuổi, trung bình mỗi ngày trẻ xem TV hơn một tiếng đồng hồ, tỉ lệ gặp vấn đề về khả năng tập trung vào năm 7 tuổi sẽ tăng 10%, nếu một ngày trẻ xem TV 3 tiếng, tỉ lệ này sẽ tăng đến 30%.”

Nếu không có khả năng tập trung thì làm thế nào trẻ có thể đọc sách được?

Hiện nay có rất nhiều người khẳng định “Chúng tôi xem TV từ nhỏ đến lớn, sống vẫn tốt, chẳng có vấn đề gì cả”. Nhưng họ cũng nhận ra: “Tại sao tôi không thể ngồi yên để đọc sách được vậy? Nửa năm trước mua một quyển sách đến bây giờ vẫn còn mới nguyên.”

Đây là do bị ảnh hưởng bởi thói quen nghe nhìn với tiết tấu nhanh.

Hiện nay người nhiều người hầu như đều không thể ngồi tĩnh tâm để đọc sách được. Nếu không xem TV, lướt Facebook, chơi game thì cũng tìm ai đó để tán gẫu, hoàn toàn thiếu mỗi sự yên tĩnh. Trẻ nhỏ lớn lên trong hoàn cảnh đó cũng sẽ hình thành thói quen dán mắt vào điện thoại, TV, iPad chứ không chịu ngó ngàng đến một quyển sách nào.

Nhưng đọc sách có thể giúp các bé trở nên thông minh, đây là điều mà TV không làm được. Giáo sư Singer, chuyên gia về lĩnh vực TV và trẻ nhỏ của Đại học Yale đã chỉ rõ rằng: “Trước khi thói quen đọc và học được xây dựng hoàn thiện, tốt nhất đừng xem TV.”

xem tivi
Xem tivi ảnh hưởng đến khả năng đọc sách và trí tưởng tượng của trẻ. (Ảnh: f1online.de)

Tuyệt đối không cho trẻ xem TV trước 2 tuổi

Chuyên gia giáo dục Martyn Rawson của Anh cho biết: “Nếu bạn có thể không cho trẻ trước 12 tuổi xem TV, các bé sẽ nhận được lợi ích suốt đời.”

Vào thời đại bùng nổ thông tin này, việc ngăn cản trẻ tiếp xúc với các sản phẩm điện tử trước 12 tuổi hầu như là không thể. Nhưng bạn nhất định phải làm được yêu cầu cơ bản nhất, phải giữ được giới hạn cơ bản nhất. Tuyệt đối không cho trẻ xem TV trước 2 tuổi!

Trẻ từ 2-5 tuổi cũng chỉ được xem TV 1 tiếng mỗi ngày, đây cũng là quy định rõ ràng của các quốc như Mỹ, Anh, châu Âu…

Vậy làm thế nào để hạn chế việc cho trẻ xem TV? Bà Tưởng Phục Dung, tác giả cuốn sách “Sức cạnh tranh của thế hệ sau” đã đưa ra 4 lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh như sau:

  1. Đừng dùng TV là phần thưởng hay hình phạt nữa, như vậy sẽ chỉ làm tăng giá trị của chúng trong mắt con bạn. Nếu dùng việc xem TV là một phần thưởng nghĩa là bạn đã phủ lên chiếc máy lạnh lẽo có tên là “TV” này một tấm màn bí ẩn.
  2. “Càng cấm càng hứng thú” là bệnh chung của mọi người, rất nhiều trẻ không được xem TV ở nhà nên thường hay viện cớ đến nhà bạn để xem. Chi bằng hãy di dời sự chú ý của trẻ, hướng con quan tâm đến những thứ thú vị khác. Đừng quá lo âu, đừng quá nghiêm khắc, đừng dạy con một cách mù quáng.
  3. Đối với trẻ, hãy đảm bảo là các bé hiểu những thứ mà các em đang xem là không thật, đừng vì vậy mà cảm thấy khó khăn với thực tế. Giống như những tin tức về các bé nhảy lầu bằng ô, trẻ nhảy rồi, gia đình ấy cũng theo đó kết thúc. Lúc này cần sự giúp đỡ và hướng dẫn của người lớn để trẻ hiểu được thế giới hiện thực, biết giới hạn của bản thân, biết rằng cơ thể của trẻ cũng sẽ bị thương, hiểu sự khác biệt giữa hoạt hình và thực tế, tránh để bi kịch do trẻ bắt chước theo phim hoạt hình tái diễn.
  4. Dành thời gian trò chuyện cùng con, chơi những trò chơi thực tế. Thật ra, không có trẻ nào trời sinh đã thích xem TV cả, nếu có người chơi cùng thì ai lại thích xem TV chứ? Bố mẹ đừng chơi điện thoại, đừng mê TV, hãy đưa trẻ ra ngoài nhiều hơn, dành nhiều thời gian cho con, đây mới là con đường đúng đắn. Khi bạn ở bên con nhiều hơn, trẻ cũng sẽ ít mê man với TV.

Ngoài ra, mỗi ngày hãy cho các bé một khoảng thời gian yên tĩnh, hãy dạy con cách đối phó với sự buồn phiền, yên lặng và những vấn đề khác. Hưởng thụ việc ở một mình, để trái tim rối loạn bình tĩnh lại, học cách tự trò chuyện với mình, đi chậm lại, chờ đợi tâm hồn mình.

Bài viết của một bà mẹ được chia sẻ trên mạng xã hội
Bảo Ngọc biên dịch

Xem thêm: