Tại một trong những nơi hẻo lánh băng giá nhất nước Mỹ, người đàn ông và cũng là cư dân duy nhất – ông Billy Barr đã dành hơn 4 thập kỷ chỉ để ghi chép dữ liệu tuyết rơi.

bill
Người bảo vệ băng tuyết Billy Barr – Ảnh: Day’s Edge Productions

Nơi dãy núi Rocky nổi tiếng, “thị trấn ma” Gothic thuộc bang Colorado bị bỏ hoang từ những năm 1920, nhưng ít nhất vẫn có một người xem đó là nhà. Billy Barr – người sống hơn 40 năm trong một căn nhà gỗ nhỏ và ghi chép dữ liệu tuyết rơi để giết thời gian trong lúc nhàn rỗi.

Nói đến thị trấn ma, người ta thường nghĩ rằng cuộc sống sẽ không mấy tiện nghi. Thế nhưng ông Barr vẫn có một khu vườn nhỏ trồng rau, sử dụng điện năng lượng mặt trời, và một bộ ván trượt để đến thị trấn gần đó vài tuần một lần để có thêm đồ dùng.

Là một người hài hước nhưng vẫn quyến rũ, Billy Barr thích phim Bollywood, chơi cricket và còn có cả bộ sưu tập mũ đủ màu sắc. Công việc hằng ngày của ông là uống trà, đọc sách và ghi chép dữ liệu tuyết rơi đều đặn mỗi ngày 2 lần trong suốt mùa đông, cứ như thế trong hàng thập kỷ.

Billy Barr
Công việc hằng ngày của ông là uống trà, đọc sách và ghi chép dữ liệu tuyết rơi – Ảnh: Day’s Edge Productions

Tốt nghiệp đại học năm 1973, ông Barr bỏ vùng East Coast đến thị trấn Gothic và tự tay xây dựng căn nhà nhỏ trên nền ngọn núi cao hơn 3.800m tại dãy Rocky Mountain này. Gió tuyết lạnh thổi qua khe hở của ván gỗ lọt vào nhà, để có người bầu bạn, ông chia sẻ mái ấm của mình cùng với một con chồn hương và một chú chồn thông.

Mùa đông đầu tiên thật nhàm chán, ông chỉ quanh quẩn với cây cối và động vật, vì vậy Billy Barr quyết định đo đạc mức tuyết rơi, ghi lại dấu vết của động vật, và tiếng gọi hân hoan của đàn chim trở về vào mùa xuân. Ông ghi chép vào một cuốn sổ nhỏ những quan sát của mình, rồi lại thêm một cuốn nữa, cứ như thế trong suốt 44 năm.

Mỗi cuốn sổ là dữ liệu trong vòng 3 năm được ông viết bằng mã code riêng của mình. Nhìn vào bản ghi chép của ông, từng hàng dữ liệu đo đạc thời tiết và khí hậu được ông ghi lại vô cùng tỉ mỉ. Đó là kho báu mà các nhà khoa học chỉ dám mơ ước mà không có được.

>> Hà Nội ô nhiễm không khí ở mức báo động: Bạn có thể làm gì?

e6c03d2bc
Từng hàng dữ liệu đo đạc thời tiết và khí hậu được ông ghi lại vô cùng tỉ mỉ. – Ảnh: Morgan Heim / Day’s Edge Production

Điều đặc biệt về người đàn ông này đó là: ông không hề biết gì về biến đổi khí hậu vào những ngày đầu làm công việc này. Sổ ghi chép của ông chứa những dữ liệu mà các nhà khoa học chưa bao giờ có được: thời điểm và mức độ tuyết rơi, thời điểm động vật thức dậy sau cơn ngủ đông và đàn chim trở về. Nhờ thế mà các nhà khoa học đã có thêm cái nhìn đầy đủ hơn về tình trạng ấm lên toàn cầu. Hiện ghi chép của ông đã xuất hiện trong nhiều nghiên cứu khoa học quan trọng về biến đổi khí hậu.

Trong đoạn phim ngắn “Vệ binh của băng tuyết” dài 5 phút về Billy Barr của Morgan Heim, do Hãng Day’s Edge Productions sản xuất, Billy lo ngại về tình trạng ấm lên toàn cầu: “Tôi nhận thấy rằng chúng ta có lớp tuyết vĩnh cửu trễ hơn, còn mặt đất bị lộ ra sớm hơn (sau khi tuyết tan). Những năm trước chúng ta có rất nhiều tuyết, nhưng vài năm gần đây càng ngày càng ít, lí do là hiện nay thời tiết đang ấm lên”. “Không chỉ ấm lên, mà còn có rất nhiều bụi nữa”. “Tôi không mấy hy vọng, vì tôi không biết làm thế nào để chúng ta có thể đảo ngược lại điều này”.

Một thông điệp khác mà nhà làm phim “Vệ binh của băng tuyết” muốn truyền tải đến chúng ta đó là việc nâng cao ý thức và sự thích nghi với tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp là rất cần thiết.

Phim ngắn “The Snow Guardian” do Day’s Edge Production sản xuất.

Phim ngắn “Vệ binh của băng tuyết” đã được trao giải Film4Climate được tổ chức bởi Chương Trình Connect4Climate của Ngân hàng Thế giới. Qua đoạn phim, chúng ta sẽ có một cái nhìn sơ bộ về cuộc sống của Billy Barr trong hơn 40 năm ghi chép dữ liệu và tầm quan trọng của ông trong việc nghiên cứu tình trạng thay đổi khí hậu.

Trải qua những năm tháng cô đơn trên núi tuyết, Billy Barr vẫn rất lạc quan về cuộc sống của mình. Ông đã học được kỹ năng trượt tuyết kha khá đủ để không bị trượt ngã, và kỹ năng sinh tồn trong môi trường khắc nghiệt nơi xứ tuyết lạnh lẽo này. Với ông: “Học vấp ngã mới là điều quan trọng nhất”.

Bích Ngân (T/H)

Xem thêm: