Sống trong xã hội, chúng ta luôn phải tiếp xúc với đủ kiểu người và gặp đủ thứ chuyện, do đó việc ứng xử với họ như thế nào là điều vô cùng quan trọng.

đối nhân xử thế
Nói chuyện một cách có thiện cảm sẽ khiến người khác thích tiếp xúc và cảm thấy thoải mái.(Ảnh: Ann Rodchua/ Shutterstock)

Ý nghĩa quan trọng của việc làm người là có thể sống tốt hơn, sống có nhân phẩm hơn, có thể mang lại hạnh phúc cho những người thân và bạn bè xung quanh. Nếu một người không biết đối nhân xử thế, luôn tự cho mình là trung tâm vũ trụ thì không những bản thân không hạnh phúc mà còn khiến những người xung quanh khó nhận ra giá trị và sự tồn tại của họ.

Vì vậy, làm thế nào để cải thiện hiệu quả khả năng đối nhân xử thế?

1. Lời nói có thiện cảm

“Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng.” Ngay cả là cùng một nội dung đó thôi, nhưng khi nó được nói bằng một giọng điệu khác, nó sẽ mang đến cho mọi người những cảm giác và cảm nhận hoàn toàn khác nhau. Do đó, khi chúng ta nói chuyện với người khác, điều rất quan trọng là kiểm soát được giọng điệu của bản thân.

Khi bạn luôn nói chuyện một cách có thiện cảm, sẽ khiến người khác thích tiếp xúc và cảm thấy thoải mái. Không những vậy, khi càng có nhiều người cảm mến thì bạn càng có nhiều cơ hội nhận được sự giúp đỡ.

Trên thực tế, bạn không cần phải thành thạo quá nhiều kỹ năng, chỉ cần bạn có thiện niệm trong lòng. Chỉ khi trong lòng bạn có thiện niệm, bạn mới có được khả năng nói tốt. Bởi vì lời nói có mang thiện cảm hay không là nó phải được xuất phát từ tận đáy lòng, cố gắng nói ra một cách giả tạo là hoàn toàn không thể.

2. Kiểm soát tốt cảm xúc

Nhà lãnh đạo quân sự người Pháp, Napoléon đã từng nói: “Một người đàn ông có thể kiểm soát cảm xúc của mình vĩ đại hơn một vị tướng có thể giành được một thành phố.”

Trong cuộc sống, hầu hết mọi người đều có xu hướng trở thành nô lệ cho cảm xúc của chính mình. Bất cứ khi nào có điều gì không ổn, họ sẽ có xu hướng đổ lỗi cho người khác và luôn ở trong tâm trạng tồi tệ.

Khi có điều gì không vừa ý, họ sẽ mất bình tĩnh với bản thân, với những người xung quanh và sau đó là thể hiện ra mặt sự khó chịu này.

Một khi có bất đồng với người khác, họ sẽ mất kiểm soát cảm xúc, nói những lời rất tổn thương và thậm chí là gây gổ đánh nhau.

Trên thực tế, những người có trí tuệ cảm xúc tốt sẽ có thể kiểm soát cảm xúc của họ rất tốt.

Một vài cách hữu ích sau đây có thể giúp bạn kiểm soát tốt cảm xúc của mình:

– Khi bạn có chút bất ổn về cảm xúc, hãy nhớ hít thở sâu và cố gắng điều chỉnh ngay cảm xúc của mình.

– Khi tâm trạng không tốt, bạn có thể ra ngoài đi dạo hoặc nói chuyện với người bạn thân nhất của mình.

Đặc biệt, việc kiểm soát cảm xúc không phải là một việc dễ dàng, nó phải được trải qua một quá trình rèn luyện. Do đó nếu bạn muốn làm tốt điều này, bạn cần rèn luyện và kiểm soát chúng từng chút một mỗi ngày.

shutterstock 717505633
Việc kiểm soát cảm xúc không phải là một việc dễ dàng, nó phải được trải qua một quá trình rèn luyện.(Ảnh: SomjaiJaithieng/ Shutterstock)

3. Đừng coi trọng thái quá thể diện của bản thân

Cái tôi thái quá là nguyên nhân gây ra khổ đau và bất an trong cuộc đời mỗi người. Trên thực tế, nếu một người quá quan tâm để ý đến thể diện của bản thân, thì sẽ dễ dàng bị người khác chán ghét. Khi ai đó vô ý nói ra nói một lời nào đó, họ sẽ rất nhạy cảm và cho rằng người đó đang cố tình nhắm vào mình.

Thực ra khi bạn có thực lực, bạn sẽ tự nhiên có thể diện. Còn khi không có thực lực, thì cho dù bạn có cố gắng giữ thể diện bao nhiêu cũng vô ích. Vì vậy, bạn nên dành nhiều thời gian và năng lượng hơn để cải thiện bản thân.

Một người thực sự trưởng thành là một người biết cách hạ thấp thể diện và cái tôi của bản thân. Họ sẽ dựa vào thực lực của mình để kiếm tiền, họ tự tin hơn trong cuộc sống. Điều này tất nhiên là tố hơn nhiều so với việc cứ đeo bên mình cái mác thể diện một cách vô nghĩa.

Theo Aboluowang 

Trúc Nhi biên tập

  • Mời xem video: 8 nguyên tắc vàng khi giao tiếp ai cũng cần phải biết