Những năm gần đây, trên các phương tiện truyền thông đang thảo luận một vấn đề nổi cộm: Trung Quốc ngày càng mạnh, nhưng vì sao nhiều người vẫn muốn di dân?

Các cư dân mạng đã đưa ra rất nhiều ý kiến trái chiều. Trên thực tế, những người sau khi di dân suy nghĩ ra sao? Tờ “Meiyi” đã phỏng vấn một người Trung Quốc di cư đến Úc, cùng lắng nghe câu chuyện của anh ấy.

Người được phỏng vấn: David, di cư đến Úc 3 năm trước:

Tôi sinh ra ở thành phố Đại Thành và lớn lên từ một trường trung học mà hơn nửa số học sinh ở đó đều ra nước ngoài, sau khi tốt nghiệp cấp ba, có rất nhiều bạn sinh viên trực tiếp đi nước ngoài học đại học. Tôi còn phát hiện ra trong số những người này, có không ít người cuối cùng đã không về nước nữa, sống và làm việc ở đó luôn.

Cho đến trước khi di cư, tôi cũng không thể hiểu nổi, Trung Quốc tốt như vậy, vì sao mọi người đều không muốn quay về?

Khi ấy tôi và đa số mọi người đều suy nghĩ giống nhau, cảm thấy dù Trung Quốc có một vài khuyết điểm, nhưng cũng không đến nỗi không sống được, thế nên tôi hết lòng khuyên các bạn của mình: Cậu xem, cậu về nước có bạn bè, có gia đình, vui biết bao nhiêu.

Tôi còn nói, bây giờ Trung Quốc phát triển rất nhanh chóng, cơ hội trong nước rất nhiều, thích hợp để phát triển hơn.

Nhưng bây giờ, tôi lại không nghĩ thế nữa.

Cũng không phải là bây giờ tôi ghét Trung Quốc, mà là có những cơ hội mới. Tôi từng đi nước ngoài 2 lần tổng cộng là khoảng nửa năm vì nguyên nhân công việc.

Lần thứ nhất ra nước ngoài, tôi cảm thấy mong đợi, thích thú, mọi thứ đều mới mẻ. Nhưng vài ngày sau, những thứ đón đợi tôi đều là không thích ứng, không quen. Khi đó tôi hợp tác cùng một vài người nước ngoài, đến giờ là tan sở, hoàn toàn không hề thảo luận công việc gì với tôi vào giờ nghỉ cả, việc này khiến cả kế hoạch công việc của chúng tôi tương đối chậm.

Muốn đi dạo chợ đêm ư? Không có. Cơ bản là đến giờ tan sở, các quán ăn, cửa hàng đa phần cũng đều đóng cửa rồi, cuối cùng đành mỗi ngày về khách sạn tự pha cà phê, làm những công việc lặt vặt khác.

Nằm trên giường, tôi sẽ bắt đầu mơ hồ nhớ bạn bè người thân, muốn nghe mấy câu thơ tứ tuyệt tiếng Trung Quốc, muốn ăn các món Trung Hoa, đặc biệt là khi đột nhiên thèm ăn thì càng cảm thấy mình phải trải qua một đêm vừa dài vừa tĩnh mịch.

Thậm chí tôi nghĩ, trời ơi, nếu không phải đến đây vì công việc mà phải sống lâu ở đây lâu chắc tôi chán chết mất.

Dù phong cảnh ở đây rất đẹp, khí hậu dễ chịu, nhưng tiếng Anh thì khó hiểu, mọi thứ đều xa lạ, ở đây không biết mình làm được gì, nên làm chi, tôi chỉ muốn nhanh chóng về nước!

Cuối cùng cũng đợi được đến ngày về nước, vừa xuống máy bay, trong nước vẫn náo nhiệt ồn ào như xưa khiến tôi tìm lại cảm giác an toàn.

Vâng, tôi muốn nói rằng cơ hội mới chính là sau khi tôi gặp sự việc này.

Khi đó, cô tôi phải nhập viện, ban đầu cho rằng sau khi uống thuốc sẽ đỡ, nhưng không ngờ lại xấu đi sau một đêm. Lúc ấy chúng tôi luân phiên chăm sóc cô. Tối hôm ấy chỉ có một mình con gái cô ở đó, sau khi nhận được thông báo của em ấy, mọi người đều chạy như bay đến bệnh viện, khi ấy bố tôi còn chưa kịp thay áo ngủ. Sau khi đến bệnh viện, chúng tôi phát hiện ra người duy nhất không đến là chồng của cô.

Tôi nhìn thấy em họ cố hết sức gọi điện thoại cho chú, sau đó cuối cùng cũng gọi được thì mới biết đêm hôm đó chú còn ra ngoài xã giao. Khi chú vội đến, trên người đầy mùi rượu, chú ấy vội vàng nắm lấy tay cô, còn cô cũng đã sắp mất ý thức rồi, cô chỉ nhẹ nhàng nói một câu: “Sau này em đi rồi, anh phải dành thời gian cho con gái”. Chú liên tục gật đầu nghẹn ngào mà không nói được gì cả, khi đó tất cả chúng tôi đều khóc.

Việc này đã tạo nên một cú sốc rất lớn trong lòng tôi, và đây cũng là lần đầu tiên tôi cảm thấy sinh mạng yếu ớt đến vậy, thì ra sống chết lại luôn kề cận mình.

Câu nói yếu ớt của cô trước khi ra đi “Anh phải dành thời gian ở bên con gái” luôn luẩn quẩn trong đầu tôi.

Tôi nghĩ đến trong cuộc sống của chính mình, tôi cũng thường xuyên tăng ca và xã giao. Sự ra đi của cô khiến tôi hiểu được ý nghĩa của sinh mệnh, dù chúng ta ở đâu đều phải trân trọng những người xung quanh xứng đáng được chúng ta yêu thương.

Nhưng không biết bắt đầu từ bao giờ, ở Trung Quốc, làm việc và sinh hoạt trở nên không thể cân bằng được, muốn thăng tiến trong sự nghiệp có nghĩa là chúng ta phải hy sinh thời gian ở bên người thân.

Vào lần thứ hai xuất ngoại, tôi bắt đầu thích cuộc sống “yên tĩnh cô đơn” ở nước ngoài. Tôi ngưỡng mộ họ tan sở là tan sở, sinh hoạt là sinh hoạt, rất đơn giản.

Họ tự lo cuộc sống của mình, không có ai hỏi đến việc bạn có mua nhà mua xe hay chưa, chẳng ai quan tâm vợ/chồng của con bạn làm nghề gì, càng không ai có thái độ khác vì bạn giàu hay nghèo.

Ở đây, xe và nhà không phải là tiêu chuẩn đánh giá một con người thành công hay không, thăng quan phát tài cũng không phải là tiêu chuẩn sống của họ, dù bạn nghèo hay giàu đều có thể sống vui vẻ.

Vì thế tôi thử nghĩ, nếu như khi đó gia đình của cô sống ở đây, kết quả liệu có khác chăng?

Tôi bắt đầu hiểu ra rằng, thì ra sự say mê đối với một cuộc sống ồn ào náo nhiệt, xa hoa trụy lạc ở Trung Quốc của tôi trước đây đều là để thỏa mãn cảm giác an toàn về thể xác của tôi. Mà con người, ngoài sự tồn tại về mặt thể chất này, chúng ta cũng cần sự tự do về mặt tinh thần.

Nhưng tôi cũng biết, mỗi nơi đều có khuyết điểm, không phải là di cư rồi thì mọi việc sẽ tốt đẹp. Dù sao thì đã lớn rồi, suy xét cũng cần phải trưởng thành hơn, muốn rời xa quê hương ra nước ngoài đôi khi là một canh bạc, có thể cuộc sống sau khi di cư cũng sẽ khiến chúng ta mờ mịt.

Mới đây có một người bạn của tôi ở Bắc Kinh cũng định di cư đến Úc.

Nguyên nhân là anh ấy không có hộ khẩu Bắc Kinh, tạm thời không mua được nhà, lại không muốn về quê. Anh ấy là nghiên cứu sinh tốt nghiệp từ trường đại học trọng điểm, làm nghề IT ở Bắc Kinh, thu nhập rất cao, lại vừa vặn phù hợp với nhu cầu nhân tài của Úc.

Quả thật là người như vậy sống ở những quốc gia phương Tây áp lực sẽ không quá lớn, nhưng ở Bắc Kinh lại không có năng lực để cạnh tranh, vậy nên anh ấy muốn đi di cư cũng hoàn toàn có lý.

Còn tôi cũng hiểu mỗi người đều có thứ mà mình theo đuổi, chứ không phải là “sính ngoại”, vì vậy tôi sẽ không ngốc nghếch khuyên người khác (đừng ra nước ngoài) giống như ban đầu nữa.

Những năm trở lại đây, hễ nói đến vấn đề di cư, sẽ luôn có những anh hùng bàn phím gán ghép với những kẻ bán nước. Nhưng tôi muốn nói là, nghèo không phải là lý do yêu nước, giàu cũng không có nghĩa vụ yêu nước, dù sao thì không phải tất cả mọi người đều để ý đến những vấn đề quá to tát, mọi người đều có cuộc sống mà mình quan tâm hơn.

Ngọc Trúc

Xem thêm: