Mỗi khi mẹ cất tiếng gọi “Ăn cơm thôi!”, các con đang chơi bên ngoài sân, bố đang cúi đầu đọc báo đều sẽ dừng việc đang làm để tụ họp lại. Cả gia đình quây quần bên bàn cơm nóng hổi thơm ngon. Mẹ dịu hiền, bố nghiêm khắc, các con hoạt bát vui vẻ…

bữa cơm gia đình
(Ảnh: Monkey Business Images/Shutterstock)

Trước đây, dù trong văn hóa Đông hay Tây phương, cả gia đình đều sẽ cùng nhau ăn cơm ít nhất một bữa mỗi ngày, ai nấy đều hết sức xem trọng thói quen này và sẽ không để bất cứ việc gì khác làm gián đoạn khoảng thời gian dành cho bữa cơm gia đình, bởi vì đây là thời khắc quan trọng nhất. Cả nhà thoải mái ăn cơm cùng nhau, vừa thưởng thức những món ăn ngon bổ dưỡng, vừa trò chuyện về một ngày đã qua, điều này không chỉ giúp các thành viên trong nhà thêm phần gắn bó, mà còn nâng cao tri thức của con cái trong gia đình.

Bàn cơm là nơi thích hợp nhất để tất cả các thành viên trong gia đình tụ họp, các con có thể trò chuyện với bố mẹ trong trạng thái thoải mái. Tác giả Miriam Weinstein đã viết trong quyển sách mang tên “The Surprising Power of Family Meals” (Lợi ích bất ngờ của những bữa cơm gia đình) rằng: “Mặc dù cả nhà cùng ăn cơm tối không hẳn sẽ giải quyết được mọi vấn đề, nhưng điều này chắc chắn là có rất nhiều lợi ích, hơn nữa chỉ cần mỗi thành viên trong gia đình đều cố gắng một chút thôi là được.” 

Anh Eduardo ở Tây Ban Nha có mấy đứa con và anh luôn kiên trì về nhà ăn cơm với lũ trẻ. Anh kể rằng khi còn sống với bố mẹ, 11 người trong gia đình anh đã luôn cùng nhau ăn cơm mỗi ngày. Dù bận rộn đến đâu, ngày nào bố cũng hối hả về nhà ăn cơm cùng gia đình. “Đối với chúng tôi, đó là một khoảng thời gian vô cùng quý giá. Chúng tôi có thể nghe các thành viên trong gia đình kể về những gì đã xảy ra trong ngày hôm đó. Mọi người đều vui đùa và có rất nhiều câu chuyện hài hước.” 

bữa cơm gia đình
(Ảnh: Dragon Images/Shutterstock)

Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy những đứa trẻ lớn lên trong các gia đình thường ngồi cùng nhau để chia sẻ bữa tối sẽ có thành tích tốt hơn ở trường, các em sẽ học tập tập trung hơn và hòa đồng hơn. Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên Tạp chí Tâm lý Gia đình của Mỹ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cách hiệu quả nhất để trẻ có được biểu hiện tốt nhất đó là cả gia đình phải ăn tối ít nhất 4 lần một tuần. 

Các thanh thiếu niên thường xuyên dùng bữa cùng gia đình sẽ ít hình thành các thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu, sử dụng ma túy, đồng thời giúp các em cải thiện kết quả học tập và sự tự tin. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bữa tối gia đình sẽ cải thiện khả năng ngôn ngữ của các bé. Những cuộc trò chuyện có thể giúp trẻ hiểu cách sử dụng từ vựng phức tạp và cách giao tiếp với người khác.

Cô Esmeralda ở Tây Ban Nha có 2 con gái, cô cho biết: “Nếu gia đình có thói quen ăn cơm cùng nhau, các bé sẽ cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm của bố mẹ. Việc dùng bữa cùng nhau sẽ khiến bọn trẻ cảm nhận được sự ấm áp và tình yêu thương của gia đình. Các con sẽ được thỏa mãn về mặt cảm xúc và cảm thấy an toàn.” 

Những trẻ ăn tối cùng gia đình thường xuyên sẽ có cảm giác thỏa mãn hơn và có nhiều khả năng tích cực xây dựng tình bạn với những người khác. Bữa tối cùng gia đình giúp xây dựng mối quan hệ gia đình bền chặt và kỹ năng giao tiếp trong nhiều trường hợp. 

So với những đứa trẻ không được ăn cùng gia đình, những em nhỏ thường xuyên ăn tối với những người thân trong gia đình ít có nguy cơ lạm dụng ma túy hoặc bị mắc bệnh trầm cảm hơn. Những đứa trẻ thường ăn tối với gia đình có sức khỏe tinh thần tốt hơn so với các bạn đồng trang lứa. 

bữa cơm gia đình
(Ảnh: Shutterstock)

Cô bé Sandra (17 tuổi) cho biết: “Mỗi khi nghe các bạn cùng lớp nói: ‘Không biết mẹ để dành món gì trong tủ lạnh nữa’, em cảm thấy rất buồn cho các bạn. Em nghĩ rằng gia đình ăn cơm cùng nhau không chỉ để ăn uống lành mạnh mà còn là cơ hội để mọi người cùng trò chuyện vui vẻ, vun đắp tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.”

Có lẽ những cuộc trò chuyện trong bữa cơm gia đình sẽ là trải nghiệm phong phú nhất trong thời thơ ấu của một đứa trẻ. Chủ đề giao tiếp không nên giới hạn ở “hôm nay con thế nào”, đừng hỏi về điểm số của trẻ hoặc chỉ dạy con trên bàn ăn. 

Bàn ăn là nơi tốt nhất để kể chuyện. Những câu chuyện gia đình thường bao gồm những điều như quá trình nỗ lực của bố mẹ, không bỏ cuộc trong nghịch cảnh và không mù quáng trong thời gian “sung sướng”, điều này sẽ giúp trẻ hiểu hơn về thế giới. Đồng thời, trong khi ăn, bố mẹ cũng có thể kể cho con nghe về chuyện tình cảm, công việc đầu tiên, lý do đặt tên con, vật nuôi, món ăn yêu thích, v.v… Bằng cách này, con cái có thể hiểu rõ hơn về bố mẹ của mình.

Bua com gia dinh 1
(Ảnh: Monkey Business Images/Shutterstock)

Thanh Mai (Theo Epoch Times)

Xem thêm: