Hầu hết chúng ta đều đã trải qua một thời học sinh khó quên, và mỗi chúng ta đều có một hay hai giáo viên yêu thích hoặc không yêu thích khiến chúng ta nhớ mãi. Thực tế chứng minh rằng mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên ở trường rất quan trọng, nó ảnh hưởng đến cách đối nhân xử thế của các em trong tương lai.

giáo viên
(Ảnh: Shutterstock)

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí School Psychology Review, các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn 96 học sinh từ lớp 3 đến lớp 9 ở nhiều trường. Họ muốn tìm hiểu về giáo viên được yêu thích nhất và ít được yêu thích nhất của các em, và nguyên nhân nào khiến mối quan hệ đó tích cực hay tiêu cực? Hầu hết các em đều mô tả về người giáo viên yêu thích của mình với những tính cách như quan tâm, tốt bụng và hài hước.

Một nghiên cứu khác trước đó cũng chỉ ra rằng những học sinh có hành vi quậy phá có nhiều khả năng trải qua các mối quan hệ tiêu cực với giáo viên hơn so với những học sinh ít gây rối. Các giáo viên cũng đánh giá mối quan hệ của họ với các học sinh cá biệt là thường ít gần gũi và dễ xung đột hơn.

Nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ, cũng có những giáo viên khiến các học sinh cá biệt nhớ tới với lòng biết ơn và sự kính trọng. Đó là những người đã đứng ra bảo vệ chúng, dìu dắt chúng, hoặc thay đổi nhận thức của chúng trong học tập và cuộc sống.

Nhóm đầu tiên được phỏng vấn gồm 54 học sinh có tiền sử gây rối, ví dụ như gây mất trật tự trong lớp hoặc thường xuyên bị đình chỉ học. Khoảng một nửa theo học trường chuyên biệt do có hành vi gây rối, và phần còn lại học ở trường chính quy.

Nhóm thứ hai gồm 42 học sinh không có tiền sử gây rối. Các em thường đạt thành tích cao trong học tập, là lớp trưởng hoặc học sinh giỏi, và tất cả đều học ở trường chính quy.

Nghiên cứu đặc biệt quan tâm tìm hiểu xem những yếu tố nào mang lại mối quan hệ tích cực giữa học sinh và giáo viên, ngay cả đối với những học sinh gây rối. Và nghiên cứu cũng xác định xem yếu tố nào có thể làm hỏng các mối quan hệ này, ngay cả đối với những học sinh gương mẫu.

Ai là giáo viên được các em yêu thích nhất?

Đầu tiên, học sinh được hỏi xem có nhớ được bất kỳ giáo viên nào mà các em từng có mối quan hệ rất tốt không. Nếu câu trả lời là có thì câu hỏi tiếp theo sẽ là “điều gì làm cho mối quan hệ đó tốt đẹp”.

Các lý do học sinh nêu ra gần như tương tự nhau giữa hai nhóm. Ngay cả với những học sinh cá biệt cũng cảm thấy gắn bó với những giáo viên biết quan tâm, tốt bụng và vui tính.

Một học sinh 13 tuổi có hành vi gây rối (học ở trường chuyên biệt) kể về cô giáo yêu thích của mình như sau:

“Lần nào em đến trường mà không mang đồ ăn, cô H cũng mua cơm trưa cho em. Cô còn cho em đi tham quan nữa. Em chưa bao giờ được phép đi tham quan [trước đây] vì chứng ADHD (tăng động giảm chú ý) của em.”

Một học sinh 15 tuổi có hành vi gây rối (cũng học ở một trường chuyên biệt) đã nói về giáo viên yêu thích của mình: 

“Thầy M rất vui tính. Thầy là người đàn ông hài hước nhất quả đất. Thầy luôn nói những điều kỳ quặc, đi xung quanh với chiếc áo khoác phồng to thế này, giống như một lính gác người Nga nào đó và giả vờ cây bút chì của thầy là một điếu xì gà làm chúng em rất buồn cười.”

Những câu trả lời này cho thấy tầm quan trọng của việc giáo viên tách các vấn đề kỷ luật ra khỏi mối quan hệ.

Khoảng 16% học sinh đánh giá cao sự giúp đỡ của giáo viên, trong khi 10% đánh giá cao việc giảng dạy hiệu quả.

Một học sinh 12 tuổi không có hành vi gây rối nói về giáo viên yêu thích của mình:

“Cô đã giao cho em và một số bạn học giỏi khác bài tập khó hơn. [Em thích điều đó] vì em cảm thấy được thử thách.”

giáo viên
(Ảnh: Shutterstock)

Nguyên nhân nào gây ra xung đột?

Tiếp theo, các em học sinh được hỏi về giáo viên không yêu thích của mình và nguyên nhân là gì.

Mặc dù không phải tất cả nhưng có khá nhiều em đều có thể nhớ đến một giáo viên mà mình không thích.

Học sinh ở cả hai nhóm đều nhất trí cao về các yếu tố chính dẫn đến các mối quan hệ tiêu cực là cảm thấy giáo viên không thích mình hoặc bị đối xử bất công (86%).

Một học sinh 13 tuổi có hành vi gây rối (học ở trường chính quy) cho biết:

“Em thường hay đeo tai nghe và ngồi một chỗ để nghe nhạc. Cô vào lớp và nhìn thấy em nghe nhạc. Cô đi tới, chộp lấy chiếc tai nghe, lôi chúng ra khỏi tai em và hét lên ‘Hãy nghe lời giáo viên!’”

Một học sinh 16 tuổi có hành vi gây rối (học ở trường chuyên biệt) cho biết:

“Cô ấy hay hạ thấp em. Nếu em mắc lỗi nhỏ xíu còn bạn khác mắc lỗi lớn hơn thì cô ấy vẫn xử lý em trước. Cô ấy ghét em, và em ghét cô ấy.”

Thêm một học sinh 10 tuổi không có hành vi gây rối nói:

“Cô ấy luôn la hét. Bởi vì cô ấy đã cho chúng em đọc một cuốn sách thực sự khó trong khi chúng em mới chỉ học cấp 1, và có thể chúng em đã không đọc tốt.”

Giao vien 4
(Ảnh: Shutterstock)

Thông thường, những mô tả của học sinh về việc đối xử không công bằng bao gồm các hình phạt và khiển trách.

Một học sinh 15 tuổi có hành vi gây rối (học ở một trường chuyên biệt) nói:

“Em nhớ có lần, em vừa vào lớp thì cô ấy đã đi đến chỗ em nói kiểu như tốt hơn là em không nên thảo luận bài học này, và cả buổi học đấy em thậm chí đã không nói gì cả.”

Một học sinh 15 tuổi khác có hành vi gây rối (học ở trường chính quy) nói:

“Cô ấy luôn nêu tên em cho những hành vi sai trái, em đã gặp rất nhiều rắc rối vì điều đó. Nhiều bạn còn làm những việc tệ hơn em rất nhiều, nhưng cô ấy xử sự giống như kiểu em là tệ nhất vậy.”

Một học sinh 12 tuổi không có hành vi gây rối (học ở trường chính quy) cho biết:

“Nếu em làm điều gì đó tốt ở trường, nhưng ai đó lại nói với cô ấy rằng em đã làm điều gì đó tồi tệ thì cô ấy luôn tin họ.”

Giáo viên có thể rút ra được gì từ nghiên cứu trên?

Giao vien 3
(Ảnh: Shutterstock)

Dựa theo kết quả nghiên cứu, dưới đây là một số điều giáo viên và phụ huynh có thể làm để thúc đẩy mối quan hệ tích cực giữa giáo viên và học sinh:

  1. Hãy nhớ rằng sự đồng cảm và hài hước là những nhân tố quan trọng để xây dựng mối quan hệ tích cực với học sinh. Sự quan tâm ấm áp của giáo viên đến các em học sinh sẽ giúp phá bỏ các rào cản. 
  2. Hãy cân nhắc trước khi khiển trách học sinh. Nên để học sinh bắt đầu buổi học với tâm trạng thoải mái và chỉ khiển trách khi thực sự có hành vi vi phạm xảy ra.
  3. Phân biệt rõ giữa việc quản lý lớp học và việc xây dựng mối quan hệ. Những em học sinh cá biệt nhất lại là người cần được quan tâm giúp đỡ nhiều nhất.
  4. Phụ huynh nên khuyến khích các con phản ánh quan hệ của chúng với giáo viên. Trong một số tình huống không rõ ràng thì sự thấu hiểu của giáo viên rất quan trọng. Hai bên sẽ cùng chiến thắng khi cùng ở trong một đội.

Theo The Conversation
Ngọc Chi

Xem thêm: