Nền tảng giáo dục của một người được hình thành từng chút một, vì vậy cha mẹ nên bắt đầu từ bây giờ, dạy con các quy tắc để giúp chúng trở thành những đứa trẻ có hàm dưỡng và cốt cách. Để nhìn ra một đứa trẻ có được giáo dục tốt hay không, chỉ cần nhìn vào 4 điểm này:

giáo dục trẻ
(Ảnh: Shutterstock)

1. Lễ nghi khi làm khách

Đến nhà người khác sẽ không thể thoải mái như ở nhà mình. Một đứa trẻ ngoan sẽ biết cách cư xử lễ độ khi làm khách ở nhà người khác. 

Vì vậy, cha mẹ cần dạy con rằng khi đến nhà người khác, các con phải tươi cười và lễ phép chào hỏi tất cả mọi người.

Gặp người không mấy quen thuộc cũng cần mỉm cười và cúi đầu chào. 

Khi chủ nhà vẫn chưa nói mời ngồi thì chưa nên vội ngồi xuống. Còn nếu có những người lớn tuổi ở đó, thì đợi họ ngồi xuống trước sau đó mới được ngồi.

Khi đến nhà người khác, việc nhìn trái nhìn phải, nhìn xung quanh là điều hết sức cấm kỵ. Đặc biệt là càng cấm kỵ hơn khi tùy tiện đi lại, ra vào phòng ngủ và những khu vực riêng tư khác.

Cha mẹ cũng cần dạy con rằng nếu không có sự cho phép của chủ nhà, không được lục lọi đồ đạc và làm mọi thứ trở nên lộn xộn, ngay cả với những chiếc gối trên ghế sofa, cũng đừng bật TV hoặc điều chỉnh điều khiển từ xa.

Khi chủ nhà cho đứa trẻ bất cứ món đồ gì thì nhất định phải nói lời cảm ơn.

Khi ra về, trẻ cần phải ngoan ngoãn chào tạm biệt mọi người và xin chủ nhà dừng bước không cần tiễn ra cổng.  

Cha mẹ cần dạy trẻ biết rằng nhà của người khác không phải như ở nhà riêng của mình, sự tôn trọng và lịch sự cơ bản là điều bắt buộc.

2. Lễ nghi khi tiếp khách

ban den choi
(Ảnh: BearFotos/ Shutterstock)

Khi một người đến làm khách nhà mình, cần tiếp đãi họ niềm nở và thân mến, để họ cảm thấy được tự nhiên, gần gũi như ở nhà của mình.

Vì vậy, cha mẹ nên khuyến khích và hướng dẫn con hòa đồng với khách, đừng để con cái nghĩ rằng tiếp đãi khách chỉ là nhiệm vụ của cha mẹ, không liên quan gì đến bản thân.

Khi nghe tiếng khách gõ cửa, con cần biết niềm nở chào hỏi họ.

Khi nhận một món quà hoặc bao lì xì từ khách, con cần nhận nó bằng cả hai tay và không quên bày tỏ lòng biết ơn. Sau khi nhận, không nên mở quà hoặc bao lì xì trước mặt khách.

Sau khi khách ngồi xuống, con có thể làm một số việc đơn giản như phục vụ trà và rót nước, chuẩn bị một số đồ ăn nhẹ và trái cây.

Nếu có trẻ em đi cùng, con cần thể hiện sự hào phóng và thân thiện thông qua việc chia sẻ đồ chơi và đồ ăn vặt của mình với bạn nhỏ đó.

Khi khách đang nói chuyện với cha mẹ, trẻ không nên tùy tiện ngắt lời.

Khi khách nói chuyện với mình, trẻ cần phải lễ phép, chân thành và lịch sự khi trả lời, không được trả lời hời hợt qua loa lấy lệ.

Khi khách đứng dậy chào tạm biệt, trẻ nên đứng dậy và tiễn khách cùng cha mẹ, thay vì ở trong phòng riêng và đóng kín cửa.

3. Lễ nghi trên bàn ăn

giáo dục trẻ
(Ảnh: Dragon Images, Shutterstock)

Người ta nói rằng, lúc thoải mái là lúc dễ nhìn ra khuyết điểm của một người, nhất là trên bàn ăn.

Vì vậy, dù là ở nhà riêng, ở nhà bạn bè hay họ hàng thân thích, cha mẹ cần dạy con “ăn xem nồi, ngồi xem hướng”, biết ngồi theo thứ tự lớn trước, nhỏ sau.

Đợi người lớn cầm đũa trước, sau đó trẻ nhỏ mới được cầm đũa. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tập cách để ý và giúp đỡ người lớn.

Có một điều rất kỵ trên bàn ăn, đó là việc tỏ ra ích kỷ bằng cách lật tung đĩa đồ ăn để chọn miếng mình thích hoặc đặt món ăn yêu thích ngay trước mặt mình chỉ để ăn được nhiều hơn.

Khi ăn nên nhai chậm, cố gắng không tạo ra tiếng động, không ngấu nghiến và không nói chuyện với thức ăn trong miệng.

Nhắc nhở trẻ không được vừa ăn vừa làm việc khác như nghịch đồ chơi, nghịch điện thoại, điều này sẽ không có lợi cho tiêu hóa.

Sau khi ăn xong, đem thức ăn thừa bỏ vào thùng rác, đẩy ghế vào đúng vị trí và lễ phép nói với người trong bàn: “Con xin phép dừng bữa, mời mọi người tiếp tục ạ.”

Khi là khách ở nhà ai đó, nên cảm ơn sự tiếp đãi của chủ nhà, cho dù bữa ăn có hợp khẩu vị của hay không.

Mỗi chi tiết trong quá trình ăn uống phản ánh sự giáo dục của một người. Ở trên bàn ăn, cha mẹ đừng chỉ chú ý đến dinh dưỡng cho con mà quên đi tính giáo dục nhân văn trong đó.

4. Lễ nghi trong giao tiếp

Day con
(Ảnh: Shutterstock)

Cha mẹ nên khuyến khích con chào hỏi bạn bè và người thân một cách thân thiện vui vẻ. Nếu trẻ có bản tính nhút nhát, cha mẹ cũng đừng lo lắng, đừng phê bình trước đám đông mà hãy kiên nhẫn hướng dẫn trẻ.

Trẻ cần được nhắc nhở rằng khi nói chuyện với người khác, giọng nói phải vừa phải, không ngọng nghịu, nói chậm rãi và không quá nhanh, nếu không người bên kia sẽ không nghe rõ.

Khi nói chuyện với mọi người nên nhìn vào mắt đối phương, không nên nhìn xung quanh, điều này sẽ khiến người khác cho rằng trẻ nói nửa vời và không nghiêm túc lắng nghe.

Trong quá trình nói chuyện với mọi người, có thể xảy ra những bất đồng, trẻ cần nhớ rằng không được phép dùng những lời nói nặng nề làm tổn thương người khác, mà hãy luôn tôn trọng người đối diện.

Giáo dục lễ nghi sở dĩ quan trọng là bởi vì con người có tính xã hội, việc tiếp xúc, quan hệ với những người xung quanh mình là điều xảy ra hàng ngày. Tương lai con một phần là nhờ ở cách nuôi dưỡng và dạy dỗ của cha mẹ. Cha mẹ cũng đừng cho rằng vì trẻ còn nhỏ nên việc này là chưa cần thiết, đợi đến lúc trẻ lớn lên có thể đi ra ngoài rồi mới giáo dưỡng thì đã muộn rồi.

Vision Times,

Thanh Mộc biên tập