Chỉ với một chiếc điện thoại nằm gọn trong bàn tay, bạn có thể đọc truyện, kiểm tra thư, chuyển khoản, chơi game, xem phim… trong nhà vệ sinh. Nhưng liệu thói quen này có tốt hay không?

shutterstock 1134771962
(Nguồn: Olena Yakobchuk/ Shutterstock)

Sử dụng điện thoại trong nhà vệ sinh đã trở thành thói quen của nhiều người. Khoảng thời gian này ngắn ngủi nhưng đủ để họ thư giãn, tạm thoát khỏi cuộc sống bộn bề hàng ngày. Công ty an ninh mạng NordVPN đã khảo sát 9.800 người trưởng thành ở 10 quốc gia xem liệu họ có sử dụng điện thoại thông minh trong nhà vệ sinh hay không, kết quả là 65% người tham gia trả lời “có”.

Theo kết quả khảo sát, 80% người Tây Ban Nha dùng điện thoại trong nhà vệ sinh, Ba Lan 73%, Mỹ 71%, Lithuania 67%, Canada 66%, Hà Lan 64%, Pháp 64%, Úc 62%, Anh 59%, Đức 55%.

Hoạt động phổ biến nhất được dùng trên điện thoại thông minh là lướt bảng tin mạng xã hội 53%, tiếp đó là đọc tin tức 38%, chơi game 31%, làm việc 29%, gọi điện hoặc nhắn tin cho bạn bè 29%, xem video 26%. Một số hoạt động phổ biến khác có thể kể đến mua sắm trực tuyến, nghe nhạc và podcast, lập kế hoạch trong ngày.

Trước đó, theo một cuộc khảo sát của Anh, trung bình người Anh dành hơn 3 giờ mỗi tuần cho việc đi vệ sinh. Con số này vượt xa mức khuyến nghị 10-15 phút mỗi ngày, tức là khoảng 1 giờ 45 phút mỗi tuần. Nếu bạn đang tự hỏi thời gian trôi đi đâu mất – câu trả lời là điện thoại di động. Không có gì ngạc nhiên khi 75% người Mỹ thừa nhận có sử dụng điện thoại khi đi vệ sinh.

Những người thuộc thế hệ millennials (từ 26 đến 41 tuổi) đứng đầu trong danh sách thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh trong nhà vệ sinh, xếp thứ 2 là Gen Z (18 đến 25 tuổi).

Clemens Stachl (giáo sư khoa học hành vi tại Đại học St. Gallen, Thụy Sĩ) cho biết, trước khi điện thoại thông minh xuất hiện, mọi người đã có xu hướng xem các phương tiện truyền thông ở trong nhà vệ sinh rồi, chỉ là bây giờ họ có công cụ tiện lợi hơn mà thôi.

Rõ ràng, so với một quyển sách thì chiếc điện thoại thông minh cung cấp nhiều lựa chọn hơn hẳn (khi ở trong nhà vệ sinh). Bạn có thể lên lịch hẹn hò, sử dụng ngân hàng, mua sắm, chơi game, điều khiển, lập kế hoạch đi lại, học ngôn ngữ…thông qua chiếc điện thoại nhỏ xíu cầm vừa trong lòng bàn tay. Trước đây bạn sẽ phải làm những việc này ở những địa điểm khác nhau.

Hans-Jürgen Rumpf (nhà tâm lý học và nhà nghiên cứu chứng nghiện Internet tại Đại học Lübeck, Đức) cho rằng sử dụng một cái gì đó để giải trí/làm việc trong nhà vệ sinh là thói quen vốn có từ trước đến nay của con người. 

“Trong quá khứ, mọi người vốn đã thích đọc gì đó khi ngồi trong nhà vệ sinh. Một nghiên cứu từ 20 năm trước cho thấy có ít nhất 1/4 dân số đọc sách hoặc truyện tranh trong toilet. Hành vi này rõ ràng hơn ở nam giới. Ngày nay, chúng ta có nhu cầu về nhiều thứ và điện thoại thông minh chỉ đơn giản là có khả năng cung cấp những nhu cầu đó tốt hơn một cuốn sách. Và điện thoại cũng giúp bạn tranh thủ giao tiếp với người khác khi có thời gian rảnh tạm thời trong nhà vệ sinh.” –  ông Rumpf nói.

Ông Rumpf cho rằng về bản chất, sử dụng điện thoại thông minh trong phòng vệ sinh không phải là hành vi có hại. Nhưng sự thật là trong 15 năm qua, văn hóa tiếp cận liên tục phát triển khiến cho thời gian ở trong nhà vệ sinh ngày càng thiếu “bình yên”. Ông chỉ ra rằng hiện tượng “FOMO” – nỗi sợ bỏ lỡ – đang ngày càng lan rộng. Nỗi lo lắng ám ảnh và rối loạn nội tâm này có thể dẫn đến việc sử dụng điện thoại thông minh quá độ, dẫn đến hiện tượng nghiện Internet. So với người không sử dụng điện thoại trong nhà vệ sinh thì những người có dùng có khả năng bị nghiện Internet cao hơn.

Ông Rumpf khuyên mọi người nên sử dụng điện thoại thông minh điều độ, phân bổ thời gian hợp lý, khi ăn, ngủ, (có lẽ) khi đi vệ sinh thì nên để xa tầm tay.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến trái chiều về các tác hại khi dùng điện thoại thông minh quá 15 phút trong nhà vệ sinh như: vi trùng, vi khuẩn bám vào điện thoại; bệnh trĩ và các vấn đề trực tràng khác; gây mất tập trung; sử dụng điện thoại liên tục sẽ gây tác động nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần; lãng phí thời gian; chứng nghiện điện thoại, v.v…

Minh Minh (t/h)