Mùa hè năm nay, châu Âu đang phải hứng chịu những đợt nắng nóng kỷ lục. Luồng không khí nóng thổi từ sa mạc Sahara của châu Phi đến khiến nhiệt độ ở phần lớn các khu vực của châu Âu tăng cao, khoảng 4.000 trường học ở Pháp phải đóng cửa, người dân tranh giành mua máy lạnh. Sự biến đổi của khí hậu khiến người dân châu Âu hoang mang.

thoi tiet chau Au 1

Từ Paris (Pháp) đến Munich (Đức), có rất nhiều người dân và du khách tìm cách hạ nhiệt độ tại hồ và các đài phun nước do nhiệt độ không ngừng tăng cao trên 30 độ C. Tại miền Nam nước Pháp và một số khu vực của Tây Ban Nha nhiệt độ lên đến trên 40 độ C. 

Vào ngày 28/6, nhiệt độ tại tỉnh Gard ở miền Nam nước Pháp đạt 45,9 độ C – nhiệt độ cao nhất trong lịch sử của khu vực này. Thời tiết nắng nóng đã gây ra hàng chục vụ hỏa hoạn ở nước Pháp, đốt cháy 550 ha đất, phá hủy nhiều ngôi nhà và phương tiện, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân.

Luồng không khí nóng khiến nước Đức phải thực hiện hạn chế tốc độ trên đường cao tốc, bởi vì nhiệt độ cao bất thường có thể khiến mặt đường xuất hiện những khe nứt nguy hiểm. Thậm chí có những người dân bị cảnh sát bắt lại vì cởi hết quần áo ở nơi công cộng. Tại Paris ước tính có khoảng 60% số xe cộ được yêu cầu ngừng sử dụng, còn quạt mát và máy lạnh bị mọi người giành nhau mua. Ở Rome, các nhân viên quản lý vườn thú cho động vật ăn trái cây đông lạnh để giúp chúng hạ nhiệt.

Phát thanh viên dự báo thời tiết Silvia Laplana của đài truyền hình Tây Ban Nha nói rằng “Địa ngục sắp đến rồi”, nhiệt độ ở đây đã cao hơn 40 độ C, chính quyền cảnh báo nguy cơ cháy rừng vô cùng cao.

Tại thị trấn Coschen (Đức) giáp biên giới Ba Lan, nhiệt độ đo được vào ngày 26/6 lên đến 38,6 độ C, phá vỡ kỷ lục nhiệt độ cao nhất vào tháng 6 kể từ năm 1947 đến nay. Nhiệt độ tại thành phố Clermont-Ferrand ở Pháp, nơi đặt trụ sở công ty sản xuất lốp xe Michelin đã lên đến 40,9 độ C, cao nhất kể từ năm 1923. 

Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết nhiệt độ ở châu Âu đạt cực đại vào ngày 27/6. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân khiến không khí nóng từ sa mạc Sahara tràn vào châu Âu là do sự thay đổi khí hậu. Hiệu ứng tương tự khiến luồng khí lạnh từ Siberia thổi vào Tây Âu vào năm ngoái được gọi là “Quái thú phương Đông”.

Thời tiết khắc nghiệt đã làm dấy lên những cuộc tranh luận sôi nổi ở châu Âu.

Minh Ngọc

Xem thêm: