Sử dụng một mô hình nhận thức theo dõi ánh mắt, nghiên cứu mới của Nhật Bản phát hiện ra rằng trẻ sơ sinh có ý thức về đạo đức và ý thức về công lý để trừng phạt những kẻ xấu khi trẻ còn chưa biết nói.

trẻ sơ sinh
Nghiên cứu mới cho thấy rằng trẻ sơ sinh đã có ý thức về “sự trừng phạt của bên thứ ba” trước khi chúng biết nói, điều này có nghĩa là trẻ sơ sinh sớm đã có ý thức về công lý. (Ảnh: Chernysheva Anna/ Shutterstock)

Trong một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Nature Human Behavior, các nhà nghiên cứu từ Đại học Osaka, phối hợp với Đại học Nữ Otsuma, Phòng thí nghiệm Khoa học Truyền thông NTT và Đại học Tokyo, đã thử nghiệm 120 trẻ sơ sinh, tất cả đều dưới 8 tháng tuổi. 

Đầu tiên, họ cho trẻ sơ sinh làm quen với một hệ thống máy tính, trong đó các hình ảnh động được hiển thị trên màn hình. Trẻ có thể kiểm soát các hành động trên màn hình bằng cách sử dụng hệ thống theo dõi ánh mắt sao cho việc nhìn vào một đối tượng trong một khoảng thời gian đủ dẫn đến việc phá hủy đối tượng. Sau đó, họ chiếu cho trẻ xem một đoạn video, trong đó một nhân vật đang làm tổn thương người khác, và xem liệu trẻ có “trừng phạt” nhân vật ác đó bằng cách nhìn chằm chằm vào nó hay không.

Trưởng nhóm nghiên cứu Yasuhiro Kanakogi, giáo sư tại Đại học Osaka, Nhật Bản, cho biết: “Kết quả thật đáng ngạc nhiên. Chúng tôi phát hiện ra rằng trẻ sơ sinh đã chọn trừng phạt kẻ ác bằng cách tăng ánh nhìn về phía kẻ đó.”

Từ kết quả này, các nhà nghiên cứu cho rằng trẻ sơ sinh đã có ý thức về “sự trừng phạt của bên thứ ba đối với những người chống đối xã hội” (third-party punishment of antisocial others) trước khi biết nói. Nói cách khác, đứa bé đã có ý thức về công lý. Trẻ nhìn thấy sự bất công, và ngay cả khi chính trẻ không bị tổn thương, trẻ đã có ý thức trừng phạt kẻ xấu.

Các nhà khoa học từng nghĩ rằng nhận thức về “sự trừng phạt của bên thứ ba đối với những người chống đối xã hội” là duy nhất đối với người trưởng thành và rằng bất kể chủng tộc nào, họ đều có chung những giá trị tương tự. Tuy nhiên, các nhà khoa học không biết đây là quan niệm đạo đức do con người tu dưỡng, hay là vốn có bẩm sinh, cũng không biết con người ở độ tuổi nào đã có nhận thức như vậy.

Giáo sư Yasuhiro Kanakogi cho biết: “Ý thức đạo đức rất quan trọng và bí ẩn, và đó là một trong những đặc điểm phân biệt con người với các sinh vật khác. Chúng tôi muốn biết liệu ý thức về ‘sự trừng phạt của bên thứ ba’ đã xuất hiện ở con người khi còn rất nhỏ hay không, điều này sẽ giúp chúng tôi khám phá liệu ý thức đạo đức có phải là do quá trình học tập tu dưỡng mà hình thành nên hay không.”

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một thí nghiệm khác để xác nhận thêm kết quả của thí nghiệm đầu tiên. Thí nghiệm được thiết kế để loại trừ khả năng những đứa trẻ trong thí nghiệm thứ nhất nhắm mục tiêu vào những kẻ xấu vì chúng quan tâm đến những kẻ xấu. Lần này, họ không trang bị máy theo dõi ánh nhìn cho trẻ sơ sinh, vì vậy ánh nhìn của trẻ sơ sinh không thể phá hủy các đối tượng hoạt hình. Trong bối cảnh như vậy, khi cùng một hình ảnh “bắt nạt” được chiếu cho trẻ xem, mắt trẻ không dán chặt vào kẻ xấu.

Các nhà nghiên cứu cho ra kết luận, tin tưởng rằng nhận thức của con người về “sự trừng phạt của bên thứ ba đối với những người chống đối xã hội” là vốn có bẩm sinh, không phải do qua quá trình giáo dục.

Nghiên cứu được công bố ngày 9/6 trên Tạp chí Nature Human Behavior

Thanh Mộc (t/h)